Doanh nghiệp đồ uống muốn chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Trước những khó khăn, thách thức trong năm 2023, các doanh nghiệp ngành đồ uống mong muốn Nhà nước chưa nên xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đó là kiến nghị được đưa ra tại hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng”, do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 29-6.
Chủ tịch VBA ông Nguyễn Văn Việt phát biểu tại hội thảo sáng 29-6. Ảnh: Minh Trúc.
|
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, từ khi đổi mới và hội nhập kinh tế, ngành đồ uống phát triển mạnh với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, đẩy lùi hàng nhập lậu và góp phần vào tăng giá trị xuất khẩu, với tổng giá trị sản xuất lớn, đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xã hội.
Với hàng trăm nhà máy ở khắp các tỉnh, thành, ngành đồ uống có cồn tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp trong các cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng như nguyên liệu, đóng gói, kho vận, phân phối, các ngành dịch vụ, bảo đảm lưu thông trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Các nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và đóng góp rất lớn cho ngân sách địa phương, ở mức cao nhất nhì so với các ngành hàng khác và có xu hướng tăng trưởng.
Ngành tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, đóng góp khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng bao gồm nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ.
Đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, ngành đồ uống là một nhân tố quan trọng để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch (bao gồm lưu trú và ăn uống).
Xu hướng nộp ngân sách của ngành liên tục tăng cho đến hết năm 2019, đạt mốc 56,665 ngàn tỷ đồng, với tốc độ tăng trung bình 14%.
Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 kéo dài, hiện nay, ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới.
Nhiều quy định quản lý chưa phù hợp, có nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất, kinh doanh trong ngành và những hệ lụy đối với xã hội.
Năm 2023 được dự báo ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành đồ uống.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, phát triển, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống mong muốn Nhà nước chưa nên xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Các doanh nghiệp đồ uống mong muốn Nhà nước ổn định chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm hồ sơ giấy tiến tới áp dụng hải quan online toàn phần, linh hoạt trong các chính sách tín dụng, lãi suất ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, đại diện VBA kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Tổng biên tập Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho rằng, đồ uống nói chung bao gồm bia, rượu, nước giải khát và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng văn hóa.
Phó Tổng biên tập Tạp chí Đồ uống cho rằng cộng đồng doanh nghiệp đồ uống rất cần sự ổn định về chính sách. Ảnh: Minh Trúc
|
Hàng năm, các doanh nghiệp ngành đồ uống đã có nhiều hoạt động vì cộng đồng, phát triển bền vững, tiêu biểu như Heineken Việt Nam, SABECO, HABECO, Coca – Cola, Suntory Pepsico, Tân Hiệp Phát.
Các doanh nghiệp ngành đồ uống Việt Nam luôn ưu tiên và dành một phần ngân sách để tham gia tích cực các hoạt động phát triển bền vững theo tiêu chí môi trường - xã hội và quản trị minh bạch (ESG).
Có doanh nghiệp đầu tư 10% ngân sách truyền thông (tương đương 16 tỷ) cho các hoạt động tuyên truyền uống có trách nhiệm; Bảo vệ hành tinh vì một Việt Nam tốt đẹp hơn: tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm, giảm 2.500 tấn khí thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận năm 2018, và 100% nước thải từ các nhà máy được xử lý đạt và vượt chuẩn để trả về môi trường một cách an toàn.
Có doanh nghiệp luôn hướng đến giải pháp bền vững, triển khai các sáng kiến về ESG khác nhau thông qua 4 trụ cột phát triển, nhằm hỗ trợ các mục tiêu Quốc gia về Tăng trưởng Xanh trong giai đoạn 2021 - 2030.
"Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đồ uống rất cần sự ổn định về chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững và phát triển”, ông Chương khẳng định.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp giúp ngành đồ uống phát triển và đứng vững trên thị trường như nghiên cứu phát triển sản phẩm nước giải khát không làm tăng lượng đường, các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Hay các nhà sản xuất cần đặc biệt quan tâm tới bảo vệ môi trường, cam kết thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... đã được đưa ra và thảo luận.
MINH TRÚC
Pháp luật TPHCM
|