Làm sao để doanh nghiệp hạn chế vi phạm trong vay trả nợ nước ngoài?
Thực hiện đầy đủ và đúng trách nhiệm, nhiệm vụ của doanh nghiệp trong việc vay trả nợ nước ngoài không chỉ giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn mà còn hạn chế những sai phạm phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết xét ở góc độ nguồn vốn, nguồn vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp (không được Chính phủ bảo lãnh) tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới công nghệ và sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đây là nguồn vốn hỗ trợ quan trọng, cùng với nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển.
Nguồn vốn vay nước ngoài là nguồn vốn bằng ngoại tệ, vì vậy, ở góc độ quản lý cần được đặc biệt quan tâm để đảm bảo nguồn vốn vay sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và đảm bảo các yêu cầu về quản lý ngoại hối, an ninh tiền tệ quốc gia cũng như mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo đó, việc yêu cầu các đơn vị có liên quan: doanh nghiệp vay vốn; ngân hàng cung ứng dịch vụ ngoại hối và cơ quan quản lý nhà nước tuân thủ đúng quy định về vay trả nợ nước ngoài là cần thiết và có vai trò quan trọng.
Nhằm giúp doanh nghiệp hạn chế những sai phạm phát sinh trong vay trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh theo Thông tư 12/2022/TT-NHNN, bài viết mang tới giải đáp cần thiết về những nội dung cơ bản đối với doanh nghiệp, giúp họ tránh mắc lỗi do chưa nắm rõ quy định về yêu cầu phải thực hiện đăng ký xác nhận khoản vay, dẫn đến việc rút vốn, trả nợ vay không đúng quy định.
Khoản vay nào phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước?
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 12/2022/TT-NHNN, đối tượng các khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước cụ thể như sau:
"1. Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
2. Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
3. Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên".
Khái niệm về khoản vay ngắn hạn hay khoản vay trung, dài hạn tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Thông tư 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014:
“1. Khoản vay ngắn hạn nước ngoài tự vay, tự trả (sau đây gọi là khoản vay ngắn hạn nước ngoài) là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn đến một (01) năm.
2. Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài tự vay, tự trả (sau đây gọi là khoản vay trung, dài hạn nước ngoài) là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn trên một (01) năm”.
Cách tính thời hạn khoản vay để xác định nghĩa vụ đăng ký Công ty tham khảo quy định tại Điều 12 Thông tư 12/2022/TT-NHNN:
“1. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày dự kiến rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài.
2. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận gia hạn vay nước ngoài.
3. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng”.
Về chuyển tiền thực hiện khoản vay nước ngoài, ông Lệnh lưu ý doanh nghiệp việc thực hiện khoản vay nước ngoài liên quan đến các khoản vay nước ngoài thuộc đối tượng phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước như sau: Theo Khoản 2 Điều 32 Thông tư 12/2022/TT-NHNN quy định:
“2. Đối với các khoản vay nước ngoài phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, bên đi vay chỉ được thực hiện rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài sau khi khoản vay được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi, trừ trường hợp:
a) Rút vốn, trả một phần nợ gốc và lãi trong năm đầu tiên của khoản vay thuộc đối tượng đăng ký quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Thông tư này. Đối với các khoản vay ngắn hạn được ký thỏa thuận gia hạn thành trung, dài hạn trong thời gian 12 tháng tính từ ngày rút vốn đầu tiên, kể từ ngày ký thỏa thuận gia hạn, việc rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) khoản vay chỉ được tiếp tục thực hiện sau khi khoản vay được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký. Bên đi vay có trách nhiệm thông báo với Ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản về việc khoản vay ngắn hạn đã được ký thỏa thuận gia hạn thành khoản vay trung, dài hạn;
b) Rút vốn khoản vay phát sinh từ thỏa thuận vay nước ngoài để chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư thành vốn vay nước ngoài”.
Như vậy, các công ty lưu ý đối với những khoản vay trung, dài hạn nước ngoài (có thời hạn dài hơn 1 năm), công ty phải được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký khoản vay mới được thực hiện rút vốn vay (việc rút vốn vay theo tiến độ rút vốn đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận).
Hàn Đông
FILI
|