Thứ Ba, 09/05/2023 19:28

NHNN sẽ 'can thiệp sớm' khi Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Ngân hàng Nhà nước sẽ “can thiệp sớm” khi một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả, hoặc có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ.

Chiều 9/5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đọc tờ trình Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), chiều 9/5

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay dự thảo luật gồm 13 chương, với 195 điều. Đáng chú ý, bà Hồng cho hay trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank và Signature Bank (Mỹ), dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt, gây nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống.

Trường hợp được “can thiệp sớm” là khi một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả. Ngân hàng có lỗ luỹ kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này.

“Cho vay đặc biệt” với lãi suất 0% một năm là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này. Cạnh đó, dự thảo bổ sung thẩm quyền NHNN trong việc hạn chế quyền quyết định hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp quy định của việc can thiệp sớm để phản ánh đúng bản chất.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, can thiệp sớm theo quy định của dự thảo luật thực chất là xử lý tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ chứ không phải từ những dấu hiệu cảnh báo khó khăn.

“Các biện pháp can thiệp sớm chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn để khắc phục vấn đề trong khi sử dụng gián tiếp nhiều nguồn lực của Nhà nước” - ông Thanh nói và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế phát biểu tại thảo luận ngày 9/5

Thừa nhận “khoản vay đặc biệt” là biện pháp cần thiết, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng dự thảo Luật chưa quy định cụ thể thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, từ đó khó xác định được thời gian của khoản vay này.

Từ nhận định này, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt là 0%.

“Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của NHNN và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt” - ông Thanh nói thêm.

Riêng trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế đánh giá các biện pháp nêu tại dự thảo luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ “bên ngoài” (chủ yếu từ NHNN) mà chưa có những biện pháp “tự thân” của tổ chức tín dụng.

Đi kèm với hỗ trợ từ phía NHNN là quy định về việc được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng. Điều này có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại, làm hạn chế động lực phải khắc phục ngay khó khăn trước mắt cũng như có những giải pháp ổn định trong lâu dài của tổ chức tín dụng.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa nội dung này. Đồng thời làm rõ trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát của NHNN đối với việc triển khai các phương án với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.

NHNN được quyền điều tra vi phạm về ngân hàng

Mục tiêu quan trọng của Luật này, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nhằm bổ sung quy định để kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt…

“Việc xây dựng Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của NHNN, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo” - bà Hồng nói.

Dự thảo luật bổ sung quy định mới tại Điều 191 về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát. Theo đó, NHNN được quyền “điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng” và Thanh tra Chính phủ “thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật”.

Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với trách nhiệm cụ thể.

“Có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ bổ sung thẩm quyền của NHNN về điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát để tương ứng với thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ SeABank: Đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 25,903 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 5,633 tỷ đồng (09/05/2023)

>   Làm sao để doanh nghiệp hạn chế vi phạm trong vay trả nợ nước ngoài? (09/05/2023)

>   NHNN: Dỡ bỏ công cụ hạn mức tín dụng cần có lộ trình (09/05/2023)

>   Sacombank đề nghị xử lý người đưa tin sai sự thật (09/05/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng cường giám sát hoạt động thu hồi nợ (09/05/2023)

>   Chủ tịch Louis Holdings phủ nhận thao túng chứng khoán (09/05/2023)

>   Ngân hàng bàn chuyện đổi tên, chuyển sàn (09/05/2023)

>   Ngân hàng “gỡ khó” cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (08/05/2023)

>   Đầu tháng 5, lãi suất tiền gửi tiếp tục hạ nhiệt  (09/05/2023)

>   FE Credit có Tổng Giám đốc mới (08/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật