Ông Bùi Kiến Thành: Tín dụng tiêu dùng nhìn từ mô hình Mỹ LTS: Dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm trên 20% tổng dư nợ nền kinh tế, xấp xỉ dư nợ tín dụng bất động sản, đó chưa phải là một con số ấn tượng khi mà tỷ trọng này ở các nền kinh tế phát triển có thể lên tới 40%. Tiềm năng phát triển tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn và trong thời gian tới nó có thể trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Vậy nhưng, trước khi chạm tới giấc mơ tươi sáng đó, chúng ta sẽ phải đối diện và giải quyết rất nhiều vấn đề đã, đang và sẽ tồn tại, phải hội nhập với các chuẩn mực quốc tế trong quản lý tín dụng tiêu dùng. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành xung quanh các nội dung này.
KTSG: Thưa ông, trong giai đoạn 2010-2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đạt gần 34%, gần gấp đôi tăng trưởng tín dụng cho toàn nền kinh tế. Trong năm 2021, số liệu thống kê từ FiinGroup cho thấy, các khoản cho vay tài chính tiêu dùng đạt 67 tỉ đô la Mỹ, nhưng sản phẩm mua ngay trả sau ở Việt Nam mới đạt 500 triệu đô la Mỹ. Phải chăng vẫn còn một sự lệch pha khi dòng tín dụng tiêu dùng chưa được thị trường bán lẻ hấp thụ trực diện, trực tiếp? Xin ông phân tích cụ thể…
Người tiêu dùng Mỹ có nhu cầu mua sắm bất cứ loại sản phẩm nào đều không phải lo lắng về việc tìm đến một ngân hàng nào để vay tiền mà vấn đề được dàn xếp ngay tại nơi mua hàng. Tất nhiên, muốn làm được như vậy, cả ngân hàng, tổ chức phát hành thẻ tín dụng và đơn vị bán hàng đều phải nắm được hệ số tín nhiệm tín dụng cá nhân (credit rating) của người mua hàng. |
Ông Bùi Kiến Thành. |
– Ông Bùi Kiến Thành: Thực trạng này nằm ở vấn đề tổ chức. Ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng chưa phát triển vì hệ thống phát triển tín dụng tiêu dùng chưa được hình thành. Ở Mỹ, trung bình mỗi người dân có ba thẻ tín dụng, do các ngân hàng hay công ty tài chính tiêu dùng phát hành. Việc tiêu dùng hàng ngày được thực hiện thông qua thẻ tín dụng, hầu như không sử dụng tiền mặt.
Chẳng hạn, đầu tháng, một người đàn ông muốn mua năm chiếc áo sơ mi trị giá 300 đô la, anh ta trả bằng thẻ tín dụng. Điểm bán hàng giao sản phẩm và được trả tiền ngay thông qua các tổ chức phát hành thẻ tín dụng. Đến cuối tháng, các tổ chức phát hành thẻ tín dụng thu tiền lại từ khoản lương người đàn ông này được nhận qua tài khoản ngân hàng. Dòng chảy tín dụng tiêu dùng diễn ra hàng ngày, hàng giờ theo cách như vậy, để đáp ứng từ nhu cầu thưởng thức một cốc cà phê tới mua sắm nhu yếu phẩm của người dân Mỹ.
Khi người dân Mỹ muốn mua những tài sản lớn hơn, ví dụ như một cái tủ lạnh 500 đô la hay một chiếc ô tô 7.000 đô la, quy trình cũng diễn ra như vậy. Họ đến điểm bán hàng, chọn sản phẩm mình muốn mua, xuất hóa đơn, quẹt thẻ tín dụng và được hỗ trợ lập ra ngay tại điểm bán hàng một hợp đồng tín dụng mua tô tô, thanh toán trong thời hạn 12-18 tháng chứ không cần đến ngân hàng. Những điểm bán hàng có sự dàn xếp với ngân hàng hay các tổ chức phát hành thẻ tín dụng, để có thể hỗ trợ người mua và giải ngân khoản vay ngay lập tức qua thẻ tín dụng.
Cả nền kinh tế kết nối với nhau, từ người mua tới điểm bán hàng, cho tới các ngân hàng, tổ chức phát hành thẻ tín dụng. Người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm bất cứ loại sản phẩm nào đều không phải lo lắng về việc tìm đến một ngân hàng nào để vay tiền mà vấn đề được dàn xếp ngay tại nơi mua hàng. Tất nhiên, muốn làm được như vậy, cả ngân hàng, tổ chức phát hành thẻ tín dụng và đơn vị bán hàng đều phải nắm được hệ số tín nhiệm tín dụng cá nhân (credit rating) của người mua hàng.
Không chỉ ở Mỹ, ở các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, châu Âu…, mỗi cá nhân đều có một đánh giá hệ số tín nhiệm tín dụng. Tất cả các nhà bán hàng, từ các cửa hàng thực phẩm, siêu thị đồ gia dụng, các nhà bán ô tô… đều có thể tiếp cận hệ số đó, để biết được mỗi khách hàng của họ có mức độ tín nhiệm tín dụng ra sao, có thể đáp ứng được những khoản vay trị giá thế nào.
Nếu hệ số tín nhiệm ở mức báo động, chẳng hạn, khó thanh toán những khoản vay từ 5.000 đô la, họ sẽ không được mua trả chậm những sản phẩm hàng hóa có mức giá vượt quá giới hạn này. Như vậy, hệ số tín nhiệm tín dụng cũng là một thông tin để người bán biết khả năng chi trả của khách hàng, và họ cũng phải chia sẻ rủi ro với quyết định bán hàng của họ.
Tại Việt Nam, khi kiến thức tài chính nói chung của người dân chưa ở mức cao, nên cân nhắc đưa ra những quy định về những mức trần lãi suất dư nợ quá hạn và lãi suất cho lãi quá hạn chưa thanh toán. Còn đối với những người dân gặp khó khăn, cần phải tìm đến các khoản vay đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, chúng ta nên tổ chức một hệ thống tín dụng khác, với quy định về mức lãi suất mang tính hỗ trợ, thông qua công đoàn và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. |
Việt Nam chưa có một hệ thống tổ chức như vậy. Nếu không xác định được mức độ tín nhiệm của người đi vay là thấp hay cao, mức độ rủi ro của các khoản vay thế nào thì sẽ rất khó cho vay. Hoặc sẽ xảy ra vấn nạn khiến cả xã hội bức xúc, một số ngân hàng thương mại phát triển thẻ tín dụng, chèo kéo khách hàng đi vay thông qua tin nhắn quảng cáo, mạng xã hội.
Rất nhiều người đi vay không hiểu rõ các quy định của khoản vay, trách nhiệm trả nợ nên rơi vào tình trạng phải trả gấp nhiều lần dư nợ đi vay mà vẫn mang nợ. Do người vay có năng lực tín dụng thấp, việc đòi nợ bị biến tướng, đối tượng đòi nợ gây áp lực khiến những người thân của người vay tiền buộc phải trả nợ cùng để được sống yên ổn.
KTSG: Những vấn nạn liên quan tới việc đòi nợ thuê, tình trạng các khoản vay chịu mức lãi suất và phí cao đến mức người đi vay cảm giác bị lừa đã được truyền thông phản ánh. Và dù buộc phải thừa nhận “tiên trách kỷ”, người đi vay đã không nắm rõ được các thông tin liên quan tới khoản vay và khả năng trả nợ, sự khốn khổ của những người thu nhập thấp buộc phải tìm đến tín dụng tiêu dùng rồi rơi vào vòng nợ nần không dứt với số tiền lớn hơn dư nợ gốc gấp nhiều lần là một thực trạng nhức nhối. Ông đã đề cập đến vấn đề tín nhiệm tín dụng cá nhân, nhưng liệu còn vấn đề nào khác liên quan việc hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động cho vay tiêu dùng?
– Về lãi suất, đã có những quy định trong Bộ luật Dân sự, các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng tiêu dùng… giới hạn mức lãi suất được phép. Cho vay nặng lãi là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp năm lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 điều 468 của Bộ luật Dân sự, tức là cho vay với mức lãi suất 100%/năm trở lên.
Vấn đề không nằm ở việc cho vay nặng lãi mà ở quy định phạt chậm trả nợ. Khoản 1, điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu phải có nội dung về mức lãi suất theo tỷ lệ phần trăm/năm, lãi suất áp dụng với dư nợ gốc bị quá hạn, lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả, loại phí và mức phí áp dụng với khoản vay…
Thế nhưng, thực tế là người đi vay hầu như không nắm được các thông tin này, có trường hợp còn không tiếp cận với hợp đồng vay của chính mình. Thị trường tài chính tiêu dùng đang ngày càng mở rộng, vậy nên, việc giáo dục kiến thức cho người dân là rất cần thiết, có thể thông qua tài liệu hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, thông qua các hội đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…
Thứ hai là mức lãi suất áp dụng với dư nợ gốc quá hạn và lãi chậm trả. Nếu mức phạt là 100%/năm hay còn hơn nữa, việc người đi vay phải trả vài lần hay vài chục lần nợ gốc mà vẫn chưa hết nợ là điều có thể xảy ra. Thông thường, mức lãi suất này sẽ thay đổi tùy theo thời gian quá hạn nợ nhưng ngay tại Mỹ, theo tôi được biết, cũng không có giới hạn trần cho mức lãi suất này.
Khác với Việt Nam, ở Mỹ, pháp luật có quy định về phá sản cá nhân. Khi người đi vay bị quá hạn trả nợ đến một thời gian nhất định, tự họ nhận thấy không có khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ, họ có thể nộp đơn xin phá sản cá nhân. Từ thời điểm này, các khoản vay và lãi các khoản vay sẽ đóng băng, phương án cơ cấu nợ cho họ sẽ được thực hiện, đảm bảo người cho vay thu hồi được tối đa nợ còn người đi vay sẽ thực hiện được tốt nhất trách nhiệm nợ của mình.
Tại Việt Nam, khi kiến thức tài chính nói chung của người dân chưa ở mức cao, nên cân nhắc đưa ra những quy định về những mức trần lãi suất dư nợ quá hạn và lãi suất cho lãi quá hạn chưa thanh toán. Còn đối với những người dân gặp khó khăn, cần phải tìm đến các khoản vay đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, chúng ta nên tổ chức một hệ thống tín dụng khác, với quy định về mức lãi suất mang tính hỗ trợ, thông qua công đoàn và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp.
KTSG: Như vậy, trước mắt, Việt Nam nên xây dựng một hệ thống đánh giá tín nhiệm tín dụng cá nhân? Người Mỹ thực hiện việc này như thế nào và liệu ông có gợi ý nào cho Việt Nam?
– Ở Mỹ, các công ty xếp hạng tín nhiệm tín dụng cá nhân dựa trên thông tin từ trung tâm dữ liệu tín dụng, là nơi nhận được báo cáo từ những người cho vay và các nguồn khác, để thực hiện đánh giá tín nhiệm tín dụng với từng cá nhân. Mỗi người Mỹ trưởng thành sẽ có một hồ sơ tín nhiệm tín dụng cá nhân.
Hai hệ thống chấm điểm tín nhiệm tín dụng cá nhân phổ biến ở Mỹ là FICO, với thang điểm từ 300-850, và VantageScore với thang điểm từ 501-990.
FICO đánh giá dựa trên năm thông số đầu vào gồm: lịch sử thanh toán, tỷ lệ sử dụng tín dụng hoặc số tiền nợ, lịch sử tín dụng, nguồn tín dụng và tín dụng mới. VantageScore dựa trên lịch sử thanh toán, độ tuổi, tỷ lệ sử dụng tín dụng, tổng số dư/nợ, tín dụng mới, tín dụng khả dụng.
Vì hồ sơ tín dụng cá nhân được làm một cách tự động nên xảy ra trường hợp thông tin trong hồ sơ tín dụng của một người không chính xác. Người đó cần liên lạc với các tổ chức xếp hạng để “làm sạch” thông tin tín dụng và Mỹ có những quy định với việc này.
Nếu Việt Nam muốn có một hệ thống đánh giá tín nhiệm tín dụng cá nhân, chúng ta phải cân nhắc liệu có nên chọn mô hình của Mỹ – để các công ty tự động đánh giá hay là thành lập những tổ chức riêng biệt chuyên thực hiện việc này. Muốn đánh giá được lại phải dựa trên thông tin tín dụng, vậy thì, trung tâm thông tin này sẽ là một doanh nghiệp hay một đơn vị trực thuộc hiệp hội liên quan tới vấn đề phát triển tín dụng tiêu dùng?
Các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định về quyền tiếp cận thông tin giao dịch của người tiêu dùng đã phù hợp cho việc đánh giá này hay chưa và nếu cần thì phải sửa đổi như thế nào? Khi đã thực hiện được phần nào những yêu cầu trên thì phải xác định tiếp những khoản vay nào cần có hồ sơ tín nhiệm tín dụng cá nhân?
Tại Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt vẫn rất phổ biến, thế nên, đánh giá tín nhiệm tín dụng cá nhân, nếu muốn thực hiện, phải song song với việc thúc đẩy giao dịch, thanh toán không tiền mặt. Tóm lại, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn cần phải nghiên cứu xem các nước trên thế giới thực hiện như thế nào để chọn được cách thức và lộ trình phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.
Hoàng Hạnh TBKTSG
|