Lãi suất cho vay sẽ ra sao trong những tháng cuối năm?
Mặc dù đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng trong nửa cuối năm, kịch bản giảm thêm lãi suất điều hành vẫn được đặt ra, nhằm hỗ trợ kinh tế thoát khỏi viễn cảnh u ám.
Các tổ chức quốc tế kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm thêm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Sau khi giảm lãi suất điều hành lần thứ tư, các tổ chức quốc tế cho rằng lãi suất vẫn có thể giảm thêm khoảng 50 điểm % trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ vẫn để ngỏ khả năng nâng lãi suất và đặc biệt là áp lực phục hồi tăng trưởng thị trường nội địa vào cuối năm.
Kỳ vọng có thêm đợt giảm lãi suất điều hành
Theo các chuyên gia, sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ, Việt Nam tiếp tục chuẩn bị cho những khó khăn lớn hơn. Dù các chỉ số mới nhất cho thấy tình hình không xấu đi, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu "chạm đáy" để bật tăng trở lại.
Tuy nhiên các chuyên gia phân tích đánh giá 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Một số tổ chức cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam như HSBC giảm nhẹ dự báo tăng trưởng năm nay của kinh tế Việt Nam xuống 5%, từ mức 5,2% trước đó.
Còn trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 2/2023 của Việt Nam sẽ chậm lại. Kết quả này có thể sẽ ảnh hưởng tới dự báo tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 được ngân hàng đưa trước đó.
Mặc dù đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng trong nửa cuối năm, kịch bản giảm thêm lãi suất điều hành vẫn được đặt ra, nhằm hỗ trợ kinh tế thoát khỏi viễn cảnh u ám.
Chuyên gia của Ngân hàng HSBC Việt Nam kỳ vọng còn một đợt giảm lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản nữa trong quý 3 của Ngân hàng Nhà nước.
“Động thái này nhiều khả năng đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4%, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022 đồng thời tương đương với mức giảm lãi suất trong suốt đại dịch,” chuyên gia HSBC nêu.
Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC cũng lưu ý khả năng không có thêm đợt cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay nếu tăng trưởng "chạm đáy" và bật trở lại sớm hơn kỳ vọng.
Trong khi đó, Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn chuẩn thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 4,0% trong quý 3 (bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch) và sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế tại Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng khi áp lực giá cả trong nền kinh tế giảm bớt. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện vào năm ngoái, những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không vượt quá 50 điểm cơ bản do những lo ngại về rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính vẫn còn hiện hữu.”
Sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã giảm rất mạnh. Hiện lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng big 4 kỳ hạn 1-2 tháng thấp nhất chỉ còn 3,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ từ 5%/năm và kỳ hạn cao nhất chỉ còn 6,3%/năm (kỳ hạn 12-18 tháng).
Trước đó, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết ngân hàng này lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và phải “hãm” huy động vốn.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng công bố giảm lãi suất 0,1%-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm 8%/năm hầu như biến mất.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Đáng lưu ý, hiện nay, thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các ngân hàng nhỏ. Đây cũng là một trong những lý do khiến lãi suất giảm sâu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại để giảm thêm lãi suất. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
“Trong vài ngày tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại, trên tinh thần trách nhiệm với nền kinh tế, trách nhiệm với doanh nghiệp, tập trung cắt giảm các thủ tục, chi phí hành chính, tiết kiệm chi phí hoạt động… để cắt giảm lãi suất hơn nữa,” Phó Thống đốc cho biết.
Cùng với việc vận động sự chia sẻ của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng để cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Vẫn còn nhiều áp lực
Trong lúc ngành ngân hàng than thở ế vốn, tín dụng không thể bơm ra nền kinh tế thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phản ánh thiếu vốn song không thể vay vì hồ sơ thủ tục của ngân hàng quá chặt chẽ. Tuy vậy, phía ngân hàng lại cho rằng, dù có thừa vốn, ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng, cho vay vô tội vạ.
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội thừa nhận, hiện nay là suy thoái kinh tế, thị trường không có nhu cầu, doanh nghiệp đóng cửa nên việc sử dụng vốn cũng không có. Theo bà Ngân, việc doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn khó khăn là đúng, song chỉ với các doanh nghiệp phương án sản xuất không rõ ràng, cụ thể.
"Chúng tôi nghe doanh nghiệp kêu rất nhiều về ngân hàng ‘làm khó,’ song theo tôi bản chất không phải như vậy. Ngân hàng huy động vốn để cho vay, việc khó hay không là do doanh nghiệp chứ không phải do ngân hàng. Nút thắt đầu tiên là ở phía doanh nghiệp,” bà Ngân nhận định.
Theo Phó Thống đốc, từ góc độ doanh nghiệp, ai cũng mong lãi suất cho vay giảm. Bản thân các ngân hàng cũng rất mong muốn điều này.
Một số doanh nghiệp than vẫn khó tiếp cận vốn vay. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Nhưng, để giải quyết một cách hài hòa, tạo sự cân bằng giữa cung và cầu về vốn cho nền kinh tế, tạo sự cân bằng giữa khả năng cho vay của ngân hàng và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cần phải có những điểm cân bằng.
“Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn cho vay nhiều. Chúng tôi cũng muốn tăng trưởng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để ném tín dụng ra một cách vô lối. Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng. Đó là bài toán khó,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu thẳng vấn đề.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng hiện nay lãi suất huy động đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.
Lãi suất các khoản vay mới xoay quanh 10%/năm, song lãi suất với các khoản vay hiện hữu vẫn ở mức 12%-13,5%/năm, do giá vốn các ngân hàng huy động cao đầu năm nay vẫn còn tồn kho.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam phân tích giảm lãi suất cho vay là mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Theo quy luật cung cầu, giảm lãi suất sẽ phần nào kích thích nhu cầu về tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất không phải là tất cả, mà cầu của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định.
Các chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp phải nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh của mình, rộng hơn là thị trường, phương án kinh doanh khả thi, đem lại khả năng phục hồi. Nếu tốt, ngân hàng đều rất sẵn sàng tài trợ đầy đủ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất kinh doanh đó./.
Thúy Hà
Vietnamplus
|