Thứ Bảy, 24/06/2023 18:30

Các đại gia dầu khí khẳng định khí tự nhiên sẽ “trường tồn” bất chấp nỗ lực chuyển đổi xanh

Những đại gia dầu khí khổng lồ của thế giới như Shell hay Chevron đều khẳng định rằng quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu sẽ cần đến một lượng khí tự nhiên (natural gas) rất lớn.

Các ông lớn sản xuất dầu khí của thế giới – từ Shell cho đến Chevron – đang dự kiến sẽ tăng tốc đầu tư vào mảng nhiên liệu. Trung Quốc tiếp tục ký kết các hợp đồng mua khí gas hóa lỏng (LNG) cho tới năm 2050, theo sau là các nhà nhập khẩu từ châu Âu. Trong khi đó, Mỹ đang bứt phá với các dự án mới, để trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới trong tương lai gần.

Xu hướng trên đánh dấu một bước chuyển mình của khí tự nhiên – vốn được xem là nhiên liệu hóa thạch “sạch nhất” trong quá trình chuyển dịch về các nguồn năng lượng xanh, trong khi các nhà môi trường thì tìm cách loại bỏ chúng vì cho rằng nó không “sạch” như vẫn được ca ngợi. Dẫu vậy, ý tưởng về nhu cầu khí tự nhiên sớm chạm đỉnh đang dần biến mất.

“Các bên bán LNG quan sát thị trường và tự tin khẳng định rằng nhu cầu khí gas sẽ tiếp tục gia tăng trong vài thập kỷ kế tiếp”, trích lời ông Ben Cahill, thành viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế từ Washington.

Tranh cãi về nhu cầu dài hạn

Cuộc chiến giữa Nga-Ukraine kéo theo khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng đã làm thay đổi viễn cảnh dành cho khí tự nhiên. Châu Âu hiện đang gấp rút tìm cách thay thế nhiên liệu từ Nga, trong khi ngày càng có nhiều quốc gia ký kết hợp đồng dài hạn để tránh nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai.

Các tập đoàn xuất khẩu khí đốt dự đoán tiêu thị khí sẽ gia tăng tới năm 2050
Nguồn: Bloomberg

Trung Quốc hôm 20/06 đã ký kết hợp đồng 27 năm với Qatar để đảm bảo an ninh năng lượng. Một nhà nhẩu khẩu khác từ Đức ngày 22/06 cũng đặt bút ký hợp đồng mua LNG với Mỹ tới năm 2046, bất chấp việc quốc gia này đã đặt mục tiêu trung hòa carbon trước thời hạn này 1 năm.

Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 60 tỷ m3 khí đốt mới đã được phê duyệt kể từ khi cuộc chiến giữa Nga-Ukraine nổ ra. Mức tăng này lớn gấp đôi so với thập kỷ trước đó.

Việc dồn nỗ lực đầu tư vào khí đốt là điều dễ hiểu với các cổ đông, theo ông Saul Kavonic – chuyên gia phân tích năng lượng của Credit Suisse. Khí đốt đã mang lại lợi nhuận khổng lồ trong vài năm gần đây, trong khi nỗ lực hướng đến năng lượng xanh đang gặp nhiều trục trặc.

Quả thực, khí đốt là nguồn thu chính cho nhiều đại gia năng lượng thế giới, như Shell và BP Plc (Arab Saudi) suốt nhiều năm qua. Các nhà sản xuất đã từng tiến vào mảng năng lượng tái tạo cách đây vài năm giờ đang muốn “quay xe” khi nguồn thu mang về là không tương xứng.

“LNG sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống năng lượng tương lai” – Wael Sawan, CEO của Shell nhận định. “LNG dễ dàng vận chuyển tới những nơi cần chúng nhất. Hơn nữa tính trung bình, khí đốt sẽ sản sinh lượng khí thải carbon thấp hơn than đá tới 50% trong ngành điện”.

Shell đã lên kế hoạch tăng đầu tư vào khí đốt khoảng 25% trong năm nay, lên mức kỷ lục 5 tỷ USD, và sẽ tiếp tục với mức này tới năm 2025. Năm 2022, Exxon Mobil Corp cùng ConocoPhillips đã đầu tư vào dự án mở rộng LNG trị giá 30 tỷ USD tại Qatar, cũng là mức lớn nhất lịch sử của ngành này.

Khí đốt cũng là yếu tố chủ chốt trong kế hoạch của Eni SpA – tập đoàn năng lượng từ Ý, với hợp đồng trị giá 4.9 tỷ USD mua lại Tập đoàn Năng lượng Neptune hôm 23/06. Tại Romania, 2 nhà sản xuất trong tuần qua cũng đồng thuận đầu tư 4.4 tỷ USD vào một dự án khí đốt trên Biển Đen sau nhiều thập kỷ gây tranh cãi. Chevron và Exxon cũng đang huy động nhân sự để triển khai hoạt động mua bán khí tại London và Singapore.

Tại Mỹ, các nhà máy sản xuất LNG mới có thể sẽ được triển khai sau khi một số quốc gia tiến hành ký kết hợp đồng dài hạn. Các quốc gia này bao gồm cả Đức và Nhật Bản, 2 nước có tham vọng chuyển dịch năng lượng xanh.

TotalEnergies SE – công ty năng lượng của Pháp cũng đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng cảng xuất khẩu tại Mỹ, đồng ý mua cổ phần dự án và nhà phát triển cảng. Ngoài ra, Doanh nghiệp đang thương thảo cùng Arab Saudi để đầu tư vào một dự án khí đốt khổng lồ tại quốc gia này.

Dẫu vậy, việc cần phải đầu tư bao nhiêu vào mảng này (cả lượng khí đốt và tài chính) vẫn còn đang gây tranh cãi, bởi nhu cầu còn phụ thuộc vào mức độ thành công của các quốc gia trong việc giảm phát thải.

IEA cho rằng nhu cầu khí đốt phải giảm mạnh vào cuối thập kỷ để đảm bảo quá trình hướng đến “net zero” của thế giới vào năm 2050. Năm 2021, IEA đã tính toán rằng toàn bộ các dự án phát triển dầu, khí và than phải dừng lại để đáp ứng kịch bản này.

Các nhà sản xuất và định chế tài chính cần “cam kết chấm dứt đầu tư hoặc cấp vốn cho các hoạt động thăm dò mỏ dầu khí mới, cũng như việc mở rộng trữ lượng dầu khí”, Tổng thư ký Liên hợp Quốc Antonio Guterrest trả lời trước báo chí tại New York.

Một trong những luận điểm lớn nhất để chống lại khí đốt là sản lượng khí methane thải ra. Methane một phụ phẩm từ quá trình sản xuất khí đốt, có khả năng gây hiệu ứng nhà kính lớn gấp 80 lần so với CO2 trong vòng 2 thập kỷ đầu tiên tồn tại trong khí quyển. Khí đốt bị rò rỉ chỉ khoảng 3% là đủ để gây tác động xấu đến môi trường hơn so với than đá, theo một nghiên cứu từ Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Để thúc đẩy khí đốt như một nhiên liệu sạch hơn thay thế cho than đá, các ông lớn năng lượng đang tìm cách cắt giảm lượng khí methane thải ra. Shell, Exxon Mobil và hàng chục nhà sản xuất khác đang nhắm đến mục tiêu “cận zero” lượng khí methane thải ra vào năm 2030.

Châu An (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Dầu giảm 2 phiên liên tiếp do những lo ngại về nhu cầu (24/06/2023)

>   2 dự án điện khí LNG 3,000 MW tại Long An nhận hỗ trợ vốn từ Hàn Quốc (23/06/2023)

>   Dầu sụt 4% khi Ngân hàng Trung ương Anh quốc nâng lãi suất (23/06/2023)

>   Dầu tăng hơn 1.5% khi thị trường ngũ cốc thắt chặt (22/06/2023)

>   Giá dầu tăng, giá xăng giữ nguyên so với kỳ điều hành trước (21/06/2023)

>   Bộ Công Thương: Phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống (21/06/2023)

>   Dầu WTI giảm gần 2% vì dự báo ảm đạm về nhu cầu từ Trung Quốc (21/06/2023)

>   Dầu giảm 1.5% do những bất ổn về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (20/06/2023)

>   Liệu giá dầu mỏ trên thị trường thế giới có ngừng giảm? (19/06/2023)

>   Dầu tăng hơn 2% nhờ nhu cầu cao hơn từ Trung Quốc (17/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật