Sản lượng xây lắp các dự án cao tốc Bắc-Nam mới đạt 2,4% giá trị hợp đồng Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam mới gần 2.400 tỉ đồng, đạt 2,4% giá trị hợp đồng và khối lượng giải ngân mới đạt 391 tỉ đồng. Có 5 dự án thành phần gồm Bãi Vọt-Hàm Nghi; Hàm Nghi-Vũng Áng; Quy Nhơn-Chí Thạnh; Vân Phong-Nha Trang; Cần Thơ-Hậu Giang chưa giải ngân được.
Co tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Ảnh: Minh Duy |
TTXVN dẫn thông tin về tiến độ giải ngân dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tính đến nay, tổng vốn đã giải ngân cho dự án đạt hơn 13.600 tỉ đồng, đạt 30% kế hoạch vốn năm 2023.
Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng giải ngân gần 3.400 tỉ đồng (đạt 23%); tư vấn, quản lý dự án, chi phí khác giải ngân 658 tỉ đồng (đạt 51%); công tác xây lắp giải ngân hơn 9.600 tỉ đồng, đạt 33%.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, 5 tháng đầu năm sản lượng thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam mới đạt gần 2.400 tỉ đồng, tương đương 2,4% giá trị hợp đồng. Trong số này khối lượng giải ngân mới đạt 391 tỉ đồng.
Trong khi đó, giá trị cần hoàn thành để đảm bảo mục tiêu giải ngân là rất lớn. Năm 2023 tổng giá trị khối lượng xây lắp cần giải ngân lên đến hơn 29.000 tỉ đồng.
Có 5 dự án thành phần gồm Bãi Vọt-Hàm Nghi; Hàm Nghi-Vũng Áng; Quy Nhơn-Chí Thạnh; Vân Phong-Nha Trang; Cần Thơ-Hậu Giang chưa được giải ngân do việc hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh toán chậm, quy trình nghiệm thu, thanh toán kéo dài.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan như mặt bằng được bàn giao không liên tục, thủ tục cấp mỏ vật liệu đắp (đất, cát) cho nhà thầu khai thác còn vướng mắc, lý do khiến tiến độ triển khai chưa đạt được kỳ vọng còn do một số nhà thầu có tâm lý chờ đủ mặt bằng và có nguồn vật liệu từ cấp mỏ khai thác mới triển khai thi công, chưa chủ động huy động trạm trộn bê tông để thi công các cấu kiện, dầm cầu, cống.
Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông (CT01) giai đoạn 2 (2021-2025) gồm 25 dự án thành phần có tổng chiều dài 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Dự án gồm các đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị 267 km; Quảng Ngãi-Nha Trang 353 km; Cần Thơ-Cà Mau 109 km, có tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỉ đồng.
Đã có 12/25 dự án thành phần được khởi công ngày 1-1-2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
|
N.Tân TBKTSG
|