Thứ Hai, 31/07/2023 09:00

Doanh nghiệp ngoài ngành lấn sân bất động sản

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành giảm mạnh quy mô, thậm chí đóng cửa, thì vẫn có một số doanh nghiệp ngoài ngành lấn sân sang mảng này.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới chỉ có 2,179 đơn vị, giảm tới 59% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 654 đơn vị, tăng 22% so với cùng kỳ.

Số liệu từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện còn khoảng 30 - 40% môi giới hoạt động trên thị trường so với đầu năm 2022.

Theo báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 8/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, kinh doanh bất động sản giảm nhiều nhất với gần 60%. Ngược lại, số doanh nghiệp trong ngành quay trở lại hoạt động chỉ tăng 0.5% đạt 1,416 đơn vị.

VARS cho biết, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn, sẽ có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3 và chỉ khoảng 43% trụ được đến hết năm 2023.

Giữa cảnh thị trường trăm thứ khó, các triển vọng cũng như dự báo có xu hướng kéo dài thời gian phục hồi, vẫn có những doanh nghiệp đi ngược sóng.

Bất động sản nghỉ dưỡng đón cú hích từ Nghị định 10

Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành được coi là tin vui cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khi các căn hộ condotel, officetel, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng có cơ hội được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Các chuyên gia nhận định Nghị định này là thông tin tích cực, củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần như đóng băng trong thời gian qua.

Sau chiến lược thay đổi cấu trúc thượng tầng của doanh nghiệp cũng như đổi tên sau hơn 20 năm thành lập, CTCP Đầu tư Phát triển ST8 (HOSE: ST8) quyết định lấn sân vào mảng bất động sản bằng dự án đầu tay với du lịch nghỉ dưỡng - dự án Trầm Hương Resort tại thôn Ba Dùi, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Trầm Hương Resort có quy mô diện tích đất 4.53ha, nằm trên lô đất trung điểm giao thoa giữa vịnh Nha Trang và Tây Nguyên. Tổng mức đầu tư dự án gần 1,970 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện là 1,728 tỷ đồng. Các sản phẩm dự kiến cung cấp gồm 25 căn villa, 47 căn shophouse, 99 phòng condotel và 272 phòng khách sạn.

Ở dự án này, HĐQT ST8 đồng ý việc đặt cọc cho ông Lê Thanh Huy nhằm mục đích tạo quỹ đất để thực hiện dự án.

Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO, HOSE: SJS), sau khi chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, gần đây đã công bố kế hoạch lấn sân sang mảng bất động sản hạng sang và nghỉ dưỡng, bên cạnh phát triển mảng bất động sản công nghiệp hiện nay.

Theo chia sẻ của doanh nghiệp, trong năm 2023, 2 dự án bất động sản nghỉ dưỡng mà SJS gia nhập nằm tại Đà Nẵng và Quảng Ninh. Ngoài ra, nửa cuối năm 2023, SJS dự kiến triển khai dự án Văn La (Hà Đông - Hà Nội) với 3 phân khu gồm chung cư cao tầng, biệt thự và nhà ở liền kề. Trong đó, 2 tòa tháp đôi chung cư cao 25 tầng, cung cấp hơn 800 căn hộ cao cấp.

Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Văn La. dự kiến khởi công vào nửa cuối năm 2023

Được biết, dự án Văn La có tổng diện tích đất hơn 12ha, vốn đầu tư dự kiến hơn 50 triệu USD (khoảng 1,182 tỷ đồng). Tại dự án này, SJS đang làm việc với các sở ban ngành, TP. Hà Nội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; tập trung làm việc với EVN Hà Nội để thống nhất phương án cải tạo, hạ ngầm đường điện 110 KW qua dự án và thỏa thuận các điểm đấu nối cấp điện cho dự án; đồng thời, rà soát điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần để triển khai các bước đầu tư tiếp theo.

SUDICO được thành lập vào năm 2001 với tên ban đầu là Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà, là thành viên của Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (UPCoM: SJG). Năm 2003, SJS chuyển đổi thành CTCP và có tên gọi như hiện nay.

Cổ phiếu của SJS được niêm yết trên HOSE vào tháng 07/2006. Tới năm 2022, Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (vốn nhà nước) đã thoái toàn bộ vốn (36.35%) tại SIS.

Dự án đã “khắc tên” SJS trên bản đồ các doanh nghiệp bất động sản là khu đô thị Mễ Trì - Mỹ Đình và khu đô thị Nam An Khánh.

Doanh nghiệp tôn thép lấn sân bất động sản

Một đơn vị trong ngành thép là Ống thép Việt Đức VG PIPE (HNX: VGS) có kế hoạch đầu tư khu đô thị Việt Đức Legend City tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Phối cảnh tổng thể Việt Đức Legend City

Việt Đức Legend City có quy mô diện tích đất gần 62.1ha, dân số dự kiến 8,640 người. Tổng mức đầu tư hơn 6,686 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (3,537 tỷ đồng) thực hiện trên diện tích đất 27.52ha; giai đoạn 2 (3,149 tỷ đồng) trên 34.56ha, gồm các hạng mục như công trình khu nhà ở thương mại liền kề, nhà ở biệt thự, nhà chung cư thương mại, đất nhà ở xã hội, khu thương mại dịch vụ, khu công trình công cộng.

Về cơ cấu sản phẩm, toàn dự án dự định cung cấp 382 căn nhà liền kề, 404 căn biệt thự, 352 căn chung cư thương mại và 952 căn chung cư nhà ở xã hội.

Ống thép Việt Đức tiền thân là Nhà máy Ống thép Việt Đức, thành lập năm 2002. Sản phẩm bao gồm ống thép đen tròn (vuông, chữ nhật), ống thép đen tròn cỡ lớn chịu áp lực cao, ống thép mạ kẽm nhúng nóng, thép nguội cán, bu lông ốc vít. VGS chiếm 5.53% thị phần ống thép và 4.6% đối với thép xây dựng, tính đến hết năm 2022.

Trong mảng bất động sản, Thép Việt Đức đang đầu tư vào 3 dự án. Ngoài dự án lớn nhất là khu đô thị Việt Đức Legend City, doanh nghiệp còn sở hữu tòa nhà cho thuê văn phòng và căn hộ Vietduc Financial Building tại Vĩnh Yên, tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại tại Mê Linh.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tôn Đông Á (OTC: TonDongA) cũng ngụ ý việc lấn sân qua mảng bất động sản, nông nghiệp để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp cho biết, năm 2023, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó khăn, nhiều rủi ro tiềm ẩn, GDP tăng trưởng thấp, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Việt Nam đang trong giai đoạn tái cấu trúc nhằm ổn định cho sự phát triển bền vững lâu dài của nền kinh tế. Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công nhằm thúc đẩy sự phục hồi ổn định lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam.

Qua đó, Công ty muốn tìm kiếm, mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Ngoài ra, công ty cũng tìm kiếm cơ hội ở các lĩnh vực liên quan đến các ngành khác như địa ốc, nông nghiệp - công nghiệp, đầu tư ra nước ngoài.

Các lĩnh vực mới nêu trên sẽ được Tôn Đông Á nghiên cứu triển khai thông qua hình thức góp vốn đầu tư trực tiếp hoặc thành lập công ty mới với tỷ lệ vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ.

Thanh Tú

FILI

Các tin tức khác

>   Vincom Retail lãi ròng 6 tháng hơn 2,000 tỷ đồng, tăng 76% (28/07/2023)

>   NVP: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2023 (28/07/2023)

>   DRL: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023 (27/07/2023)

>   HVX: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023 (27/07/2023)

>   PQN: Ngày đăng ký cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (28/07/2023)

>   SAS: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 (28/07/2023)

>   Chủ tịch Digiworld: Điểm bùng nổ sẽ vào cuối 2024 nhờ chu kỳ thay mới sản phẩm (28/07/2023)

>   VAB: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2023 (27/07/2023)

>   ONW: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2023 (27/07/2023)

>   KCB: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2023 (27/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật