Đề xuất dùng vốn ngân sách mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây Dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2) có tổng mức đầu tư dự kiến 1.105,5 tỉ đồng là dự án nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu nên việc áp dụng hình thức gọi vốn BOT là không phù hợp. Song Quốc hội đã có Nghị quyết 98 cho phép TPHCM thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phát triển, nên địa phương có thể thực hiện dự án này theo phương thức BOT. Tuy nhiên, UBND TPHCM quyết định đề xuất dùng vốn ngân sách.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao, tháng 3-2022, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án xây dựng nút giao thông An Phú tăng cường kết nối đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các trục chính của thành phố. Dự án đã được khởi công vào quí 4-2022 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Phối cảnh nút giao An Phú sau khi hoàn thành. Ảnh: Sở GTVT TPHCM |
Hiện nay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đề xuất đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP CM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến Quốc lộ 51 với quy mô hoàn chỉnh từ 8 đến 10 làn xe cao tốc để đảm bảo khả năng thông hành của tuyến đường. Dự án dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành cuối năm 2025, phù hợp với việc khai thác giai đoạn 1 cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cao tốc TP HCM, đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 để việc khai thác toàn bộ tuyến đường được đồng bộ là yêu cầu cần thiết.
Dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ nút gíao An Phú đến đường Vành đai 2) có liên quan trực tiếp đến một số dự án do Bộ GTVT là cơ quản chủ quản dự kiến triển khaí thực hiện trong thời gian tới. Như dự án đầu tư mở rộng tuyển đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu); các dự án xây dựng hai tuyến đường sắt quốc gia theo quy hoạch (tuyến đường sắt TPHCM – Nha Trang và tuyến đường sắt nhẹ TPHCM – Long Thành). Để đảm bảo tính đồng bộ về phạm vi, quy mô đầu tư, tiến độ thực hiện dự án… Sở GTVT TPHCM đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ, xem xét, góp ý về hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án mở rộng đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2, để TPHCM hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong công văn, Sở GTVT cho biết đây là dự án nâng cấp, mở rộng nên theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 thì việc áp dụng hình thức BOT là không phù hợp. Song, hiện nay Quốc hội đã có Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó, thành phố được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Do đó, về nguyên tắc thu phí đoạn tuyến dự án là không vi phạm các quy định hiện hành, Dự án có thể lập trạm thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, sẽ phải có thời gian chờ các thủ tục hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15.
Nếu lựa chọn phương án đầu tư công thì dự án sẽ triển khai được ngay không phụ thuộc vào nguồn vốn khu vực tư nhân, không phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và không tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không lựa chọn được nhà đầu tư (như cao tốc Bắc – Nam phía Đông), từ đó giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng bộ với kế hoạch hoàn thành các dự án liên quan như: nút giao An Phú (năm 2025), mở rộng cao tốc đoạn từ Vành đai 2 đến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (dự kiến trong năm 2026), sân bay Long Thành (cuối năm 2025).
Việc sử dụng vốn đầu tư công cho dự án phù hợp với kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại buổi họp thường trực UBND thành phố hồi tháng 5 vừa qua về danh mục dự án sử dụng nguốn vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm giai đoạn 2021- 2025 và các văn bản có liên quan khác. Do đó, việc xem xét sử dụng vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện dự án là phù hợp.
Lan Nhi TBKTSG
|