TikTok tăng tốc, Lazada hụt hơi ở ASEAN
TikTok đã đạt được thành công trên thị trường thương mại điện tử ở ASEAN, song vẫn đi sau các đối thủ trong khu vực, báo cáo công bố ngày 15/06 của công ty tư vấn Momentum Works cho thấy.
TikTok, nền tảng chia sẻ video dạng ngắn, thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” công nghệ ByteDance, đang cung cấp dịch vụ bán lẻ TikTok Shop. Dịch vụ này ra mắt thị trường ASEAN lần đầu tiên vào năm 2021. Kể từ đó cho tới nay, tổng giá trị hàng hoá (GMV) của dịch vụ này đã gấp 7 lần, theo báo cáo của Momentum Works.
Báo cáo này cho biết TikTok Shop đã nỗ lực để thúc đẩy GMV ước tính ở Đông Nam Á tăng từ 600 triệu USD vào năm 2021 lên 4.4 tỷ USD vào năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các đối thủ như Shopee của Sea Group, Lazada của Alibaba và Tokopedia của GoTo.
Tổng giá trị hàng hoá ước tính năm 2022 của 4 “ông lớn” thương mại điện tử (đvt: tỷ USD)
Phát biểu tại diễn đàn đầu tiên của công ty ở Jakarta vào ngày 15/06, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew tuyên bố rằng sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường Đông Nam Á, nơi từ lâu đã bị thống trị bởi những “gã khổng lồ” công nghệ khu vực như Sea và GoTo.
“Chúng tôi sẽ đầu tư hàng tỷ đô la vào Indonesia và Đông Nam Á trong vài năm tới”, ông Chew nói. Trong đó, TikTok sẽ đầu tư hơn 12 triệu USD cho khu vực này trong ba năm tới để hỗ trợ hơn 120,000 người bán hàng và doanh nghiệp địa phương.
Theo ông Chew, nền tảng hiện có khoảng 8,000 nhân sự ở Đông Nam Á, tăng so với con số chỉ khoảng 100 người khi mới gia nhập thị trường này vào 6 năm trước.
“ByteDance thực sự rất quyết tâm trong việc thúc đẩy mảng thương mại điện tử ở Đông Nam Á”, Weihan Chen, trưởng nhóm nghiên cứu tại Momentum Works, cho biết. “Vẫn còn quá sớm để biết liệu họ có thực sự thành công trong tương lai hay không, bởi vì mọi người vẫn phụ thuộc nhiều vào các nền tảng thương mại điện tử truyền thống”.
Mặc dù bước đột phá của TikTok vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến đã đạt được kết quả, nhưng họ vẫn bị lấn át bởi các đối thủ lớn hơn. Sea ghi nhận tổng giá trị hàng hóa ước tính của Shopee tăng từ 42.5 tỷ USD vào năm 2021 lên 47.9 tỷ USD vào năm ngoái và là công ty mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN, chiếm gần một nửa thị phần của khu vực, Momentum Works cho biết.
Lazada của “gã khổng lồ” công nghệ Alibaba giành vị trí thứ hai sau Shopee vào năm ngoái. Tổng giá trị hàng hóa ước tính của Lazada đã giảm từ 21 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 20.1 tỷ USD vào năm ngoái.
Báo cáo cũng cho biết Tokopedia của GoTo đứng ở vị trí thứ ba, với GMV ước tính tăng từ 15.5 tỷ USD lên 18.4 tỷ USD trong cùng kỳ.
Dù bị các đối thủ ASEAN lấn át, song TikTok Shop đang nhắm đến một “miếng bánh” lớn hơn trong thị trường bán lẻ số. Sau khi ra mắt tại Indonesia, nền tảng này đã mở rộng mảng thương mại điện tử của mình sang Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines vào năm 2022. Singapore là thị trường ASEAN mới nhất mà họ gia nhập vào tháng 8 năm ngoái.
Ng Chew Wee, giám đốc tiếp thị kinh doanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Khi ngày càng có nhiều người mua sắm trực tuyến, TikTok Shop là đại diện cho sự kết hợp tối ưu giữa nội dung và thương mại”.
Công ty tư vấn quản lý Bain & Co. dự đoán thị trường Đông Nam Á sẽ chứng kiến lượng người dùng kỹ thuật số tăng từ 370 triệu vào năm 2022 lên 402 triệu vào năm 2027, và đây là một thị trường béo bở cho các nền tảng thương mại điện tử.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)
FILI
|