Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm 28% trong tháng 4, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh
Xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD. Doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.
Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2.6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: VASEP
|
Thị trường Mỹ giảm mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Các gia đình Mỹ đã quá “ngao ngán” với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao.
“Giờ đây, người dân Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực. Một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn. Người tiêu dùng đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần”, VASEP cho biết.
Tình trạng đó khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4, khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính: Xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.
Mở cửa sau COVID, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn trầm lắng và lợi nhuận công nghiệp sụt giảm sâu, nền kinh tế phải đối mặt với những cơn gió ngược liên tục, khiến khả năng phục hồi chậm và không có dấu hiệu bền vững. Chính sản xuất nội địa của Trung Quốc cũng đang khó khăn vì chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến.
Hai thị trường lớn đều sụt giảm nên xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến doanh số chỉ đạt chưa đầy 600 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh bởi sụt giảm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD, giảm 44%.
Trong số các mặt hàng hải sản xuất khẩu, có mực và một số loài cá biển khác (trừ cá ngừ) có chiều hướng tích cực hơn trong tháng 4. Theo đó, xuất khẩu các loài cá biển khác tăng 9%, xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 3. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 36%, các loài hải sản khác đều sụt giảm với tỷ lệ 2 con số.
Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản giảm nhẹ hơn
Hai thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đều có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức độ sụt giảm ít hơn so với Mỹ, Trung Quốc. Xuất khẩu tôm sang những thị trường này giảm được bù đắp bằng doanh thu từ hoạt động gia công chế biến xuất khẩu các mặt hàng hải sản cho các nhà chế biến, kinh doanh hải sản nước ngoài.
Từ đầu năm tới nay, các DN Việt Nam đã tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như các chương trình giao thương trong nước, hy vọng sẽ tăng thêm các kết nối và thu hút được các bạn hàng nhiều hơn trong thời gian tới và từ đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang trông chờ một bệ đỡ để trụ vững trong năm 2023 và có đà hồi phục trở lại khi thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Vũ Hạo
FILI
|