Thứ Năm, 01/06/2023 08:47

ĐBQH: Cần những giải pháp cấp bách, vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho doanh nghiệp

Trước thực trạng hệ thống doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có những giải pháp cấp bách, thậm chí là vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tạo các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Thảo luận tại phiên họp của Quốc hội chiều ngày 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, dưới sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, góp phần hiện thực hóa chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, được cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cả nước ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Chính phủ cho thấy, hiện nay có nhiều vấn đề kinh tế-xã hội phát sinh có tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của toàn xã hội, khiến cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo lắng...

Về cụ thể, đại biểu cho biết, báo cáo của Chính phủ đánh giá những tháng đầu năm 2023, bình quân 1 tháng có 19.2 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường; không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà còn cả những doanh nghiệp lớn cũng đối diện với tình trạng hạn chế đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp. Hệ lụy là người lao động giảm, mất việc, thất nghiệp đang diễn ra tại nhiều khu công nghiệp.

Trong số đó, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thực trạng đó cho thấy, giai đoạn này, doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà roát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí,…

Ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công vụ để nâng cao hiệu quả phối hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực, để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Bốn nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải

Phát biểu thảo luận góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào chiều 31/5, tán thành với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Kinh tế, Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng các báo cáo đã rất cụ thể, chi tiết, cho các đại biểu nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh về kinh tế-xã hội thời gian qua có đủ gam màu sáng tối, có nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận nhưng cũng còn không ít băn khoăn lo lắng.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Theo đại biểu An, GDP quý 1 chỉ là 3.32%, với mức thấp như vậy để đạt được mục tiêu 6.5% cả năm thì phải quyết tâm thật cao và những quý còn lại GDP phải đạt được 7.5%. Do đó, Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách chủ động kịp thời, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ nền kinh tế.

Nhấn mạnh cần có giải pháp cấp bách, thậm chí là vượt tiền lệ để cứu nguy cho hệ thống doanh nghiệp, ông An cho rằng doanh nghiệp là động lực cho phát triển nhưng qua các số liệu báo cáo cho thấy hiện các doanh nghiệp đang ở thực tế thực sự khó khăn.

Đại biểu An cũng chỉ rõ 4 nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải đó là thiếu hụt về đơn hàng; tắc nghẽn về dòng vốn; thể chế không đầy đủ; thủ tục hành chính bủa vây và các rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Hệ thống doanh nghiệp đang thực sự ‘khát’ về tín dụng nhưng không thể tiếp cận được vốn và nếu tiếp cận được thì cũng rất khó để giải ngân do các điều kiện vay và thủ tục vay,” ông An nói.

Đánh giá cao mệnh lệnh của Chính phủ khi yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay mặc dù lãi suất vẫn còn đang cao, tuy nhiên, vị Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai cho rằng việc giảm lãi suất không quan trọng bằng việc tiếp cận vốn và đưa nguồn vốn này vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc giảm lãi suất và đơn giản thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đối với doanh nghiệp đang cần.

Cùng với tín dụng, theo ông, Chính phủ cần tiếp tục khơi thông các kênh vốn khác như trái phiếu, chứng khoán đồng thời tiếp tục rà soát thủ tục hành chính đơn giản thực chất hơn, đặc biệt cần thay đổi văn hóa doanh nghiệp cần phải “đi xin, đi chạy."

“Chính quyền và nhà quản lý cần thể hiện thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động thực tâm thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc làm gì để hệ thống doanh nghiệp phục hồi, phát triển thì cần làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu thủ tục xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan bộ, ngành và đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã 'gần đất xa trời'," Đại biểu An thẳng thắn chia sẻ.

Đối với những dự án pháp lý đầy đủ, đúng quy trình, địa phương cần ký để triển khai ngay, tránh việc rà soát mãi cả năm vẫn chưa "thai nghén" được dự án nào. Trong bối cảnh khó khăn, cơ quan Nhà nước cần bớt nội dung thanh tra, kiểm tra làm khó doanh nghiệp, để tránh phải đi lao đao giải trình lên xuống.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   PMI tháng 5/2023: Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất trong 20 tháng (01/06/2023)

>   Tuyên án vụ thất thoát 22 tỉ đồng tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (31/05/2023)

>   Dự án yếu kém, thua lỗ nghìn tỷ giờ ra sao? (31/05/2023)

>   Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (31/05/2023)

>   Bình Định thông tin về chủ trương siêu dự án gang thép gần 2,6 tỉ USD (30/05/2023)

>   Mitsubishi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Quảng Ninh (30/05/2023)

>   Sai phạm tại CNS: Đổ lỗi "kế thừa tiền nhiệm" (30/05/2023)

>   EVN chốt giá tạm cho 43 dự án điện tái tạo (30/05/2023)

>   5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoại 2 chưa được giải ngân vốn (30/05/2023)

>   Cải thiện thủ tục cấp phép lao động để hút đầu tư (30/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật