Eximbank: 5 năm, 5 Chủ tịch
Tối ngày 28/06/2023, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) có nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú và bầu bà Đỗ Hà Phương thay thế.
Vòng xoáy… Chủ tịch Eximbank
Câu chuyện xoay quanh chiếc ghế nóng tại Eximbank thời gian qua dường như có thể gọi là không hồi kết.
Thời điểm bắt đầu dấy lên tranh chấp chính là các kỳ họp ĐHĐCĐ của Eximbank liên tục bất thành.
Trước kỳ ĐHĐCĐ lần 1 năm 2019, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ông Lê Minh Quốc có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM và tòa đã ra quyết định khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112.
Sau đó đến ngày 22/05/2019, Eximbank tiếp tục ban hành Nghị quyết về việc bầu ông Cao Xuân Ninh – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Nhưng chỉ sau hơn 1 tháng tại vị, ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ chức do các mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông/nhóm cổ đông trong nội bộ còn tiếp diễn, chưa thể dung hòa.
Đến 25/06/2020, HĐQT EIB chấp thuận cho ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức vụ Chủ tịch theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, HĐQT đã thông qua bầu ông Yasuhiro Saitoh - lúc bấy giờ đang giữ vị trí Phó Chủ tịch đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thay ông Cao Xuân Ninh.
Và ông Yasuhiro Saitoh đã giữ chiếc "ghế nóng" cho đến động thái lạ ngày 13/04/2021 của Eximbank. Ngân hàng ra 2 nghị quyết liên tiếp trong cùng 1 ngày miễn nhiệm và bầu lại chức danh Chủ tịch HĐQT cho ông Yasuhiro Saitoh.
Tháng 07/2021, ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank đã trình miễn nhiệm hàng loạt nhân sự. Kiến nghị của nhóm cổ đông gồm CTCP Rồng Ngọc, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân. Số lượng cổ phần của nhóm cổ đông này thời điểm đó chiếm 10.36% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết tại Eximbank trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng.
Trong đơn kiến nghị, "nhóm cổ đông do bà Kiều Vũ Thụy Uyên làm đại diện kiến nghị, yêu cầu HĐQT Eximbank triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường với lý do và mục đích xem xét, quyết định miễn nhiệm các thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2015-2020) gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết và ông Ngô Thanh Tùng". Và nhóm cổ đông này cũng chính là nhóm đã đề cử tân Chủ tịch Đỗ Hà Phương vào HĐQT.
ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 được tổ chức vào ngày 15/02/2023, danh sách HĐQT và BKS nhiệm kỳ VII (2022-2025) đã được thông qua.
HĐQT nhiệm kỳ VII gồm 7 thành viên:
BKS nhiệm kỳ VII gồm:
Cũng tại đây, bà Lương Thị Cẩm Tú tái đắc cử vị trí Chủ tịch Eximbank cho đến thông tin bị miễn nhiệm tối ngày 28/06/2023. Trong danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII có 2 thành viên đáng chú ý là ông Đào Phong Trúc Đại và bà Lê Hồng Anh (cùng sinh năm 1975) liên quan đến Tập đoàn Thành Công, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành trong các lĩnh vực công nghiệp ôtô, bất động sản, thương mại.
Những tưởng tình hình tại Eximbank tạm ổn khi đã bầu được Chủ tịch và HĐQT nhiệm kỳ mới, thế nhưng theo sau đó là hàng loạt động thái rút vốn của các nhóm cổ đông.
Hồi giữa tháng 9/2022, Eximbank cho biết ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên HĐQT của EIB do ông Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông SMBC. Đến tháng 1/2023, SMBC thông báo đã chính thức bán xong 132.8 triệu cp EIB vào ngày 13/01/2023 và không còn là cổ đông lớn tại Ngân hàng.
Sau đó đến tháng 10/2022, nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group lần lượt thoái vốn tại Eximbank với tổng số hơn 117.6 triệu cp EIB gồm Hợp tác xã cổ phần Thành Công, CTCP Phúc Thịnh, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - con gái bà Lê Hồng Anh. Và theo sau động thái thoái vốn chính là đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT Eximbank của ông Đào Phong Trúc Đại và bà Lê Hồng Anh vào ngày 26/10/2022.
Đến tháng 1/2023, ông Trịnh Bảo Quốc trong BKS có đơn từ nhiệm.
Sau đó, ĐHĐCĐ bất thường 2023 được tổ chức để bầu thành viên HĐQT bổ sung gồm các thành viên là bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.
Đến tháng 4/2023, trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2023, Eximbank nhận được đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng đều với lý do cá nhân.
Ông Hùng được đề cử bởi nhóm cổ đông gồm CTCP Thắng Phương, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios, bà Lê Thị Mai Loan và ông Nguyễn Hồ Nam. Ông Nguyễn Hồ Nam là Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital còn bà Lê Thị Mai Loan từng là nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp này.
Như vậy, đến thời điểm ĐHĐCĐ 2023 được tổ chức vào ngày 14/04 vừa qua, HĐQT Eximbank còn nguyên Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.
Và đến tối ngày 28/06, thông tin miễn nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế bằng bà Đỗ Hà Phương được Eximbank công bố ra.
Chỉ trong 5 năm, Eximbank có 5 Chủ tịch.
|
Tân Chủ tịch Eximbank là ai?
Bà Đỗ Hà Phương sinh năm 1984, đã có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng. Bà tốt nghiệp Cử nhân Kế toán - Trường Đại học George Mason - Hoa Kỳ, Thạc sỹ Tài chính quốc tế - Trường Đại học Westminster - Anh Quốc.
Bà Phương gia nhập Eximbank từ năm 2022 với chức danh Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Theo thông tin công bố, từ tháng 5/2007 đến tháng 01/2011, bà Phương làm tư vấn tài chính cho Ernst & Young Hoa Kỳ. Sau đó, trong thời gian tháng 11/2008- 11/2012, bà làm cố vấn tài chính cho Văn phòng Đại diện Coffey International Development tại Hà Nội.
Từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2017, bà Phương làm Giám đốc cấu trúc tài chính, cơ cấu nợ và nhận diện rủi ro tín dụng tại VIB. Từng có thời gian làm cố vấn tài chính cho Công ty TNHH tài chính Lotus và đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tại Công ty TNHH VNInvest Partners trước khi gia nhập Eximbank.
Bà Đỗ Hà Phương tham gia vào HĐQT Eximbank được hơn 1 năm. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 được tổ chức vào ngày 15/02/2022, bà Phương cùng với 6 người khác được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ (2020-2025). Tỷ lệ tán thành bầu bà Đỗ Hà Phương vào HĐQT thời điểm đó là 61.32%.
Bà Phương được đề cử bởi nhóm cổ đông gồm CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn, CTCP Rồng Ngọc, CTCP Hoàng Gia ĐL, Công ty TNHH M8 và 7 cổ đông cá nhân khác (ông Dương Tiến Dũng, ông Nguyễn Quốc Toàn, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, bà Trương Vũ Họa Mi, bà Lê Mộng Tuyền, ông Trần Ngọc Nhật và bà Lưu Như Trân). Các doanh nghiệp này đều có mối liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn – Nguyên Chủ tịch HĐQT Nam A Bank.
Thông tin của bà Đỗ Hà Phương được Eximbank công bố trước đó
Nguồn: Eximbank
|
Về CTCP Hoàng Gia ĐL, đơn vị này được thành lập từ năm 1991 có vốn điều lệ tính đến tháng 04/2023 là 1,100 tỷ đồng. Trước đó do ông Nguyễn Hoàng Vũ làm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật.
Trong danh sách cổ đông tính đến tháng 09/2019, Hoàng Gia ĐL có bà Dương Trương Thiên Lý là cổ đông lớn nhất sở hữu 78%, ông Nguyễn Hoàng Vũ nắm 11% và bà Nguyễn Thị Kim Phượng giữ 11%.
Đến ngày 19/04/2023, Tổng Giám đốc được thay bằng bà Lê Thị Hồng Xuân (sinh năm 1995).
Riêng về CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn, tính đến tháng 05/2023, người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là ông Trần Ngọc Nhật – cùng tên với cá nhân đề cử bà Đỗ Hà Phương vào HĐQT Eximbank.
Nói thêm về Công ty TNHH VNInvest Partners, Công ty này được thành lập vào năm 2018 với ngành nghề hoạt động tư vấn quản lý và tư vấn đầu tư với vốn điều lệ 500 triệu đồng. Hai thành viên góp vốn là bà Đỗ Hà Phương và ông Loic Michel Marc Faussier mỗi người góp 50% vốn, tương đương 250 triệu đồng. Người đại diện pháp luật là ông Loic Michel Marc Faussier.
Đến tháng 2/2023, thông tin mới được công bố người đại diện pháp luật là bà Đỗ Hà Phương. Cổ đông góp vốn cũng được thay thế thành ông Vũ Nam Thắng.
Sau đó, trong thông tin mới nhất đăng ký từ 16/06/2023, ông Vũ Nam Thắng là Chủ tịch Công ty kiêm Tổng Giám đốc và cũng là người đại diện pháp luật của VNInvest Partner.
* Miễn nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, Eximbank có tân Chủ tịch
Cát Lam
FILI
|