VDSC: Thiếu động lực mạnh, thị trường chứng khoán sẽ đi ngang trong tháng 5
Theo Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 05/2023 từ CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mùa báo cáo KQKD và ĐHĐCĐ 2023 đã qua đi, do đó không kỳ vọng có động lực mạnh mẽ trong tháng 5. Tuy nhiên, nhìn về nửa sau năm 2023, kỳ vọng các chương trình hỗ trợ hồi phục kinh tế phát huy tác dụng, góp phần vào khả năng hồi phục của các ngành nghề kinh doanh.
Chứng khoán thiếu động lực trong tháng 5
Mùa báo cáo KQKD và ĐHĐCĐ đã qua đi, do đó VDSC không kỳ vọng có động lực mạnh mẽ trong tháng 5. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại vẫn là một điểm tựa vững chắc.
VDSC nhận định dư địa để NHNN có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa là khả thi bởi lạm phát đang thấp, tỷ giá được kỳ vọng tiếp tục ổn định do Fed khả năng cao đã thực hiện lần tăng lãi suất cuối cùng của mình và thặng dư thương mại được duy trì và tăng trưởng GDP quý 1/2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng cả năm, điều này là cần thiết để vực dậy tăng trưởng trong các quý còn lại của năm 2023.
Mặc dù vậy, cần thời gian để những tác động của những chính sách này bắt đầu “ngấm” vào các hoạt động kinh tế. Do đó, VDSC kỳ vọng thị trường vẫn duy trì xu hướng chính là đi ngang trong tháng 5, dao động trong vùng 1,020-1,080 điểm.
Về mặt định giá, diễn biến kém khả quan cùng với thực tế rằng thị trường đã trải qua một quá trình tăng điểm từ đầu năm khiến mức định giá bị đẩy lên tương ứng, rõ rệt nhất đối với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Yếu tố cơ bản này dường như đã khiến tâm lý giao dịch trên thị trường trở nên thận trọng hơn kể từ giữa tháng 4.
Theo nhóm ngành, hầu hết các ngành đều có diễn biến tăng giá từ đầu năm đến nay, bất chấp các biến động không thuận lợi của KQKD. Trong đó, các ngành năng lượng, y tế, bất động sản, CNTT, tiêu dùng và tiêu dùng tùy ý có diễn biến thuận chiều giữa giá và tăng trưởng lợi nhuận. Ngược lại, các ngành như nguyên vật liệu, công nghiệp thì chứng kiến giá tăng mạnh bất chấp lợi nhuận giảm sâu. Điều này có thể hàm ý rằng sự chiết khấu vào giá dựa trên kỳ vọng lợi nhuận giảm mạnh đã diễn ra nhiều hơn mức cần thiết trong giai đoạn trước và dần được điều chỉnh lại.
Mặc dù thị trường khó có thể bắt đầu một quá trình tăng nhanh, nhưng rủi ro giảm mạnh cũng tương đối hạn chế khi định giá P/E 2023F (ước tính dựa trên kế hoạch kinh doanh) vẫn còn tương đối an toàn.
Quý 1 có thể là quý thấp điểm nhất về kế hoạch kinh doanh trong năm 2023
Theo VDSC, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp là thận trọng, các tổ chức niêm yết đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, phù hợp với các điều kiện vĩ mô còn bất định bởi sự phụ thuộc vào hiệu quả của các gói chính sách hỗ trợ và mức độ phục hồi của kinh tế thế giới. Cụ thể, theo thống kê của VDSC, lợi nhuận sau thuế (LNST) cả năm 2023 của các tổ chức niêm yết, được đặt kế hoạch tăng trưởng khoảng 7%.
Từ đó, VDSC nhận thấy rằng ngành du lịch giải trí (tỷ trọng lớn là nhóm hàng không), dịch vụ, tài chính (tỷ trọng lớn là nhóm chứng khoán), tài nguyên cơ bản (tỷ trọng lớn là nhóm thép) là những ngành dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh so với năm 2022 kém khả quan.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp đang kỳ vọng KQKD sẽ khởi sắc hơn ở các quý tiếp theo, điển hình là ở các nhóm ngành du lịch giải trí, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, CNTT, ô tô phụ tùng, thực phẩm đồ uống, xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng, bán lẻ và hóa chất.
Ngược lại, xu hướng suy giảm hoặc kém khả quan về lợi nhuận ở các ngành bất động sản, truyền thông, tiện ích công cộng và dầu khí có thể sẽ vẫn tiếp diễn ở các quý tiếp theo.
Mặt khác, VDSC nhận định việc đặt kế hoạch LNST năm 2023 tăng trưởng so với mức LNST suy giảm trong quý 1/2023, đang hàm ý rằng quý 1 có thể là quý thấp điểm nhất về KQKD trong năm 2023 của các doanh nghiệp này.
Kỳ vọng các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế phát huy tác dụng
Nhìn về nửa sau của năm 2023, VDSC kỳ vọng các Thông tư 02 về cho phép cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư 03 về việc cho phép TCTD mua lại trái phiếu chưa niêm yết, hay các đề xuất giảm thuế VAT, giải pháp mới cho gói hỗ trợ lãi suất 40,000 tỷ đồng sẽ dần phát huy tác dụng. Mặt bằng lãi suất vay thực trong nền kinh tế cũng từng bước giảm theo xu hướng giảm của lãi suất huy động. Sự khơi thông này sẽ góp phần đáng kể vào khả năng phục hồi của các ngành nghề kinh doanh.
Trong sự vận động đó, VDSC cho rằng điểm số thị trường vẫn dao động trong kênh giá hẹp, và sẽ cải thiện tích cực hơn khi bức tranh kinh tế vĩ mô và KQKD của các doanh nghiệp có những tín hiệu khởi sắc rõ ràng hơn.
VDSC cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu nhà đầu tư đặt kỳ vọng của mình với khung thời gian từ 3-6 tháng trở lên. Đồng thời, cơ hội tái cấu trúc danh mục cũng như giảm giá vốn danh mục đầu tư vẫn luôn xuất hiện tại những điểm thấp và điểm cao của thị trường.
Kha Nguyễn
FILI
|