Góc nhìn 28/04: Vận động trong vùng đi ngang ngắn hạn?
KBSV cho rằng chỉ số vẫn đang vận động trong vùng đi ngang ngắn hạn nhưng lại đồng thời chịu chi phối bởi xu hướng giảm trung hạn và điều này không thực sự thuận lợi cho các vị thế mở mới.
Áp lực giảm điểm của thị trường vẫn còn
CTCK Tân Việt (TVSI): Hỗ trợ tạm thời của chỉ số đang ở quanh ngưỡng 1,030 điểm và áp lực giảm điểm của thị trường vẫn còn khi một vài mã trụ đang cho tín hiệu “phá đáy” đã thiết lập trước đó. TVSI vẫn kỳ vọng đà hồi phục sẽ tiếp diễn và VN-Index sẽ kiểm định lần lượt 2 mốc kháng cự là vùng cân bằng cũ trước đó tại 1,050-1,055 điểm và vùng 1,065-1,073 điểm. Nhịp hồi phục hiện tại nhằm để kiểm tra lại các mốc hỗ trợ đã bị phá vỡ và cũng sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư xử lý danh mục cổ phiếu nếu còn kẹp trước đó.
Với xu hướng ngắn hạn đang là sideway down và có tín hiệu hồi phục, TVSI cho rằng nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục sang các nhóm ngành có tín hiệu đã tạo đáy phục hồi.
Xuất hiện nhịp phục hồi ngắn
CTCK Vietcombank (VCBS): Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến Spinning top thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư. Xét về khung đồ thị ngày, tuy đường chỉ báo sức mạnh xu hướng ADX vẫn đang nằm dưới 20 nhưng DI- vẫn đang ở vùng cao nên VN-Index sẽ tiếp tục rung lắc trong biên độ hẹp và chưa thể chấm dứt nhịp điều chỉnh ngay trong ngắn hạn. Tuy nhiên xác xuất cao VN-Index sẽ xuất hiện những nhịp phục hồi ngắn, có thể quay lên khu vực 1,050 để bám sát 2 đường trung bình động MA20 và MA50 trong các phiên tới.
Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng những phiên tăng điểm để lướt sóng các cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền. Thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng cân nhắc tận dụng những phiên phục hồi để cơ cấu lại danh mục, bán giảm những mã đang có xu hướng yếu hơn thị trường và đã giảm dưới vùng hỗ trợ.
Vận động trong vùng đi ngang ngắn hạn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Thị trường trải qua diễn biến giằng co và giảm điểm nhẹ về cuối phiên 27/04. Mặc dù cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn để ngỏ, tuy nhiên với mức xác suất khá trung tính (50/50). Chỉ số vẫn đang vận động trong vùng đi ngang ngắn hạn nhưng lại đồng thời chịu chi phối bởi xu hướng giảm trung hạn và điều này không thực sự thuận lợi cho các vị thế mở mới.
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trading đã mở tại các nhịp hồi phục, chạm vùng cản gần của các mã nắm giữ.
Dòng tiền mua mới thận trọng
CTCK Tiên Phong (TPS): VN-Index nhanh chóng quay lại trạng thái giằng co mặc cho đã có phiên đảo chiều tích cực vừa qua. Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất, qua đó cho thấy sự thận trọng của dòng tiền mua mới khi kỳ nghỉ lễ đã đến gần. Hiện tại, việc chỉ số vẫn đang backtest lại trendline tăng bắt đầu từ than 12/2022 và việc này sẽ quyết định xu hướng ngắn hạn sắp tới của thị trường. Trong trường hợp chỉ số thành công giành lại kháng cự này, VN-Index sẽ có cơ hội hướng về vùng đỉnh liền kề (quanh mức 1,080 điểm). Ngược lại, chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm về vùng đáy liền kề tháng 02 và 03/2023 (quanh mức 1,020 điểm).
Tích lũy
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Trong ngắn hạn VN-Index đã mất kênh tăng nhưng vẫn duy trì trạng thái đi ngang chặt chẽ (rủi ro trở lại xu hướng downtrend đã giảm xuống) do đó trạng thái thị trường như hiện nay không phù hợp với trường phái lướt sóng ngắn.
Tuy nhiên dưới góc nhìn Trung- Dài hạn VN-Index đang thể hiện trạng thái tích lũy chặt chẽ (VN-Index đang dần hình thành mô hình Nêm), độ rộng của kênh vận động đang ngày càng hẹp lại với khối lượng giao dịch đang giảm thấp đến mức cạn kiệt. Trạng thái tích lũy hiện tại có thể còn kéo dài do tích lũy cạn kiệt là dạng tích lũy tin cậy nhưng cần những động lực mới để bùng nổ tạo thành uptrend. Về vĩ mô có thể thấy giai đoạn hiện tại là giai đoạn rất khó đoạn định, kinh tế toàn cầu tiếp tục khó dự đoán khi các nền kinh tế lớn ngoại trừ Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ suy thoái và rủi ro trên thị trường tài chính tăng cao, kinh tế vĩ mô Việt nam cũng đang đối diện với những khó khăn khi sức mua của nền kinh tế giảm, rủi ro của thị trường bất động sản và trái phiếu chưa được khắc phục.... Do đó, SHS nhận định xu hướng hiện mang tính chất tích lũy sẽ còn tiếp tục kéo dài trước khi thị trường có thể tạo ra một xu hướng (uptrend) thực sự mạnh mẽ.
Với nhận định thị trường như trên, SHS cho rằng các nhà đầu tư ngắn ngạn nên tạm thời hạn chế giao dịch để chờ xác nhận thị trường hồi phục nhằm tránh rủi ro xu hướng tăng ngắn hạn bị thất bại. Thị trường hiện tại vẫn phù hợp cho mục tiêu giải ngân đầu tư nắm giữ trung - dài hạn (đón đầu giai đoạn bùng nổ sau tích lũy), mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là giải ngân dần trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm.
Đi ngang trong vùng 1,030-1,040
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ ngày mai (28/04), VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng 1,030-1,040.
Tích lũy thêm
CTCK Asean (Aseansc): Khả năng thị trường sẽ cần phải tích lũy thêm trước khi có xu hướng rõ ràng hơn. Dự báo trong phiên giao dịch tới (28/04), sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại hỗ trợ 1,030-1,035 điểm và lực bán tại kháng cự 1,040- 1,045 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Ngưỡng kháng cự mạnh 1,050-1,060 điểm
CTCK Bản Việt (VCSC): Dự báo trong phiên ngày mai (28/04), thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index có thể xuất hiện quán tính tăng đầu ngày để kiểm định các kháng cự tại 1,042-1,045 điểm của các đường EMA5, EMA10. Lực bán sau đó có thể được thúc đẩy từ đây và chiếm ưu thế trở lại so với lực mua – có thể bị ảnh hưởng do hiệu ứng nghỉ lễ.
Theo đó, VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày; tuy nhiên, nếu áp lực bán trong nhịp giảm điểm không quá mạnh, thị trường sẽ có khả năng tiếp tục hồi phục sau đó. Ở kịch bản này, ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo sẽ nằm tại 1,050-1,060 điểm.
Điều chỉnh nhẹ
CTCK Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset): VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên. Hỗ trợ hiện tại quanh mốc 1,030-1,020 điểm.
Tiếp tục hồi phục và phân hóa
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục và phân hóa như giai đoạn hiện tại. Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là các nhóm cổ phiếu có đặc thù “đầu cơ” và có câu chuyện hỗ trợ.
Trong ngắn hạn, Yuanta cho rằng mức 1,030 điểm vẫn là mức hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm về vùng quá bán cho nên nhóm cổ phiếu này có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trong vài phiên tới, nhưng CTCK này đánh giá hiệu quả đầu tư trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ở mức thấp trong bối cảnh dòng tiền ngắn hạn vẫn còn yếu.
Xu hướng giằng co và phân hoá tiếp diễn
CTCK Agribank (Agriseco): Hiện tại, các chỉ báo động lượng RSI và MACD cho tín hiệu trung lập báo hiệu xu hướng giằng co và phân hoá nhiều khả năng tiếp diễn với biên độ giao dịch 1,035-1,050 điểm.
Nhà đầu tư cũng lưu ý, mai (28/04) là thời hạn các quỹ ETF tham chiếu theo rổ chỉ số VNDIAMOND hoàn thành cơ cấu danh mục, do đó có thể tác động đến chỉ số trong phiên. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các mã thuộc các nhóm đang thu hút dòng tiền như bất động sản, nhựa, lương thực. Hành động giải ngân mới nên hạn chế trong phiên mai với tỷ trọng cổ phiếu duy trì ở mức an toàn 20% - 30% tài khoản.
Khang Di
FILI
|