Công bố kết quả lỗ nặng, cổ phiếu SMC, FRT và TVN lao dốc
Nhiều cổ phiếu giảm mạnh vào đầu tuần sau khi công bố báo cáo tài chính quý 2 ảm đạm hơn dự báo.
Tính tới lúc 10h phiên 31/07, cổ phiếu SMC đã “nằm sàn” với dư bán sàn hơn 800 ngàn cp, còn ông lớn bán lẻ FRT giảm gần 2.3% (sau khi có lúc giảm hơn 4%), trong khi TVN sụt 3.8%.
Diễn biến tiêu cực ập đến khi các công ty này công bố kết quả ảm đạm hơn kỳ vọng.
Cụ thể, công ty thương mại thép SMC ghi nhận doanh thu thuần 3.3 ngàn tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng 392 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các khoản chi phí đều tăng mạnh. Trong đó, chi phí lãi vay tăng 65% lên 73 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 6.8 lần cùng kỳ, lên 214 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng nợ xấu 180 tỷ đồng (nhiều khả năng là Novaland).
Cuối quý 2/2023, SMC ghi nhận nợ xấu gần 1.3 ngàn tỷ đồng, tăng 1,000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là các công ty liên quan tới Novaland như Delta Valley Bình Thuận, Bất động sản Đà Lạt Valley, The Forest City, đồng thời còn có Hưng Thịnh.
Ở trường hợp khác, FPT Retail lỗ kỷ lục 220 tỷ đồng trong quý 2/2023. Điều này diễn ra giữa lúc mảng thiết bị ICT lao đao trong cuộc chiến giá, còn mảng dược phẩm chưa thể đóng góp về lợi nhuận.
Trong quý 2/2023, FPT Shop đang lao đao trong cuộc chiến giá gay gắt và sự suy giảm tiêu dùng với các thiết bị ICT, với doanh thu sụt 18% xuống 3,605 tỷ đồng. Còn Long Châu rõ ràng đang bứt phá với doanh thu gần gấp đôi cùng kỳ, lên 3,615 tỷ đồng.
Chuỗi cửa hàng dược phẩm đang là “điểm sáng” cho FPT Retail, nhưng chưa đóng góp nhiều về mặt lợi nhuận, thậm chí chi phí cho việc mở rộng chuỗi này còn góp phần khiến lợi nhuận giảm sâu hơn.
Còn VNSteel (UPCoM: TVN) làm nhà đầu tư “vỡ mộng” vì kết quả thực tế quá khác với ước tính sơ bộ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp lỗ ròng 255 tỷ đồng trong quý 2/2023, với doanh thu 6.8 ngàn tỷ đồng (giảm 29% so với cùng kỳ).
Kết quả này thật sự bất ngờ vì cách đây 3 tuần, VNSteel ước lãi trước thuế công ty mẹ 134 tỷ đồng (theo BCTC riêng quý 2/2023 thì VNSteel lỗ hơn 40 tỷ đồng).
VIC tăng trần, VHM tăng 5%
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu VIC tăng mạnh nhờ báo cáo kết quả lạc quan.
Cổ phiếu VIC “tím trần” với dư mua 3 triệu cp, còn VHM tăng 4.6% và VRE tăng 2.8%. Cổ phiếu LTG cũng tăng vọt 8.2%.
Vingroup đạt doanh thu 102,530 tỷ đồng sau 6 tháng, lợi nhuận 7,936 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, Vingroup đạt doanh thu thuần bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 102,530 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ bàn giao các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 trong kỳ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác gồm kinh doanh bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và sản xuất đều ghi nhận tăng trưởng tốt.
Đặc biệt, doanh thu mảng sản xuất trong 6 tháng đầu 2023 tăng 55.2% so với cùng kỳ 2022 nhờ doanh số xe điện trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh, gấp 5 lần so với cùng kỳ trong khi doanh thu xe xăng còn không đáng kể do đã ngừng sản xuất. VinFast dự kiến sẽ niêm yết ngay trong tháng 8 này theo đúng tiến độ đã đề ra.
Một công ty khác trong hệ sinh thái là Vinhomes vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 32,833 tỷ đồng, cao gấp 7.3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần lớn chủ yếu đến từ doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng đột biến, từ hơn 2,148 tỷ lên hơn 30,107 tỷ đồng. Kết quả, lãi quý 2 của VinHomes tăng gấp 12 lần, đạt hơn 9,700 tỷ đồng.
Vincom Retail (HOSE: VRE) cũng ghi nhận kết quả khả quan. Trong quý 2, công ty ghi nhận doanh thu thuần bán niên 2023 đạt 2.173 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại (“TTTM”) đóng góp chủ lực với 1,943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả, Vincom Retail lãi sau thuế 1,001 tỷ đồng, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Lộc Trời (LTG) báo lãi 424 tỷ đồng trong quý 2/2023, trong khi cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết tới nay.
Đóng góp phần lớn trong khoản lợi nhuận này là khoản lãi gần 327 tỷ đồng trong công ty liên kết (CTCP Lương thực Lộc Nhân), trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận. Nhiều khả năng đây là khoản đánh giá lại tài sản của Lộc Nhân.
Với cổ phiếu LTG, bên cạnh khoản lãi lớn, cổ phiếu còn được hưởng lợi nhờ bối cảnh chung của ngành gạo. Gần đây, Ấn Độ - quốc gia đóng góp 40% giao dịch gạo toàn cầu - đã cấm xuất khẩu gạo thông thường. Còn Nga và UAE cũng mới cấm xuất khẩu gạo. Sau các động thái này, giá gạo trong nước lẫn xuất khẩu của Việt Nam đều tăng mạnh.
Vũ Hạo
FILI
|