Cẩn trọng nới lỏng tiền tệ?
Chính sách tiền tệ của các nước đang có sự phân hóa nhất định, một số NHTW tiếp tục nâng lãi suất để tìm cách kéo giảm lạm phát, một số đang tạm ngừng quan sát thêm và số ít đã nhanh chóng lựa chọn “quay xe” khi nới lỏng trở lại.
E ngại suy thoái
New Zealand - quốc gia đã tăng lãi suất thêm 5.25% chỉ trong vòng 1 năm rưỡi qua, đã chứng kiến 2 quý liên tiếp có tăng trưởng GDP âm, lần lượt giảm 0.7% vào quý 4/2022 và giảm 0.1% vào quý 1 đầu năm nay, chính thức rơi vào suy thoái. Trước đó, NHTW New Zealand (RBNZ) từng dự báo GDP của nước này có thể tăng trưởng 0.3% trong quý 1, trước khi tăng trưởng âm trong quý 2 và quý 3.
Quốc gia láng giềng là nước Úc cũng đang đứng trước nguy cơ tương tự do lãi suất không ngừng tăng, với lần tăng gần nhất diễn ra vào đầu tháng 6 này với mức tăng 0.25% lên 4.1% - mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Ngân hàng Commonwealth đầu tháng này cũng phát hành báo cáo về triển vọng kinh tế Australia, với dự báo 50% khả năng xảy ra suy thoái trong năm nay.
Tại châu Âu, nước Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật với hai quý vừa qua ghi nhận tăng trưởng âm (quý 4/2022 và quý 1/2023). NHTW Đức (Bundesbank) cũng vừa cảnh báo Đức có thể rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong cả năm nay với mức tăng trưởng GDP âm 0.3%.
Trước tình hình này, dễ hiểu vì sao Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp giữa tháng 6 này đã phải tạm ngừng kế hoạch nâng lãi suất, dù giới phân tích trước đó đều dự báo nước này có thể “hạ cánh an toàn” khi tránh được suy thoái bất chấp chính sách nâng lãi suất quyết liệt trong hơn 1 năm qua. Mạnh dạn hơn, những nền kinh tế tại châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam thậm chí phát tín hiệu đảo chiều chính sách sang nới lỏng trở lại.
Chỉ trong 1 tuần, Trung Quốc đã lần lượt giảm 0.1% lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược 7 ngày (reverse repo) và lãi suất cho vay qua đêm (SLF) xuống 1.9% vào ngày 13/6, tiếp đó hạ 0.1% lãi suất các khoản cho vay kỳ hạn 1 năm (MLF) dành cho các ngân hàng thương mại (NHTM) xuống 2.65% vào ngày 15/6 và gần nhất là ngày 20/6 cắt giảm 0.1% thêm 2 loại lãi suất quan trọng là lãi suất cho vay kỳ hạn một năm từ 3.65% xuống 3.55% và lãi suất cơ bản đối với khoản vay 5 năm từ 4.3% xuống 4.2%.
Việt Nam cuối tuần trước cũng đánh dấu lần thứ 4 liên tiếp giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng 3 tháng qua, với đầy đủ các loại lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu; cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD; trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên đều ở mức giảm 0.5%. Riêng trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0.25%.
Với GDP quý 1 đầu năm nay tăng 3.32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3.21% của quý 1/2020 (thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch COVID) trong giai đoạn 2011-2023, có lý do để lo ngại về sự giảm tốc trong nền kinh tế. Đặc biệt, với chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất liên tục nằm dưới mốc 50 điểm trong 6 tháng trên 7 tháng gần đây; hoạt động tín dụng vẫn trì trệ khi đến ngày 15/6 chỉ tăng 3.36% so đầu năm; thị trường lao động và năng lượng đối mặt với khá nhiều vấn đề;… có thể thấy triển vọng kinh tế trong thời gian tới là không mấy tích cực.
Cẩn trọng khi nới lỏng nhanh?
Dù vậy, việc hạ lãi suất quá nhanh của NHNN trong thời gian gần đây ngược lại cũng đang mang đến không ít lo ngại, gần nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị NHNN thận trọng khi nới lỏng tiền tệ. Theo tổ chức này, cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá....
Việc giảm lãi suất có thể không giải quyết được hết các vấn đề, cũng như chưa thể sớm thúc đẩy các doanh nghiệp phục hồi hoạt động, ngược lại có thể mang đến những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát và đẩy giá các thị trường tài sản. Thực tế chính NHNN cũng cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt CSTT, neo giữ lãi suất ở mức cao.
|
Cũng theo cơ quan này, việc tăng trưởng tín dụng trì trệ từ đầu năm đến nay là vì nhu cầu tín dụng yếu khi các hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục suy yếu và nhu cầu vốn giảm từ thị trường bất động sản và chứng khoán. Đây cũng là nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, khi cho rằng nhu cầu bên ngoài, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tiếp tục suy yếu và những bất ổn toàn cầu đang có tác động bất lợi đến nền kinh tế, dẫn đến xuất khẩu và nhập khẩu bị thu hẹp và sản xuất công nghiệp chậm lại.
Do đó, việc giảm lãi suất có thể không giải quyết được hết các vấn đề, cũng như chưa thể sớm thúc đẩy các doanh nghiệp phục hồi hoạt động, ngược lại có thể mang đến những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát và đẩy giá các thị trường tài sản. Thực tế chính NHNN cũng cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt CSTT, neo giữ lãi suất ở mức cao.
Cần biết rằng chỉ mới cách đây 2 tuần, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Cục Dự trữ liên bang (Ngân hàng trung ương Mỹ - Fed) và các ngân hàng trung ương toàn cầu khác tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ và thận trọng chống lạm phát. Lời kêu gọi này đã được hưởng ứng bởi một số quốc gia, trong đó có NHTW Canada (BOC) với hành động đảo ngược chính sách khi tăng lãi suất cơ bản trở lại lên 4.75%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Đây là tín hiệu cho thấy BOC sẽ có thêm nhiều đợt tăng tiếp theo trong thời gian tới.
Tương tự, NHTW châu Âu (ECB) giữa tháng này đã tiếp tục tăng lãi suất thêm 0.25% lên mức cao nhất trong 22 năm qua tại 3.5%. Hay như NHTW Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0.5% trong cuộc họp ngày 22/6, lên mức cao nhất trong 15 năm qua ở 5%. Đây cũng sẽ là lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp của BoE, trong bối cảnh lạm phát ở Anh dai dẳng ngoài dự kiến.
Xu hướng này cho thấy chính sách tiền tệ của các nước đang có sự phân hóa nhất định, một số NHTW tiếp tục nâng lãi suất để tìm cách kéo giảm lạm phát, một số đang tạm ngừng quan sát thêm và số ít đã nhanh chóng lựa chọn “quay xe” khi nới lỏng trở lại. Thực tế với bối cảnh vĩ mô đặc thù của mỗi nước nên lựa chọn chính sách khác nhau cũng là điều bình thường.
Như trường hợp của Việt Nam, với lạm phát không còn là mối đe dọa lớn và nằm trong khả năng kiểm soát dưới mục tiêu 4.5% trong năm nay, trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đang cao hơn so với lạm phát, nên liên tục giảm lãi suất để ưu tiên kích thích kinh tế là điều có thể hiểu được.
Với những áp lực mà WB nêu ra, trước tình hình nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào đến từ hoạt động thương mại, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối hay phục hồi du lịch, áp lực tỷ giá trong năm nay sẽ không phải là vấn đề quá lớn, đặc biệt khi lạm phát cũng đã hạ nhiệt như đã nói. Với câu chuyện dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, phần lớn là những dự án đầu tư vào các nhà máy, cơ sở sản xuất có mục tiêu, kế hoạch dài hạn, không phải là dòng vốn đầu tư gián tiếp để tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất, nên không phải quá lo lắng.
Điều lo lắng lớn hơn là với hệ thống cơ sở hạ tầng, logistic, năng lượng, nguồn nhân lực có nhiều điểm nghẽn, mức độ đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, còn chậm trễ, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu phát triển, nên có thể làm nản lòng các tập đoàn đa quốc gia và làm thay đổi hướng dịch chuyển của dòng vốn quan trọng này.
Phan Thụy
FILI
|