Thứ Sáu, 12/05/2023 13:01

Tản mạn mùa đại hội: Tiếng lòng của cổ đông nhỏ

Mùa ĐHĐCĐ năm nay đã trôi qua một cách êm đềm. Nhưng năm nào cũng vậy, vẫn sẽ có chỗ cho những suy nghĩ vẩn vơ và những trăn trở chẳng biết khi nào được giải đáp.

Khoảng thời điểm tháng 3, tháng 4 hàng năm trong mắt các nhà đầu tư chứng khoán có thể sánh với mùa tựu trường. Bởi đó là thời điểm họ, với tư cách là các cổ đông, những người chủ thực sự của doanh nghiệp tề tựu tại các hội trường lớn, tham dự sự kiện lớn nhất trong năm: Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Mùa đại hội, như thường lệ, là thời điểm quan trọng. Bên cạnh chuyện là yêu cầu bắt buộc theo quy định đối với các doanh nghiệp trên sàn, đây cũng là dịp để cổ đông và ban lãnh đạo tiếp xúc, trao đổi về những vấn đề đang diễn ra trong và ngoài doanh nghiệp, để nắm được những kế hoạch, dự định trong năm, hay hiểu hơn những quyết định được HĐQT đưa ra mà cổ đông chưa thể nắm được qua những văn bản khô khan được công bố.

Đại dịch qua đi, thị trường chứng khoán cũng trầm lắng hơn và mùa đại hội năm nay đã trôi qua một cách êm đềm. Một phần cũng có thể vì những cái tên nhiều vấn đề nhức nhối nhất (như FLC, VKC, TDH…) hay những doanh nghiệp đối mặt với áp lực dòng tiền trái phiếu như NVL, PDR, HPX... chưa tổ chức hoặc đã xin gia hạn.

May mắn được tham dự kha khá cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, người viết nhận thấy sự êm đềm bên cạnh những điều thú vị còn xen lẫn những trăn trở chưa biết khi nào thay đổi.

Từ chuyện thêm - bớt cổ tức

Năm 2022 là năm khó khăn, nhưng không có nghĩa doanh nghiệp nào cũng vậy. Vẫn có những nhóm ngành làm ăn khởi sắc, thậm chí là đạt kết quả kỷ lục. Và hiển nhiên với nhóm doanh nghiệp này, điều cổ đông quan tâm khi đi dự đại hội là cổ tức - thứ đánh trực tiếp vào quyền lợi đối với khoản đầu tư của họ - sẽ nhận được là bao nhiêu.

Nhóm hóa chất, phân bón là một trong số đó. Các ông lớn trong ngành đã hưởng lợi rất nhiều từ cơn sốt hàng hóa kéo dài gần 2 năm qua, kéo theo giá phân bón tăng mạnh và mang về mức lợi nhuận kỷ lục. Cũng nhờ thế mà không khí đại hội của nhóm này thường rất vui vẻ, cổ đông háo hức tham gia, trong khi chủ tọa trò chuyện một cách thoải mái gần như toàn thời gian diễn ra đại hội, hay ít nhất là trước khi đến phần thảo luận.

Như phần thảo luận tại đại hội của một ông lớn ngành hóa chất nọ, một cổ đông luống tuổi dường như đã lâu năm đứng dậy phát biểu. Những lời chia sẻ giàu tính hoa mỹ như chứa đầy tâm huyết từ chính bản thân ông được kết thúc bằng câu nói có thể tóm gọn lại là “mong Chủ tịch cân nhắc chia thêm cổ tức cho cổ đông… phấn khởi”. Mà có lẽ vị cổ đông cũng phấn khởi thật, bởi sau cùng thì Chủ tịch và HĐQT đã quyết định đề xuất chia thêm 10% cổ tức tiền mặt và được ĐHĐCĐ nhiệt liệt tán thành.

Cũng phải nói thêm rằng, không phải cổ đông nào cũng may mắn giống vậy. Với những dự đoán về một năm kinh doanh khó khăn, đa phần các doanh nghiệp muốn ưu tiên giữ lại tiền nên đòi hỏi từ cổ đông thường khó lòng được đáp ứng. Câu chuyện ấy không chỉ đúng với ngành hóa chất mà còn rộng ra cả những ngành nghề khác nữa.

Chẳng hạn tại đại hội một công ty chứng khoán, nhiều cổ đông chất vấn về việc tại sao chia cổ tức bằng cổ phiếu, trong bối cảnh doanh nghiệp này đã có hơn 580 triệu cp lưu hành ở mức giá chưa tới 10 ngàn đồng. Doanh nghiệp năm qua vẫn làm ăn có lãi (dù giảm so với cùng kỳ), nên nhiều cổ đông có mong muốn được chia bằng tiền mặt, còn cổ phiếu thì đợi… giá hồi rồi chia là vừa. Yêu cầu này không được đáp ứng với lý do là phương án đã được “ban lãnh đạo tính toán kỹ lưỡng”.

Rồi cũng có trường hợp cổ đông đề đạt nguyện vọng không nhận cổ tức. Như tại đại hội của một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam, HĐQT trình thông qua mức cổ tức 5% - tương đương 500 đồng cho mỗi cổ phiếu sở hữu - đã có cổ đông nêu ý kiến rằng thay vì chia “không đáng” như vậy, hãy sử dụng số tiền ấy mua lại cổ phiếu quỹ, là một cách mang lại nhiều giá trị hơn cho cổ đông.

Đề xuất của cổ đông này, nhìn ở một số góc độ, cũng có phần hấp dẫn, bởi mức 5% quả là chẳng thấm vào đâu so với thị giá gần 40,000 đồng/cp trên thị trường của Doanh nghiệp. Có điều, chuyện mua cổ phiếu quỹ cần phải có lộ trình, không phải muốn mua là được nên chủ tọa đã từ chối. Và xét cho cùng, các cổ đông của đơn vị này cũng chẳng phải quá buồn vì dù sao được ít cũng còn hơn là không được gì.

Đến chuyện quà tặng cho cổ đông

Quà tặng cũng là câu chuyện rất được quan tâm trong mùa đại hội, nhất là khi năm trước đã có một ngân hàng từng tặng cho cổ đông tham dự mỗi người nửa chỉ vàng.

Mùa đại hội năm nay vẫn có những doanh nghiệp chịu chi, đặc biệt là có ngân hàng thậm chí tặng tiền kèm quà mang về. Trường hợp khác là một doanh nghiệp dầu khí nọ vì làm ăn tốt mà tặng cổ đông loạt voucher đổ xăng đầy thiết thực. Hay có một số doanh nghiệp sẵn sàng mời cổ đông ở lại dùng bữa trưa, để ăn mừng hoặc trò chuyện sâu hơn về những vấn đề chưa được làm rõ tại đại hội.

Nhưng phần lớn các ngành khác, doanh nghiệp chỉ dừng lại ở bữa ăn nhẹ. Có doanh nghiệp thì gửi cổ đông chai nước, chiếc bánh, trái quýt hay thậm chí là chẳng có gì. Bản thân ngân hàng từng tặng vàng cho cổ đông nay cũng chuyển sang bộ ly uống nước…

Chuyện tặng quà cổ đông cũng lắm bi hài. Mùa đại hội năm nay, hẳn sẽ có những cổ đông thấm thía cái cảnh “chia tách quyền lợi” theo số lượng cổ phần nắm giữ, bất kể quy định không phân biệt. Đơn cử, một công ty ngành nông nghiệp gây tranh cãi với phần quà tri ân gồm 100kg gạo và 12 chai nước mắm chỉ dành cho các cổ đông nắm giữ 25,000 cp trở lên. Tại đại hội, một cổ đông nắm giữ 11,000 cp (vị này tự nhận) đứng dậy thể hiện quan điểm hết sức gay gắt, cho rằng như vậy là phân biệt cổ đông, và thay vì vậy hãy chia cho mỗi người tham dự 10kg gạo. Trước phản ứng này, ban lãnh đạo chia sẻ mức 25,000 cp là “đã qua tính toán”, còn quyết định sau cùng vẫn vậy, kèm lời hứa “sẽ cân nhắc” vào các đại hội sau.

Một trường hợp khác về một doanh nghiệp xây dựng. Trước đại hội, có lẽ do sợ không có đủ cổ đông tham dự để đủ điều kiện tổ chức, Doanh nghiệp đã bất ngờ tung “chiêu” đầy thú vị là tặng tiền cho các cổ đông nhắn tin xác nhận tham dự (trường hợp không tới sẽ mặc định ủy quyền cho ban chủ tọa). Nhưng không phải cổ đông nào cũng có tiền, vì theo quan sát của người viết, có trường hợp cổ đông nắm 10 cp đã không được gì dù có nhắn tin và được xác nhận. Và dù tung ra “chiêu độc”, đại hội của đơn vị này đã bất thành lần 1 vì không đủ lượng cổ phần tham dự.

Chuyện muôn thuở: Dài và buồn ngủ

Cảm nhận cuối cùng, cũng là chuyện muôn thuở diễn ra tại bao kỳ đại hội, chính là về các quy trình tổ chức.

Trải qua bao mùa đại hội, quy trình để tổ chức một ĐHĐCĐ dường như đã được chuẩn hóa, với các hạng mục tương tự nhau ở hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng đôi khi, cái gọi là quy chuẩn ấy chưa hẳn đã thực sự thân thiện với cổ đông tham dự.

Có thể lấy ví dụ là việc đọc các báo cáo tại đại hội. Thực tế, tài liệu đã được doanh nghiệp công bố từ trước khi đại hội diễn ra theo quy định, nhưng việc đọc lại các tờ trình vẫn chiếm phần lớn quỹ thời gian của đại hội.

Trong khi đó, phần thảo luận - vốn là cơ hội để cổ đông và ban lãnh đạo có sự tương tác, thấu hiểu - thì ngược lại, chỉ kéo dài khoảng 30 phút. Cũng có doanh nghiệp cho phép thảo luận tới 1h đồng hồ, nhưng số lượng không nhiều. Thời gian thảo luận eo hẹp cũng dẫn đến chuyện không phải thắc mắc nào của cổ đông cũng được giải đáp. Những thắc mắc còn lại được ban lãnh đạo gói gọn bằng câu nói “sẽ trả lời sau bằng văn bản”.

Thậm chí có những doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty chỉ tổ chức trực tuyến, phần thảo luận có thể bị cắt ngắn đến thảm thương. Như trường hợp của một doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp mà người viết tham dự, sau 5 phút thảo luận mà chưa ai (kịp) đặt câu hỏi, doanh nghiệp đã vội chuyển sang phần bỏ phiếu trong sự ngơ ngác của cổ đông. Điều trớ trêu là suốt thời gian diễn ra đại hội, doanh nghiệp này nghỉ giải lao 2 lần, mỗi lần từ 10-30 phút?!

Có trường hợp khác tương đối thú vị, liên quan đến một doanh nghiệp ngành dầu khí. Ban tổ chức đại hội này dường như đã xác định sẵn ai đến tham dự nên đã rất ngạc nhiên khi có một cổ đông chưa đăng ký trước xuất hiện. Và dường như cũng bởi đã xác định sẵn các đối tượng tham dự nên đại hội này… bỏ qua luôn phần thảo luận.

Tuy vậy, không phải đại hội nào cũng thế. Đã có những doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn cổ phần Nhà nước) xin cổ đông bỏ qua việc phải “đọc lại” tờ trình. Doanh nghiệp cũng thấu hiểu sự rườm rà trong quy trình và cắt gọn để tiết kiệm thời gian cho các cổ đông - những người về mặt lý thuyết cũng là chủ sở hữu doanh nghiệp của họ.

Hồng Đức

FILI

Các tin tức khác

>   Những bài học khôn ngoan từ đại hội Berkshire Hathaway (07/05/2023)

>   Warren Buffett: "Cơ hội đầu tư giá trị xuất hiện khi kẻ khác làm điều ngu ngốc" (06/05/2023)

>   Cách Warren Buffet tạo nên hiệu suất 3,787,464% (05/05/2023)

>   Điều gì giúp danh mục của Warren Buffett thành công? (05/05/2023)

>   Đằng sau màn đánh cược của Warren Buffett vào cổ phiếu Nhật Bản (03/05/2023)

>   Warren Buffett sẽ đánh bại thị trường trong các thời kỳ suy thoái? (02/05/2023)

>   Warren Buffett sẽ đánh bại thị trường trong các thời kỳ suy thoái? (02/05/2023)

>   Tài tử “Deadpool” Ryan Reynolds tiết lộ chiến lược đầu tư giúp anh trở thành triệu phú (19/04/2023)

>   6 mẹo dùng tiền của Warren Buffett (17/04/2023)

>   Warren Buffett tiết lộ lý do bất ngờ bán cổ phần tại TSMC (14/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật