“Tôi không thích dùng từ tháo gỡ, vướng mắc đâu!”
Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh và xúc tiến đầu tư diễn ra vào ngày 28/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Tôi không thích dùng từ tháo gỡ vướng mắc khó khăn đâu, mà phải đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Kiến tạo phát triển, coi sự phát triển của người dân và doanh nghiệp là của bản thân chính quyền chúng ta, trách nhiệm của chúng ta. Chờ người ta khó khăn rồi mới tháo gỡ thì có khi không còn cơ hội mà tháo gỡ”.
Cũng là một đại biểu Quốc hội, là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội khóa XV, ông Trịnh Xuân An, ngày 31/5, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội đã đề nghị nhà chức trách rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, nhất là thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy. "Những việc gì cần làm để doanh nghiệp phát triển, nên làm và quyết định ngay. Cần bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, bởi đến khi giải quyết được, doanh nghiệp đã 'gần đất xa trời' - Cũng theo ông, chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng để gỡ khó.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 88,000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 22.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (tăng hơn 47%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 42%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng gần 33%).
Một khảo sát vào cuối tháng 4 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Vnexpress với 9,556 doanh nghiệp đã cho thấy 82% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của 2023. Với các doanh nghiệp còn hoạt động, 71% dự kiến giảm quy mô lao động, trong đó có trên 22% dự kiến giảm hơn một nửa nhân sự; 80.3% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó 29.5% giảm trên 50%. Hơn 80% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại.
Ngay cả khi, dù “không thích dùng từ tháo gỡ khó khăn đâu” - như lời của Chủ tịch Quốc hội - thì bản thân động thái này cũng đã được các cơ quan nhà nước triển khai và thực thi một cách rốt ráo, quyết liệt hay chưa. Trong bốn nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải, gồm thiếu hụt đơn hàng; tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý trong sản xuất, kinh doanh; thật sự vẫn chưa có “nút” nào được gỡ cho tới nơi tới chốn.
Đơn cử trong báo cáo của Chính phủ mới đây, bình quân lãi suất cho vay mới là 9.3%. Nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10.23%, cao hơn 0.56 điểm % so với cuối 2022.
Hay trong kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc nên tính tới bỏ room tín dụng bởi chính “room tín dụng làm tạo cơ chế xin cho, phụ thuộc trần tín dụng gây cản trở doanh nghiệp chủ động trong tiếp cận vốn". Bản thân Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy quan điểm có thể không nhất thiết giữ room tín dụng nhưng cho đến nay vẫn chưa khẳng định cụ thể về lộ trình bỏ.
Hoặc chính sách giảm 2% VAT cần được kéo dài thay vì chỉ áp dụng trong 6 tháng cuối của nửa 2023. Bởi với hiện trạng khó khăn (sẽ còn) kéo dài thì việc giảm 6 tháng sẽ không đủ để tạo độ lan tỏa của chính sách, kích hoạt cho các bước phục hồi vốn cần tạo đà nhiều hơn 6 tháng, thậm chí có kiến nghị nên kéo đến năm 2025.
Và rõ ràng, Thủ tướng Chính phủ đã phải dùng khá nhiều mệnh lệnh hành chính song việc tiếp cận và đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục tắc nghẽn. Có quá nhiều động thái “đang rà soát” từ cấp địa phương đến vai trò phối hợp của bộ ngành trung ương mà thiếu thời điểm, lộ trình để “chốt hạ”, ra quyết định từ phía các cơ quan hữu quan của nhà nước. Dẫn tới, hiện trạng dự án đình trệ, hấp hối, doanh nghiệp lâm cảnh “gần đất xa trời”.
Các kiến nghị, đề xuất giải pháp không thiếu, thậm chí rất đầy đủ, thấu đáo và cụ thể đã được gửi đến Chính phủ. Nhưng vì sao thúc đẩy thực thi vẫn chậm, thậm chí giậm chân.
Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 6, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền tiếp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề nghị bộ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp làm việc với ông Bùi Thành Nhơn (chủ tịch Novaland) để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án của tập đoàn này ở Đồng Nai, trong đó có dự án tại Aqua City. Cùng ngày, UBND TP cũng ban hành quyết định lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn do Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi làm tổ trưởng.
Thiết nghĩ, sự “không thích dùng từ” của Chủ tịch Quốc hội là rất chí lý song, trong tình hình này thì “có còn hơn chưa/không”, nhất là từ Bộ trưởng đến Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố chủ động vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trực tiếp đối thoại để khơi thông các dự án. Đó cũng là cách đồng hành với doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng thể hiện tinh thần “cộng sinh”, thấu hiểu và cùng hiến kế để tháo gỡ thành công.
Quốc Học
FILI
|