Thứ Hai, 05/06/2023 10:28

Hai mươi năm, hai dự án, một chuyện dân sinh

Dự án nào cũng có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhưng vấn đề dân sinh lại không được quan tâm đúng mức. Có lẽ đã đến lúc cần có thêm quy định thực hiện chi tiết hơn ở phần nội dung “báo cáo tác động dân sinh” để người dân, đặc biệt là người nghèo, đỡ bị thiệt thòi.

Cách đây hơn 20 năm, cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền thay cho phà nối liền quốc lộ 1 giữa Tiền Giang và Vĩnh Long. Bên cạnh cái được rất lớn cho nền kinh tế, cho giao thông thì cũng có hàng ngàn người nghèo sống nhờ bến phà bị mất kế sinh nhai khi cầu xây xong, phà ngừng chạy. Bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhưng đáng tiếc là chưa được quan tâm đúng mức khi cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được xây dựng.

Những câu chuyện về việc người dân bị rơi vào thế khó, công việc kiếm sống bị ảnh hưởng trực tiếp đã lặp lại gần giống nhau ở cùng một khu vực dù hai dự án cách nhau hơn 20 năm. Ở bất cứ dự án hạ tầng nào có giải tỏa mặt bằng lớn hoặc thay đổi công năng (chẳng hạn như xây cầu thay phà qua sông), người dân trong phạm vi dự án sẽ bị tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Tác động trực tiếp thì tương đối dễ giải quyết thông qua đền bù khi giải phóng mặt bằng và đây là công thức phổ biến trong việc giải tỏa mặt bằng cho dự án.

Tuy nhiên, các tác động gián tiếp mới khó đo đếm hơn và gây thiệt hại kéo dài hơn cho người dân khu vực triển khai dự án. Theo thông tin tuần qua trên báo Tin Tức, quá trình thi công đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của hàng trăm hộ dân trong khu vực như thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu ruộng vườn; không có đường dân sinh phục vụ đi lại, sản xuất.

Tại hai xã An Khánh và An Phú Thuận, theo UBND huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp), quá trình thi công đã làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và đời sống của hàng trăm hộ dân. Đa số các thửa đất có công trình đường cao tốc đi qua bị chia cắt thành hai thửa đất theo tuyến rất dài nhưng lại không có đường dân sinh.

Vì không có đường dân sinh song hành với cao tốc, người dân không có lối vào ruộng để sản xuất và không có hệ thống cầu đi qua các kênh, rạch. Hiện tại, đã có một số hộ dân không còn đường vào nhà, phải đi nhờ qua đất của nhiều hộ dân khác.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong khu vực thiếu điện sinh hoạt. Nguồn nước tưới tiêu bị mất do quá trình bơm cát thi công làm bồi lắng các kênh, đường dẫn nước và hệ thống dẫn nước nhỏ. Về việc đặt cống tạm, vào mùa nắng hạn thì nước dẫn vào đồng ruộng không đủ để sản xuất, vào cuối mùa lũ lại thoát nước ra không kịp để sạ lúa.

Ngoài ra, quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ cũng đã làm cầu, đường xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn giao thông.

Hồi năm 2000, khi cầu Mỹ Thuận đi vào hoạt động, gần 4.000 nhân khẩu ở hai bờ phà thuộc hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang bị ảnh hưởng việc mưu sinh. Tại ấp Mỹ Thuận ngay bến phà phía Tiền Giang, theo lời vị trưởng ấp được báo chí trích dẫn: “Hồi còn phà, cả ấp chỉ có vài hộ nghèo. Phà dẹp, số hộ nghèo lập tức tăng lên trên 40 hộ. Nay (tức năm 2010) có khá hơn đôi chút, nhưng vẫn có tới 15 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo”.

Dự án nào cũng có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng vấn đề dân sinh không được quan tâm đúng mức. Có lẽ đã đến lúc cần có thêm quy định thực hiện chi tiết hơn ở phần nội dung “báo cáo tác động dân sinh” để người dân, đặc biệt là người nghèo, đỡ bị thiệt thòi.

Chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án không chỉ nghiên cứu, đánh giá đời sống người dân khu vực lân cận dự án thế nào trước khi khởi công mà còn khảo sát tiếp xem đời sống họ thay đổi thế nào khi dự án hoàn thành.

Kết quả khảo sát này sẽ được dùng để xây dựng giải pháp khắc phục, hỗ trợ những thiệt hại gián tiếp thay vì chỉ có giải pháp cho thiệt hại trực tiếp là phần đền bù khi giải phóng mặt bằng như hiện nay.

Mục Nhĩ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tiếp tục cắt giảm 1.249 lao động (03/06/2023)

>   Bộ trưởng Tô Lâm: Đổi thẻ “căn cước công dân” thành thẻ "căn cước" (02/06/2023)

>   Rồi mùa toóc rạ rơm khô… (03/06/2023)

>   Dân số siêu giàu của Việt Nam đã vượt mốc 1.000 người, tăng 82% trong 5 năm (31/05/2023)

>   Vé bay hè bắt đầu "nóng", hàng không tăng 30% chuyến bay (29/05/2023)

>   PGS Nguyễn Lân Hiếu: Việt Nam đủ điều kiện công bố hết Covid-19 (27/05/2023)

>   Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông (27/05/2023)

>   Sẽ quy định về giao dịch trên không gian mạng, trên nền tảng số để bảo vệ người tiêu dùng (26/05/2023)

>   Mỗi ngày TP.HCM tiết kiệm được khoảng 2,4 tỉ đồng tiền điện (25/05/2023)

>   Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân: "Lương hưu 2,5 - 3 triệu đồng sống sao được" (25/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật