Thứ Tư, 12/07/2023 15:27

Foxconn rút khỏi dự án sản xuất chip 19.5 tỷ USD ở Ấn Độ

Ngày 10/07, Foxconn tuyên bố rút khỏi liên doanh sản xuất chất bán dẫn trị giá 19.5 tỷ USD với tập đoàn kim loại hóa dầu Vedanta của Ấn Độ. Đây là đòn giáng mạnh vào tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu của Ấn Độ.

Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, và Vedanta đã ký một thỏa thuận vào năm 2022 để thành lập các nhà máy sản xuất chất bán dẫn và màn hình ở bang Gujarat, Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 10/07, Foxconn cho biết “sẽ không tiếp tục liên doanh với Vedanta".

Foxconn nói thêm rằng họ đã làm việc với Vedanta trong hơn một năm để biến "một ý tưởng bán dẫn tuyệt vời thành hiện thực". Phía hãng sản xuất Đài Loan không nói rõ lý do gì khiến họ quyết định rút khỏi liên doanh.

Trong khi đó, Vedanta cho biết “đã hợp tác với các đối tác khác”, nhưng không nói thêm thông tin chi tiết về vụ việc này.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ sản xuất chất bán dẫn và đã có giấy phép về công nghệ sản xuất chip 40nm từ một nhà sản xuất thiết bị tích hợp nổi tiếng”, Vedanta cho biết. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng có được giấy phép để sản xuất chip 28nm”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi coi việc sản xuất chip là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh tế của nước này nhằm theo đuổi "kỷ nguyên mới" trong sản xuất điện tử. Do đó, động thái của Foxconn được đánh giá là đòn giáng mạnh vào tham vọng thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lần đầu sản xuất chip tại đây.

"Thỏa thuận thất bại chắc chắn là một trở ngại đối với nỗ lực Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ)",  Neil Shah, Chuyên viên phân tích từ hãng nghiên cứu Counterpoint, nhận định. Chuyên gia này cho rằng động thái của Foxconn "khiến các công ty khác nghi ngờ" về Vedanta.

Trong khi đó, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho rằng việc hợp tác hay không là chuyện của hai công ty, khẳng định quyết định của Foxconn không ảnh hưởng đến kế hoạch về bán dẫn của quốc gia Nam Á này.

Căng thẳng về chuyện nhận ưu đãi?

Ấn Độ hy vọng sẽ hưởng lợi từ làn sóng đa dạng hóa nơi sản xuất khỏi Trung Quốc khi quan hệ với Mỹ ngày càng leo thang căng thẳng. Đất nước tỷ dân này muốn trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu - một bước đi quan trọng trong kế hoạch biến Ấn Độ thành nền kinh tế 5 ngàn tỷ USD.

Trong đó, sản xuất thiết bị điện tử rất được chú trọng, Ấn Độ đặt mục tiêu doanh thu từ mảng này lên tới 400 tỷ USD vào năm 2025.

Để thực hiện tham vọng, trong năm 2021, Chính phủ Ấn Độ thông qua chương trình ưu đãi trị giá 10 tỷ USD dành cho lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Các dự án sản xuất đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ lên tới một nửa chi phí để thiết lập nhà máy.

Chính sách này đã thôi thúc các công ty như Vedanta thành lập liên doanh với Foxconn. Liên doanh Foxconn-Vedanta nằm trong 3 bên đủ điều kiện nhận ưu đãi để sản xuất chất bán dẫn. Các bên còn lại là tập đoàn ISMC và IGSS Ventures.

Tuy nhiên, liên doanh Foxconn-Vedanta vẫn chưa được phê duyệt ưu đãi. Chính phủ Ấn Độ cho biết họ cần có các ước tính chi phí từ liên doanh để đưa ra ưu đãi. Theo Reuters, việc chậm trễ phê duyệt ưu đãi có thể là lý do khiến Foxconn rời liên doanh.

Bên cạnh đó là vấn đề đàm phán bế tắc liên quan đến một đối tác thứ ba - nhà sản xuất chip châu Âu STMicroelectronics.

Trong khi liên doanh Vedanta - Foxconn tìm cách để STMicroelectronics tham gia cấp phép công nghệ, thì Chính phủ Ấn Độ lại khẳng định rõ quan điểm rằng họ muốn hãng chip châu Âu "tham gia đầu tư nhiều hơn", chẳng hạn như có cổ phần trong quan hệ đối tác.

Trái lại, STMicro không quan tâm đến yêu cầu này khiến các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia, Reuters)

FILI

Các tin tức khác

>   Chuyên gia S&P Global: Sự thống trị của đồng USD đang giảm dần (12/07/2023)

>   Vàng thế giới tăng 3 phiên liên tiếp (12/07/2023)

>   Dầu Brent tăng 2% lên gần 80 USD/thùng (12/07/2023)

>   Vàng thế giới đi ngang chờ dữ liệu lạm phát Mỹ (11/07/2023)

>   Dầu giảm 1% do lo ngại lãi suất Mỹ tăng (11/07/2023)

>   Ant Group mua lại cổ phiếu với giá thấp hơn 70% giá IPO dự kiến (09/07/2023)

>   Vàng thế giới có tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần (08/07/2023)

>   Dầu tăng lên mức cao nhất trong 9 tuần (08/07/2023)

>   Quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới chuẩn bị cho kịch bản toàn cầu “hạ cánh cứng” (07/07/2023)

>   Vàng thế giới xuống thấp nhất trong gần 1 tuần (07/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật