ĐHĐCĐ Petrolimex: Kế hoạch lãi trước thuế tăng 42%
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) diễn ra vào sáng ngày 26/06 theo hình thức trực tuyến. Tại đại hội, Petrolimex đặt mục tiêu giảm mạnh về doanh thu nhưng tăng trưởng về lợi nhuận trước thuế.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Petrolimex
|
Cụ thể, HĐQT Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu 2023 là 190 ngàn tỷ đồng, giảm 38% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch lãi trước thuế gần 3.23 ngàn tỷ đồng, tăng 42%.
Về chỉ tiêu sản lượng, Tập đoàn đặt kế hoạch 12.95 triệu tấn xăng dầu xuất bán, giảm 7% so với thực hiện 2022.
PLX cũng đặt kế hoạch giảm tỷ lệ cổ tức 2022 xuống còn 7%, so với kế hoạch 12%. Tỷ lệ cổ tức 2023 dự kiến là 10%.
Kế hoạch 2023 của PLX
|
Kế hoạch năm 2023 của Petrolimex được đưa ra trong bối cảnh tình hình dự báo còn nhiều khó khăn với nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu; thị trường xăng dầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn nhiều yếu tố không thuận lợi.
Kết thúc quý 1, Petrolimex ghi nhận doanh thu 67.43 ngàn tỷ đồng, gần như đi ngang; lãi trước thuế 838 tỷ đồng, tăng trưởng 47%; và lãi ròng gần 620 tỷ đồng, gấp 2.5 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy, Doanh nghiệp thực hiện được 35.4% kế hoạch doanh thu và gần 26% mục tiêu lãi trước thuế cả năm.
Petrolimex đã đạt kết quả tốt trong quý 1/2023 |
|
Về mức thù lao, đại hội thông qua tổng quỹ tiền lương và thù lao cho HĐQT năm 2023 hơn 7.65 tỷ đồng; BKS hơn 4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ cấu nhân sự của Petrolimex sẽ có biến động. Đại hội tiến hành thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Thanh Sơn, dựa trên đơn từ nhiệm để hưởng chế độ hưu trí; đồng thời bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021-2026.
Ứng viên là ông Lê Văn Tuyển – sinh năm 1969, trình độ Thạc sĩ Kinh tế. Ông Tuyển là Phó Tổng Giám đốc của Petrolimex, là nhân sự được Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (nắm 75.87% vốn điều lệ) đề cử.
Trong diễn biến gần đây, ngày 21/06, Petrolimex đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Tú - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore - giữ chức Phó Tổng Giám đốc Petrolimex kể từ ngày 01/07/2023.
Thảo luận:
Xây dựng quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch thuần sang nhiên liệu xanh
Tập đoàn có kế hoạch phát triển năng lượng xanh như thế nào?
Tổng Giám đốc Đào Nam Hải: Chúng ta biết chuyển đổi sang nền kinh tế xanh dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo là một chiến lược quốc gia. Petrolimex là một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất cũng không nằm ngoài xu thế này.
Petrolimex đang tìm hiểu thông tin, bám sát quy hoạch quốc gia, phấn đấu giảm phát thải carbon bằng 0 (net zero). Chúng tôi đang nghiên cứu, thời gian tới sẽ thuê các tổ chức tư vấn quốc tế, để xây dựng chiến lược chuyển đổi theo hướng từ kinh doanh nhiên liệu hoá thạch thuần tuý sang kinh doanh năng lượng xanh, sạch là chủ đạo.
Xin cập nhật thêm là dù đang định hướng như vậy, nhưng các năm qua chúng tôi là doanh nghiệp xăng dầu tiên phong triển khai các nhiên liệu sạch theo chuẩn Euro V – như xăng 95-V và dầu diesel-V, và đặc biệt là xăng E5. Quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, sạch thực sự thì đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng bộ với nhu cầu thị trường.
Thế giới năm nay dự báo sẽ bán ra 14 triệu xe điện. Đây là xu hướng sẽ sớm diễn ra tại Việt Nam, nhưng ở thị trường chúng ta sẽ có điều kiện riêng, có độ trễ.
Đỉnh cầu xăng dầu truyền thống sẽ rơi vào khoảng 2030-2035, sau đó đi ngang và đi xuống. Đến năm 2050, theo cam kết COP26 từ Chính phủ, chúng ta sẽ không dùng nhiên liệu hoá thạch nữa.
Chúng tôi xác định sẽ xây dựng quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch thuần sang nhiên liệu xanh. Đây là mục tiêu sống còn.
Tiến độ tái cấu trúc PTC và PG Tanker khó đạt được theo quy định
Tiến độ chi tiết tái cơ cấu PG Tanker, PTC (Tổng Công ty dịch vụ Xăng dầu Petrolimex)… cũng như các kế hoạch 2021-2025 đã phê duyệt như thế nào?
Chủ tịch Phạm Văn Thanh: Ngay sau khi đề án tái cơ cấu của Petrolimex được phê duyệt, HĐQT đã thành lập nhóm tham mưu để thực hiện. Tuy nhiên đến thời điểm này, chúng tôi nhận ra có nhiều vướng mắc khi triển khai do các quy định thiếu đồng bộ.
Chúng tôi hiện đang triển khai nâng cấp các chi nhánh thành viên trong khu vực lên thành công ty, và chuyển giao các cửa hàng trực thuộc tại một số tỉnh khác nhau để tập trung vào các địa bàn trọng điểm.
Về đề án tái cấu trúc PG Tanker và PTC, chúng tôi đang nghiên cứu, tập hợp dữ liệu, thông tin một cách tích cực. Nhưng về tiến độ thời gian thì rất khó để đạt được mốc thời gian theo quy định là tái cấu trúc PTC năm 2023 và PG Tanker năm 2024-2025.
Sau khi được Uỷ ban Quản lý vốn phê duyệt, chúng tôi cũng phải xin ý kiến ĐHĐCĐ. Chương trình ra sao, cột mốc thế nào, phải lắng nghe ban tham mưu và các công ty luật. Tiến độ như thế nào thì cần phải cân nhắc, chúng tôi sẽ báo cáo sau.
Chủ tịch Phạm Văn Thanh
|
PG Tanker có đội tàu lớn nhất cả nước. Công ty này có khách hàng khác ngoài Petrolimex không? Với năm 2023 khó khăn vận tải biển, hoạt động kinh doanh sẽ ra sao?
Uỷ viên HĐQT Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch PG Tanker: Tổng Công ty vận tải Thuỷ Petrolimex có đội tàu chở dầu lớn nhất, với tổng trọng tải trên 500,000 tấn với trên 40 tàu.
Bình quân 5 năm qua, chúng tôi đảm bảo vận chuyển cho Petrolimex 70%, còn lại là bên ngoài. 70% tương đương toàn bộ sản lượng vận tải của Petrolimex, và trong 5 năm qua trung bình mỗi năm vận chuyển 15 triệu tấn, m3.
PG Tanker đóng góp vào Tập đoàn trên 3 khía cạnh: Chủ động nguồn hàng tại các thị trường từ ASEAN, Singapore, Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Ả Rập… để đảm bảo an ninh năng lượng. Như năm 2022 có hiện tượng thiếu nguồn cung, khiến PGT phải nhập rất nhiều.
Thứ 2, PG Tanker góp phần giảm chi phí logistics cho Petrolimex.
Thứ 3, PG Tanker tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng cùng các đầu mối kho cảng, bởi việc dự trữ xăng dầu ở các kho cảng đầu mối là rất quan trọng, kể cả dự trữ chính trên các tàu.
Năm 2022, PG Tanker đóng góp trên 400 tỷ đồng. Kế hoạch 2023, PG Tanker được giao 310 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó 220 tỷ đồng là kinh doanh vận tải. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành.
Khi Nghi Sơn dừng hoạt động, chúng tôi phải đảm bảo các hình thức mua hàng. Còn với xu hướng chuyển sang nguồn năng lượng xanh, sạch, quá trình này phải diễn ra dần dần. PG Tanker được giao nhiệm vụ nghiên cứu, trước khi dùng điện phải dùng nhiên liệu hoá thạch tương đối như LNG. Ngoài ra là nghiên cứu về vận chuyển hydrogen.
Uỷ viên HĐQT Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch PG Tanker
|
Kế hoạch đạt 65 cửa hàng mới đến cuối năm 2023
Tình hình thiếu xăng liệu có còn?
Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Năm: Chúng tôi tin rằng khi tình hình bình thường, khả năng thiếu xăng là rất thấp.
Chiến lược mở rộng cửa hàng xăng dầu là mở mới hay nhận chuyển nhượng từ các công ty khác?
Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Năm: Petrolimex xác định đầu tư mới hay nhận chuyển nhượng, khi có cơ hội đều sẽ cân nhắc. Nguyên tắc là đầu tư phải có hiệu quả, và “thuận mua vừa bán”. Chúng tôi sẽ chọn phương án nào phù hợp theo từng thời điểm.
Cuối năm sẽ tăng bao nhiêu cửa hàng?
Tổng Giám đốc Đào Nam Hải: Theo kế hoạch là 65 cửa hàng đến cuối năm 2023, cân đối giữa việc mua mới, làm mới hoặc thuê lại tuỳ theo từng địa phương và tính hiệu quả nhất cho Petrolimex. Cho đến thời điểm này, tốc độ đầu tư suýt soát khoảng 50%. Petrolimex cũng coi đây là năm bản lề để phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu, đặc biệt là các cửa hàng quy mô lớn trên các cao tốc.
Vì sao đặt kết hoạch sản lượng thận trọng?
Kế hoạch chi tiết năm 2023 dựa vào yếu tố nào?
Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Năm: Doanh thu Petrolimex có tỷ trọng chính là kinh doanh xăng dầu, ngoài ra là các sản phẩm hoá dầu như gas, dầu mỡ nhờn, nhiên liệu bay…
Chỉ tiêu doanh thu sẽ dựa vào sản lượng xuất bán và dự báo của các tổ chức, chuyên gia trên thế giới về biến động giá bán trong năm 2023. Ngoài ra, Petrolimex cũng tham khảo giá dầu thô để xây dựng chỉ tiêu. Sự thực, các chỉ tiêu này sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ giá xăng dầu thế giới.
Về lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác, Petrolimex đã phải dựa vào kết quả 2022 và dự báo 2023 liên quan đến giá xăng dầu, và liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 95. Trong bối cảnh Nhà nước tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi phí, các chỉ tiêu này đã được đánh giá kỹ lưỡng với từng đơn vị thành viên – gồm cả các đơn vị nước ngoài.
Kế hoạch sản lượng 2023 có thận trọng không khi thấp hơn năm trước?
Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Năm: Petrolimex không đặt ra mục tiêu năm sau tốt hơn năm trước. Nhưng một trong yếu tố khách quan là năm 2022, khi tình hình xung đột Nga – Ukraine tác động trầm trọng đến thị trường tiêu thụ trong nước. Khi đó, nhiều thương nhân, đầu mối nhỏ hạn chế việc nhập hàng, thậm chí có thương nhân đầu mối bị rút giấy phép vì vi phạm, dẫn đến không thực hiện được chức năng.
Trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu lỗ cao, nên Petrolimex đã phải nỗ lực đảm bảo ổn định năng lượng quốc gia, do đó sản lượng xuất bán năm 2022 rất cao. Năm 2023, chúng tôi xác định điều kiện kinh doanh có thể trở lại bình thường, kế hoạch cũng lập trên tiêu chí này.
Nhập khẩu xăng dầu khi nhà máy Nghi Sơn bảo dưỡng
Xin Tập đoàn cho biết tình hình nguồn cung xăng dầu quý 3 khi Nghi Sơn bảo dưỡng 2 tháng?
Tổng Giám đốc Đào Nam Hải: Tháng 5, theo quy chuẩn bắt buộc, các nhà máy xăng dầu phải có kế hoạch bảo trì bảo dưỡng. Năm nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ ngưng hoạt động để bảo dưỡng trong 55 ngày kể từ ngày 25/08. Như vậy trong tháng 09-10 sẽ ngừng hoạt động.
Trong 2 tháng này, theo hợp đồng ký kết với Petrolimex, nhà máy sẽ không cung cấp. Petrolimex sẽ chuyển sang phương thức nhập khẩu từ khu vực ASEAN và các khu vực lân cận với giá cạnh tranh và tối ưu về chi phí nhất.
Theo cập nhật, năm 2023 căng thẳng nguồn cung xăng dầu đã hạ nhiệt so với 2022, dù còn tiềm ẩn các biến số như suy thoái kinh tế thế giới, hoặc mức độ phục hồi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, hoặc cuộc chiến Nga-Ukraine. Tuy vậy, áp lực nguồn cung cho quý 3 sẽ không mạnh bằng cùng kỳ. Petrolimex cũng có thể chủ động, đảm bảo nguồn xăng dầu ổn định, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước.
Tổng Giám đốc Đào Nam Hải
|
Xin cập nhật tình hình sửa đổi Nghị định 95?
Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Năm: Vừa qua, Bộ Tư Pháp đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo, tờ trình mà Bộ Công Thương gửi Chính phủ về Nghị định 95.
Hội đồng thẩm định đang chờ ý kiến phản hồi lại, trong đó có các nội dung đáng chú ý là việc thương nhân nhượng quyền được mua hàng từ nhiều nguồn.
Vấn đề 2 là thẩm quyền quyết định giá: Nhà nước quyết định hay thương nhân đầu mối, phân phối, bán lẻ quyết định. Đây là vấn đề đang được thảo luận để đi đến quyết định chính thức.
Bộ Công Thương hiện vẫn là đầu mối tổng hợp lại ý kiến các bên. Do vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cố gắng kết thúc việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Đại hội kết thúc với toàn bộ nội dung tờ trình được thông qua.
Hồng Đức
FILI
|