Thỏa thuận trần nợ mới của Mỹ chỉ có tác động ngắn hạn?
Tin tốt về việc chính trường Mỹ đạt được một thỏa thuận dự kiến về trần nợ có thể nhanh chóng trở thành tin xấu đối với thị trường tài chính.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ngày 27/05 đã đạt được thỏa thuận dự kiến nhằm nâng trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD của chính phủ liên bang, và điều này có thể giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cũng như bất ổn về kinh tế.
Nhưng thỏa thuận này vẫn còn phải đối mặt với một con đường khó khăn, đó là được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi chính phủ hết tiền để trả nợ vào đầu tháng 06/2023.
Amo Sahota, giám đốc tại KlarityFX, cho rằng tin tức này sẽ khá tốt cho thị trường, đồng thời đây có thể là một lý do nữa để Fed cảm thấy tự tin tăng lãi suất một lần nữa.
Mặc dù có thể giúp giảm bớt mức độ không chắc chắn trên thị trường, song tác động này có thể chỉ trong thời gian ngắn. Đó là bởi vì một khi đạt được thỏa thuận, Bộ Tài chính Mỹ sẽ nhanh chóng lấp đầy kho bạc rỗng của mình bằng việc phát hành trái phiếu để thu hút hàng trăm tỷ đô la tiền mặt từ thị trường.
Theo ước tính gần đây của JPMorgan, việc tăng trần nợ dự kiến được thực hiện bằng việc phát hành gần 1.1 ngàn tỷ USD tín phiếu Chính phủ Mỹ mới trong 7 tháng tới. Nếu đúng, đây rõ ràng là một lượng tín phiếu tương đối lớn được phát hành trong một khoảng thời gian ngắn.
Đợt phát hành trái phiếu này có lẽ sẽ ở mức lãi suất cao hiện nay. Chính vì vậy, nó được cho là sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ của giới ngân hàng, do khoản tiền gửi mà các công ty tư nhân và những người khác nắm giữ sẽ chuyển sang trái phiếu Chính phủ có lợi suất cao hơn và tương đối an toàn hơn.
Nó sẽ càng thúc đẩy làn sóng rút tiền gửi vốn đã phổ biến gần đây, từ đó gây thêm áp lực về thanh khoản, tức là nguồn tiền mặt sẵn có của ngân hàng, đồng thời đẩy lãi suất đối với các khoản vay và trái phiếu ngắn hạn lên cao. Điều này sẽ khiến việc huy động vốn trở nên đắt đỏ hơn đối với những công ty vốn đang quay cuồng với môi trường lãi suất cao hiện nay.
Thierry Wizman, chiến lược gia lãi suất và ngoại hối toàn cầu tại Macquarie, cho biết: “Chắc chắn thị trường tài sản có thu nhập cố định sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng nó vẫn không giải quyết được một vấn đề, đó toàn bộ đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã đi lên gần đây, với dự đoán rằng sẽ có rất nhiều đợt phát hành trái phiếu, tín phiếu trong vài tuần tới vì Bộ Tài chính Mỹ phải bổ sung tiền mặt”.
Alex Lennard, giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản toàn cầu Ruffer, cho biết: “Mối quan tâm của chúng tôi là nếu thanh khoản bắt đầu rời khỏi hệ thống, vì bất kỳ lý do gì, thì điều này sẽ tạo ra một môi trường khiến thị trường dễ bị sụp đổ. Đó là vấn đề mà việc nâng trần nợ gây ra”.
Mike Wilson, chiến lược gia chứng khoán tại Morgan Stanley, cũng đồng tình. Ông cho biết việc phát hành tín phiếu sẽ hút lượng lớn thanh khoản ra khỏi thị trường một cách hiệu quả và có thể là chất xúc tác cho sự điều chỉnh mà họ đã dự báo.
Tuy nhiên, thanh khoản cạn kiệt không phải là điều chắc chắn. Số tín phiếu được phát hành một phần có thể được hấp thụ bởi các quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ. Trong trường hợp này, tác động đối với thị trường tài chính có thể sẽ tương đối ít, Daniel Krieter, giám đốc chiến lược về tài sản có thu nhập cố định tại BMO Capital Markets, nhận định.
Một số chủ ngân hàng cho biết họ lo ngại thị trường tài chính có thể không tính đến rủi ro thanh khoản bị rút cạn từ dự trữ của các ngân hàng.
S&P 500 đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2023, trong khi chênh lệch tín dụng đối với trái phiếu cấp đầu tư và trái phiếu rác đã giảm hoặc chỉ tăng một chút kể từ tháng 01 năm nay.
Scott Schulte, giám đốc điều hành bộ phận thị trường vốn vay của Citigroup, nói: “Các tài sản rủi ro có thể chưa được định giá đầy đủ trước tác động tiềm ẩn của việc thanh khoản trong hệ thống bị thắt chặt khi tín phiếu được phát hành ồ ạt”.
Các chủ ngân hàng hy vọng rằng vấn đề trần nợ sẽ được giải quyết mà không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường, nhưng họ cũng cảnh báo rằng đó là một chiến lược rủi ro.
Kim Dung (Theo Reuters)
FILI
|