Thứ Năm, 20/07/2023 13:00

Đồng tiền không có lỗi!

Với cáo buộc nhận hối lộ lên đến 21.5 tỷ đồng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nói là do nể nang và “với nhận thức đơn giản, do không làm trong quản lý kinh tế nên không phân biệt ranh giới giữa hành vi dân sự nhận tiền cảm ơn với hành vi phạm tội".

Với cáo buộc nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan tự nhận “vì nhận thức của bị cáo chưa được đầy đủ về việc nhận quà nên đã nhận của đại diện một số doanh nghiệp”.

Cho rằng đó là tiền của doanh nghiệp chứ không phải của ngân sách Nhà nước; lại không phân biệt được quà tặng của doanh nghiệp, hết sinh nhật đến lễ, tết nên cựu phó chủ tịch UBND Quảng Nam Trần Văn Tân đã có 9 lần nhận quà với tổng số tiền 5 tỷ.

Điển hình của sự vòi vĩnh trắng trợn nhất là cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên và Phó trưởng phòng Tham mưu Cục QLXNC, Bộ Công an Vũ Anh Tuấn. Đơn cử với ba-rem họ đưa ra là 150 triệu cho một lần ký cấp phép chuyến bay. Khi doanh nghiệp xin giảm xuống 100 triệu thì Kiên bảo, đã nộp cho anh Tuấn mức đấy thì ông Kiên cũng phải ngang bằng. Kiên là “quán quân” nhận hối lộ 42.6 tỷ, Tuấn “á quân” với 27 tỷ đồng.

Có thể nói phiên tòa “chuyến bay giải cứu” đã phơi trần một hiện thực về sức công phá, băng hoại của đồng tiền với phẩm tính làm người và đạo đức cán bộ; hay chính một bộ phận cán bộ đã bị tha hóa và trở thành công cụ cho đồng tiền dưới vỏ bọc “quà tặng” sinh nhật, “thay lời cảm ơn”.

Cho dù những giọt nước mắt hối hận, cay đắng đã rơi; những lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân đã được thốt lên; dốc hết sự sản của bản thân và gia đình ra nộp trả lại nhằm khắc phục hậu quả thì, cái gốc của vấn đề, lõi nguyên nhân của hành vi ăn chia trắng trợn, ngã giá kinh hoàng, nâng giá bất chấp hoàn cảnh dịch bệnh, đồng bào đang khốn khó, cùng đường chính là lòng tham, sự bất nhẫn, phi đạo đức của con người - cán bộ.

Họ chẳng nhẽ không biết để có được những “quà tặng” hàng chục tỷ kia, doanh nghiệp hẳn phải “cắn - cào” ở đâu đó, nếu không xuống đến người dân, hành khách để “có chút lợi nên cảm ơn anh em mình đã vất vả, tạo điều kiện hỗ trợ” - như lời phân bua của hầu hết các bị cáo - cán bộ tại phiên tòa. Họ thừa biết khi dịch bệnh bủa vây toàn cầu, tìm mọi cách để được hồi hương trong khi chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đã và đang sẵn sàng đưa đồng bào trở về, thì cả một đường dây trục lợi ngay lập tức đã được cấu kết phạm tội. Họ, một bên là đại diện cho hình ảnh quốc thể, thực thi chính sách nhân văn của Nhà nước; một bên là tình đồng bào đã cùng lúc giẫm đạp lên tất cả. Dù trước vành móng ngựa vẫn xoen xoét bảo “luôn đặt công tác bảo hộ công dân lên hàng đầu, coi công dân bị mắc kẹt, gặp khó khăn như người thân trong gia đình và phải hỗ trợ, đưa họ về sớm nhất” - như lời bà cựu cục trưởng cục Lãnh sự.

Họ gần như phủi sạch nhân cách khi mở miệng nói “bị cáo là con duy nhất của gia đình liệt sĩ thì lượng hình như luật sư đề nghị, cho bị cáo được miễn hình phạt" - phát biểu của bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) hoặc bị cáo bị cáo Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an thì thản nhiên “Số tôi đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được” - là trả lại số tiền hơn 7 tỷ mà ông ta đã “vô tình” nhận từ doanh nghiệp…

Cho nên, lần đầu tiên một phiên tòa được công khai trước toàn dân, một khía cạnh nào đó nó cần được ghi nhận một minh chứng cho sự “không có vùng cấm” trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng, cũng qua đó, phiên tòa chỉ độc mỗi quay xung quanh đồng tiền này đã chứng minh cho một hiện trạng nhức nhối: đồng tiền - là phương tiện, nó không có lỗi; cách kiếm đồng tiền và sử dụng nó như thế nào là ở mỗi lựa chọn của người-đi-kiếm-tiền.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết một chân lý cực kỳ giản đơn “danh dự mới là điều thiêng liêng nhất” nhưng nó chứa đựng sức nặng vô cùng, bởi để chọn và giữ lấy điều thiêng liêng ấy, con người - cán bộ phải đủ dũng khí để giữ mình, một đồng không do công sức mình làm ra, ai có cho không, biếu xén cũng không lấy; huống gì còn tìm cách mà đục khoét, ăn chia ngay trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Vì vậy, để bảo vệ sự chính danh của một Nhà nước, phẩm giá của một đảng cầm quyền, củng cố niềm tin của nhân dân thì những kẻ nhúng chàm “chuyến bay giải cứu” cần phải bị nghiêm trị bằng pháp quyền của Nhà nước, lại càng không xứng đáng nhận được sự tha thứ của nhân dân.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần (19/07/2023)

>   Hiệp hội nhà thầu đề xuất giải pháp ‘hâm nóng’ thị trường bất động sản (19/07/2023)

>   Hai ngân hàng Nhật cho Aeon Việt Nam vay 41 triệu USD để mở siêu thị ở Long An, Bình Dương (19/07/2023)

>   HP dự kiến chuyển một phần dây chuyền sản xuất PC từ Trung Quốc qua Việt Nam (19/07/2023)

>   Tổng vốn đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến khoảng 5.4 tỷ USD (19/07/2023)

>   Rau quả chưa thoát cảnh được mùa rớt giá (19/07/2023)

>   TP HCM: Thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức đảng, đảng viên (18/07/2023)

>   HSBC: Dòng vốn FDI chảy mạnh vào châu Á (18/07/2023)

>   Giải pháp tháo gỡ khó khăn với chính sách giá điện, thị trường điện (18/07/2023)

>   Cần 134 tỷ USD đầu tư nguồn điện, lưới điện đến năm 2030 (18/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật