Thứ Hai, 12/06/2023 04:02

Đưa đặc sản địa phương lên quầy, kệ siêu thị

Sự chủ động phối hợp, kết nối của chính quyền các địa phương có vai trò quan trọng trong việc định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm, hàng hóa của các tỉnh mở rộng kênh tiêu thụ

Đầu tuần trước, qua cầu nối là chính quyền Tây Ninh, 21 doanh nghiệp (DN) tỉnh này vừa ký hợp đồng cung ứng hàng chục mặt hàng đặc sản vào hệ thống bán lẻ của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op). Cũng tại sự kiện, 15 DN khác của tỉnh đã được tham gia kết nối trực tiếp, giới thiệu sản phẩm với nhà phân phối và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, tiến tới tham gia cung ứng vào hệ thống siêu thị này.

Cơ hội mới cho hàng hóa Tây Ninh

Theo Saigon Co.op, hầu hết các sản phẩm Tây Ninh đã, đang và chuẩn bị được đưa vào phân phối là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), bao gồm: rau rừng; gạo; bánh tráng; muối ớt, muối tiêu, muối tôm; mắm trái điều; hạt điều; bánh pía, tinh dầu tràm, rượu gạo truyền thống Bà Đen; cùi bưởi sấy, trà bưởi, rượu bưởi; dế sấy; dưa lưới, mãng cầu, xoài; các loại trà, yến hũ và rượu; sâm bố chính,…

Ông Dương Minh Quang, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op, cho biết các sản phẩm Tây Ninh chủ yếu bán tại 9 siêu thị Co.opmart tại tỉnh này và một số Co.opmart ở khu vực Đông Nam Bộ. "Hàng hóa nông sản Tây Ninh khá đa dạng, trong đó có một số đặc sản nổi tiếng nhưng tỉ lệ tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại rất hạn chế. Trung bình, mỗi năm Co.opmart tiêu thụ khoảng 600 tấn sản phẩm của Tây Ninh, giá trị gần 50 tỉ đồng/năm, còn rất thấp so với tiềm năng" - ông Quang cho hay.

Đưa đặc sản địa phương lên quầy, kệ siêu thị - Ảnh 1.

Tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các hệ thống bán lẻ TP HCM xúc tiến tiêu thụ mặt hàng xoài năm 2023

Toàn tỉnh Tây Ninh đang có 68 sản phẩm OCOP. UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm đặc trưng. Dù vậy, việc phát triển các thương hiệu đặc sản của tỉnh còn nhiều khó khăn. Nhiều DN của tỉnh vẫn đang bán sản phẩm thô; các nguồn cung cấp đặc sản vẫn phát triển theo hướng tự phát, sản xuất theo dạng thủ công rời rạc, công nghệ lạc hậu, nguồn hàng cung cấp không ổn định...

Ông Ngọc Sơn, Giám đốc Điều hành Công ty CP TaNinh, phản ảnh nhiều DN tại Tây Ninh còn lúng túng trong việc xây dựng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, cách làm marketing, nhận diện thương hiệu… để chuẩn hóa sản phẩm, tối ưu hóa chi phí. Đến khi muốn thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại thì không bắt đầu từ đâu, hồ sơ thủ tục gồm những gì. 

"Công ty TaNinh chuyên hỗ trợ DN những việc này. Gần đây, chúng tôi còn làm đầu mối tập hợp hàng hóa của các nhà sản xuất trong tỉnh để cung ứng ra thị trường, giúp các DN tiết kiệm chi phí so với tiếp thị, bán hàng riêng lẻ" - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, các DN nhỏ và vừa rất cần những buổi kết nối, tiếp xúc trực tiếp với nhà cung cấp, qua đó giúp DN biết được quy mô của nhà phân phối, cách thức mua hàng, từ đó có chiến lược tiếp cận kênh phân phối hiện đại.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại Tây Ninh, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho biết chính quyền địa phương và các ngành chức năng sẽ hỗ trợ bà con mở rộng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, quy trình thủ tục… để đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối hiện đại, tạo cơ hội cho sản phẩm được tiêu thụ ổn định ở kênh này. 

Theo kế hoạch, Saigon Co.op đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền Tây Ninh nhằm đẩy mạnh đầu tư, hợp tác với các đơn vị tại tỉnh này có chiều sâu hơn. Mục tiêu sẽ nâng quy mô thu mua hàng hóa tỉnh Tây Ninh lên 1.000 tấn, giá trị 100 tỉ đồng vào năm 2023; đến năm 2025 là 1.300 tấn với 250 tỉ đồng.

Tăng kết nối, hỗ trợ DN tối đa

Đồng Tháp là 1 trong 10 tỉnh, thành có số lượng sản phẩm trong chương trình OCOP lớn nhất nước. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh, nhiều chủ thể OCOP đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm lên quầy kệ các cửa hàng, siêu thị, đồng thời có mặt rộng rãi trên kênh thương mại điện tử. 

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp còn làm cầu nối cho DN gắn kết chặt chẽ với sàn thương mại điện tử Tiki, các DN phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Big C, Vincommerce, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.

Với thế mạnh là vùng trồng trái cây sản lượng lớn của miền Tây Nam Bộ, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm thúc đẩy, dành kinh phí hỗ trợ các nhà sản xuất làm chương trình quảng bá, tiêu thụ nông sản. Trong năm 2023, sau khi làm thương hiệu cho trái xoài khá thành công, Đồng Tháp sẽ tiếp tục phối hợp với các DN bán lẻ làm chương trình cho trái nhãn.

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết đang hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho các DN (đặc biệt là các chủ thể OCOP) phát triển sản phẩm; triển khai, hướng dẫn chính sách hỗ trợ để DN đủ điều kiện thâm nhập các hệ thống siêu thị, hướng đến thị trường xuất khẩu. 

"Để sản phẩm địa phương vươn xa, cần có sự liên kết hợp tác, quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó, cần có chiến lược phát triển sản phẩm theo nhu cầu thị trường" - ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh.

Không chỉ 2 tỉnh nêu trên mà nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đang tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố các mối liên kết nâng cao chất lượng lẫn hiệu quả chuỗi cung ứng nhằm mở thêm đầu ra cho sản phẩm địa phương trong bối cảnh tiêu dùng sụt giảm. TP HCM là thị trường tiêu thụ rất lớn và là cửa ngỏ giao thương hàng hóa trong nước lẫn xuất khẩu. Hàng hóa vào được hệ thống phân phối của TP HCM là sẽ có cơ hội tỏa đi khắp nơi. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay nhiều tỉnh, thành mong chờ tín hiệu thị trường từ TP HCM. Hằng năm, các tỉnh đều tích cực hưởng ứng những chương trình xúc tiến thương mại của TP HCM, khai thác lợi thế từ chương trình để kết nối DN địa phương với DN TP HCM. Cũng theo ông Phương, hiệu quả của hoạt động kết nối này rất rõ ràng, giúp các bên giảm chi phí đáng kể.

Thiếu sản phẩm đặc trưng

Ở góc độ nhà phân phối, ông Dương Minh Quang cho rằng rất cần phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, riêng có của từng địa phương để tạo sự khác biệt. Hiện nay, hầu hết sản phẩm địa phương na ná nhau, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên khó mở rộng ra cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống logistics lẫn bộ máy hỗ trợ sản phẩm địa phương tham gia chuỗi cung ứng hiện đại còn manh mún, chưa hiệu quả.

"Cần thiết thành lập mô hình liên minh HTX để kết nối các DN, cơ sở sản xuất địa phương đáp ứng đủ tiêu chuẩn chào hàng chung. Một việc quan trọng nữa là làm sao nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch để có thể trữ được lâu, vận chuyển xa hơn" - ông Quang khuyến nghị.

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Người lao động

Các tin tức khác

>   5.400 tấn vải thiều tươi về chợ đầu mối Thủ Đức (12/06/2023)

>   "Cuộc chiến" giá hàng công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng (11/06/2023)

>   Miền Bắc giảm cắt điện nhờ có thêm nguồn thuỷ điện và nhiệt điện (10/06/2023)

>   EVN yêu cầu hạn chế tiết giảm điện vào các khung giờ sinh hoạt (09/06/2023)

>   Sản vật Tây Ninh rộng đường vào siêu thị (09/06/2023)

>   Phó Thủ tướng: Điều tiết cắt giảm điện phải bảo đảm công bằng, công khai (08/06/2023)

>   Nhiều nhà máy thủy điện dừng hoạt động do thiếu nước (08/06/2023)

>   Lo giá vé máy bay ảnh hưởng đến du lịch hè (08/06/2023)

>   Chính phủ yêu cầu giảm 50% phí trước bạ với ôtô trong nước (08/06/2023)

>   Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam có thể cán mốc 300.000 tỉ đồng (07/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật