Chờ đợi gì ở pháp luật kinh doanh bảo hiểm?
Câu chuyện bảo hiểm vẫn nóng, đặc biệt là sau khi có kết quả thanh tra tại một số công ty bảo hiểm. Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành hồi đầu tháng 7-2023 có vẻ cũng chưa thể hạ nhiệt tình hình.
Nhìn một cách tổng quát, cả Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46 là các văn bản tạo dựng khung pháp lý về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ở đó, các quy định chủ yếu hướng đến việc làm sao để Nhà nước quản lý hoặc kiểm soát hoạt động này một cách hiệu quả.
Trong khi đó, đứng từ góc độ thị trường và xã hội, đặc biệt sau khi các bất cập xoay quanh hoạt động tư vấn, xác lập nội dung, ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phát sinh, mối quan hệ giữa đơn vị kinh doanh bảo hiểm và khách hàng có vẻ là vấn đề đang được quan tâm nhiều hơn, cần được pháp luật minh thị một cách rõ ràng hơn, chắc chắn hơn và an toàn hơn so với việc giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ giữa đơn vị kinh doanh bảo hiểm và Nhà nước.
Đương nhiên, giải quyết vấn đề nào, điều chỉnh mối quan hệ nào cũng cần thiết, và tạo ra những ngoại tác nhất định đối với nhóm quan hệ còn lại. Nhưng nhu cầu và mối bận tâm của xã hội luôn phản ánh sự cần thiết và ưu tiên của các chế định pháp lý phù hợp.
Cho nên, dù Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Nghị định 46 đã ít nhiều chạm đến các vấn đề trên thì các khía cạnh đặc thù trong quan hệ hợp đồng và bảo hiểm cũng vẫn tiếp tục là một vùng xám. Pháp luật dân sự, thương mại… như những gì đã diễn ra lâu nay rõ ràng không đủ sức can thiệp vào mối quan hệ này.
Xét về mặt lịch sử, pháp luật về bảo hiểm từ những năm đầu của thế kỷ 20 thường chú trọng đến việc kiểm soát hành vi gian lận bảo hiểm. Hay nói cách khác, thái độ và hành xử của khách hàng trở thành một điểm nhấn trong suốt một thời gian dài. Ngược lại, từ khoảng nửa cuối thế kỷ 20, pháp luật về bảo hiểm đã đảo chiều, và các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, đều nhận thấy cần thiết phải có cơ chế bảo vệ khách hàng “chân chính” như là một bên yếu thế trước sự chuyên nghiệp và vị thế chủ động của đơn vị kinh doanh.
Hấp thụ tinh thần tự do thỏa thuận giữa đôi bên là cần thiết. Nhưng lược bỏ sự kiểm soát của pháp luật trong mối quan hệ bất tương quan về lực lượng sẽ là một thiếu sót lớn của nhà làm luật. Có vẻ như pháp luật kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam đang rẽ theo hướng đó, dù tên gọi đạo luật “gốc” của ngành là Luật Kinh doanh bảo hiểm chứ không phải là Luật Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. So với phiên bản cũ, kể cả các văn bản hướng dẫn thi hành, sự kiểm soát của pháp luật trong việc thiết lập hợp đồng bảo hiểm mờ nhạt dần. Hay nói cách khác, khung pháp lý mới đang có thiên hướng trao nhiều quyền chủ động cho… đơn vị kinh doanh bảo hiểm.
Có thể đơn cử một vài vấn đề đang còn bỏ ngỏ sau đây:
Thứ nhất, giống như xu thế bán hàng ở nhiều ngành hàng khác, đơn vị kinh doanh bảo hiểm thường tiếp cận thị trường và khách hàng qua nhân viên kinh doanh (sale). Có nghĩa, người tiêu dùng hầu như hiểu và biết về sản phẩm của đơn vị từ những thông tin mà sale cung cấp. Trên thực tế, đã có tình huống khách hàng phản ánh là sau khi ký kết hợp đồng họ mới vỡ lẽ ra là thông tin sản phẩm trong hợp đồng… khác với thông tin mà họ có được từ sale.
Có hai giả định và ý kiến xuất hiện.
Một là, sale cung cấp thông tin không đúng về sản phẩm, và trong nhiều tình huống đã… cường điệu quá mức vì áp lực doanh số. Trong trường hợp này, khách hàng hầu như rất khó chứng minh vì lời nói (tư vấn của sale) gió bay. Chính vì vậy, từng có ý kiến cho rằng, các cuộc tư vấn này cần phải được ghi âm và lưu trữ để làm bằng chứng. Trước đây, dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm có đưa ra quy định nhân viên của ngân hàng là đại lý bán bảo hiểm phải ghi âm nội dung tư vấn và lưu trữ tại ngân hàng trong thời hạn ít nhất năm năm. Đến nay, chưa biết quy định này có được thông qua hay không.
Hai là, khách hàng không chịu đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Đó là nhiệm vụ của họ. Nếu đọc kỹ, họ sẽ phát hiện được nội dung của hợp đồng có đúng như thông tin họ được sale tư vấn hay không. Nếu cho rằng, người mua bảo hiểm phải đọc và hiểu hợp đồng trước khi ký thì công ty bảo hiểm há gì phải tốn chi phí để trả lương cho đội ngũ tư vấn bảo hiểm. Người viết cho rằng, đây có thể là vùng lõm thứ hai nếu pháp luật kinh doanh bảo hiểm thiếu vắng những ràng buộc như đề cập tiếp sau.
Thứ hai, sự thiếu vắng cơ chế bảo vệ hợp lý người mua bảo hiểm. Pháp luật chỉ công bằng khi bảo vệ quyền lợi cả hai bên. Nhưng pháp luật không công bằng nếu thiếu vắng cơ chế bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương hay đối diện nhiều nguy cơ bị thiệt hại.
Khách hàng mua bảo hiểm không phải là nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp và pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng không thể đặt ra điều kiện đó cho người mua bảo hiểm. Ngay cả đối với người có kiến thức tài chính cá nhân tốt thì cũng chưa chắc họ nắm và hiểu hết bản chất và các điều kiện bảo hiểm. Cho nên, xem việc ký hợp đồng như một cách “chốt deal” mặc định có thể là một trở ngại rất lớn đối với người tiêu dùng, đặc biệt là nếu trong thời gian sắp tới một loại hợp đồng bảo hiểm quan trọng, phức tạp như hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không còn bắt buộc phải đăng ký hợp đồng mẫu như hiện tại.
Trên thực tế, pháp luật một số quốc gia đã đặt ra trách nhiệm cho phía bán hàng nếu để khách hàng không có đủ thời gian và điều kiện để đọc và hiểu một hợp đồng dài và phức tạp. Hay nói cách khác, dù đã “chốt deal” thì hợp đồng, quy tắc sử dụng sản phẩm… có thể bị xem xét lại nếu người tiêu dùng cho rằng họ đã không thật sự hiểu về nó.
Pháp luật Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng đã có một số ràng buộc đối với doanh nghiệp sử dụng hợp đồng mẫu tương tự. Nhưng không thể phủ nhận rằng pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam chưa thật sự phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh đó, rõ ràng, pháp luật kinh doanh bảo hiểm cần phải chắc chắn và an toàn hơn đối với nhóm có nhiều nguy cơ gặp rủi ro. Đơn cử, ngoài những điều kiện để được kinh doanh, pháp luật cần thiết đặt ra các giới hạn hoặc ít nhất là loại bỏ nguy cơ để đơn vị kinh doanh tạo ra những trở ngại phi lý trong việc nhận phí hoặc thụ hưởng quyền lợi của hợp đồng.
BÁN BẢO HIỂM QUA NGÂN HÀNG: KIỂM SOÁT HAY NGĂN CHẶN?
Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà khách hàng đã ký tại một số ngân hàng cao bất thường, có nơi tới 73%. Nhiều trường hợp khẳng định là họ đã bị “ép” phải mua bảo hiểm để có thể được cấp tín dụng.
Nhưng điều đó không có nghĩa, hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng cần phải bị chặn đứng. Đây là phương thức hợp tác kinh doanh khá hiệu quả và cần phải phát huy. Về mặt lý thuyết, ngân hàng có thể hỗ trợ người tiêu dùng có vốn nhàn rỗi chọn phương thức đầu tư tài chính hợp lý hơn thay vì chỉ gửi tiết kiệm.
Vấn đề quan trọng là phải hạn chế những mặt trái và biểu hiện tiêu cực, ít nhất là trình trạng ép khách vay tiền (chứ không phải gửi tiền) phải mua bảo hiểm. Nghị định 46/2023/NĐ-CP vì vậy đã bổ sung một số quy định về điều kiện để ngân hàng tiếp tục làm đại lý bảo hiểm. Đó là điều kiện để hoạt động, và ngân hàng không khó để đáp ứng. Tất cả những điều kiện đó vẫn chưa đủ nếu pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước không chặn được tình trạng ép ngầm hay các biểu hiện tiêu cực khác có thể phát sinh trong tương lai.
|
Trương Trọng Hiểu
TBKTSG
|