Khoảng 675 triệu người trên thế giới vẫn trong tình trạng thiếu điện
Trong báo cáo, Phó Tổng giám đốc WB, ông Guangzhe Chen cho biết thế giới đang chứng kiến “đà giảm tốc gần đây trong vấn đề điện khí hóa toàn cầu.”
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Có khoảng 675 triệu người trên toàn cầu đang không có điện để sử dụng, chủ yếu ở khu vực cận Sahara tại châu Phi.
Trong báo cáo được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phối hợp cùng Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Ủy ban Thống kê của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 6/6, bất chấp những nỗ lực và một số tiến bộ, thế giới tiếp tục đối mặt với khoảng cách lớn trong vấn đề tiếp cận năng lượng.
Bản báo cáo cũng cảnh báo rằng thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đảm bảo việc tiếp cận năng lượng sạch và phù hợp cho mọi người vào năm 2030 - một trong những mục tiêu phát triển bền vững được tất cả các thành viên Liên hợp quốc đề ra năm 2015.
Trong báo cáo, Phó Tổng giám đốc WB, ông Guangzhe Chen cho biết thế giới đang chứng kiến “đà giảm tốc gần đây trong vấn đề điện khí hóa toàn cầu.”
Ngoài ra, báo cáo lưu ý, dù số người sống không có điện đã giảm một nửa trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, con số này vẫn ở mức cao, khoảng 675 triệu người trong năm 2021.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tới một số tiến bộ đạt được ở nhiều khu vực, đặc biệt là những nơi có tỷ lệ tăng về sử dụng năng lượng tái tạo. Nhưng theo báo cáo, tiến bộ này “chưa đủ” để đạt được các mục tiêu mà Liên hợp quốc đề ra.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Biro đánh giá: “Trong khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch diễn ra nhanh hơn nhiều người nghĩ, thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm để cung cấp khả năng tiếp cận bền vững, an toàn và phù hợp cho các dịch vụ năng lượng hiện đại cho những người đang sống không có điện.”
Trích dẫn số liệu của IRENA, báo cáo cũng cảnh báo các nguồn ngân sách công hỗ trợ năng lượng sạch ở những nước nghèo giảm xuống mức thấp hơn cả thời kỳ trước đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, WHO cho biết có 3,2 triệu người thiệt mạng hàng năm vì các căn bệnh do sử dụng nhiên liệu và công nghệ bẩn.
Trong báo cáo, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ thế hệ tiếp theo. Các công nghệ sạch và nguồn năng lượng đáng tin cậy ở những cơ sở chăm sóc y tế có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân ở những vùng dễ tổn thương.”./.
Anh Hiển
Vietnamplus
|