Đại biểu Phạm Văn Hòa: Cân nhắc thận trọng các quy định về việc người nước ngoài mua nhà
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội trường, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng…
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
|
Sáng 19/6/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo ông Hòa, các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng…
Bên cạnh đó, về quy định cá nhân, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã được phép mua nhà đất, đại biểu Hòa cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hàng năm số lượng rất nhiều, do vậy đề cần phải cân nhắc một cách thận trọng. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nên chăng chỉ quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam.
Đại biểu cũng cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài. Thời gian qua, dư luận rất phản ứng đối với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thu mua nhiều đất đai. Đại biểu cho rằng, chúng ta nên có giới hạn về thời hạn sử dụng…Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần rà soát các quy định để tránh trùng lặp, chồng chéo với các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Người nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất hay không?
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng
|
Cũng liên quan đến vấn đề về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho rằng tại Điều19, Điều 20 và Điều 22 của dự thảo Luật chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất hay không. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với Điều 5 của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và Khoản 1, Điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Cùng với đó, liên quan đến nội dung này, tại Điểm c, khoản 1, Điều 19 quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và Khoản 3, Điều 21 quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở đối với cá nhân người nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu Cường cho rằng, quy định như vậy cần phải nghiên cứu, cân nhắc. Đặc biệt lưu ý đến việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không? Việc quy định như dự thảo Luật có xung đột với các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không?
Theo đại biểu, để đảm bảo tính khả thi, nội dung này cần phải được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18 và thống nhất, đồng bộ các quy định về chính sách đất đai, bất động sản, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở (sửa đổi) với Luật Đất đai (sửa đổi)
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông quan tâm tới tính thống nhất của thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, tại khoản 19, Điều 3 của dự thảo luật và hộ gia đình sử dụng đất tại khoản 28 Điều 3 của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).
Cụ thể, theo dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung, cùng thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung hoặc trên đất thuê, đất mượn và cùng tham gia quản lý, sử dụng nhà ở đó.
Pháp luật quy định nhà ở là tài sản gắn liền với đất, do đó, các quy định về nhà ở, đất đai phải có sự thống nhất. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn các vấn đề về hộ gia đình trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Về việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng chương trình phát triển nhà ở địa phương, đại biểu đề nghị, khi xây dựng, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở, cấp tỉnh giao hoàn toàn trách nhiệm cho UBND, HĐND cấp tỉnh, nên bỏ quy định về việc lấy ý kiến của Bộ Xây dựng để tạo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng của chính quyền địa phương, giảm bớt chi phí, thời gian, không làm tăng thời gian giải quyết công việc của các cơ quan trung ương.
Nhật Quang
FILI
|