Tăng trưởng tín dụng TPHCM trong 5 tháng đạt 2.43%
Sự ổn định kinh tế vĩ mô và những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế sẽ là những yếu tố tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết tín dụng trên địa bàn TPHCM 5 tháng đầu năm ước tăng khoảng 2.43% so với cuối năm 2022 (so với khoảng 3.17% của cả nước), trong đó dư nợ tín dụng bằng VND tăng 2.21%; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng 6.46% so với cuối năm 2022.
Diễn biến này cùng xu hướng với cả nước (tín dụng VND tăng 2.39%, tín dụng ngoại tệ tăng 9.35%). Phân tích cơ cấu tín dụng theo thời hạn nợ; theo loại tiền và theo khối ngân hàng, cũng như theo nhóm ngành lĩnh vực, giữa tín dụng sản xuất kinh doanh (SXKD) và bất động sản (BĐS), chứng khoán, tiêu dùng, về cơ bản không có thay đổi nhiều, tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn tập trung lĩnh vực SXKD và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đặt trong mối liên hệ so sánh với 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2022 và năm 2021, nhưng cao hơn năm 2020 (5 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng 8.8%; năm 2021 tăng 4.76% và năm 2020 tăng 1.75%).
Tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn của các thị trường là những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố, đặt trong mối quan hệ ngân hàng - khách hàng và nền kinh tế. Trong đó, tín dụng và tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất có tác động qua lại trong 5 tháng đầu năm và dự báo trong thời gian tới.
Với hệ thống giải pháp về cơ chế chính sách tài chính tiền tệ, đầu tư cùng với việc nhận diện đầy đủ khó khăn thách thức, cũng như đánh giá những những chuyển biến tích cực từ một số lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế trên các lĩnh vực đầu tư, du lịch, sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, trong những tháng tới, hoạt động tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế kỳ vọng có những kết quả tốt hơn.
Ở góc độ hoạt động ngân hàng, những yếu tố tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng thời gian tới nói chung và địa bàn Thành phố nói riêng bao gồm:
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 3.55% so với cùng kỳ năm 2022). Đây là yếu tố nền tảng quan trọng để tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, có ý nghĩa trực tiếp không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà đối với chính hoạt động của các TCTD. Đây cũng là cơ sở, nền tảng để các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, ở góc độ chính sách và thực thi chính sách, kinh tế vĩ mô ổn định và kìm giữ được lạm phát không chỉ tạo dư địa cho chính sách mà còn tạo điều kiện phát huy các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
Thứ hai, NHNN đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách và điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chính sách lãi suất và cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ được ban hành trong thời gian qua, không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất, mà còn tạo thanh khoản và dòng tiền để doanh nghiệp duy trì, ổn định và tăng trưởng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những chính sách này, với nội hàm vừa hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, vừa tạo điều kiện giảm lãi suất và luân chuyển vốn thuận lợi trong nền kinh tế, qua đó kích thích, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế nói chung và kinh tế Thành phố nói riêng trong quý 2/2023 (dự ước kinh tế Thành phố quý 2 tăng 5.87% so cùng kỳ), đây là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, đặt trong mối quan hệ ngân hàng - khách hàng và nền kinh tế. Theo đó, tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại tăng trưởng kinh tế là môi trường, là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng.
Ông Lệnh cho biết trên đây là các yếu tố nền tảng, phân tích đặt trong mối quan hệ giữa hoạt động tín dụng ngân hàng với hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế; mối liên hệ giữa môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô. Trong đó, vai trò của tín dụng ngân hàng đặc biệt quan trọng, đó là đáp ứng vốn cho nền kinh tế, cho tăng trưởng và phát triển.
Vì vậy, sự ổn định kinh tế vĩ mô và những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế sẽ là những yếu tố tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong thời gian tới. Vấn đề không kém phần quan trọng, đó là hành động để thực thi chính sách, để phát huy hiệu quả chính sách, với tinh thần năng động, sáng tạo và trách nhiệm để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng trưởng và phát triển.
Hàn Đông
FILI
|