Ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu về một cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ
Ngay khi căng thẳng của lĩnh vực ngân hàng khu vực ở Mỹ có vẻ bắt đầu dịu xuống, thì ngân hàng First Republic Bank lại trở thành tiêu điểm trên các mặt báo, khiến mối lo ngại về nỗi đau trong hệ thống cho vay gia tăng.
Tính đến hết tuần trước, các ngân hàng đã tăng khoản vay khẩn cấp từ Fed trong tuần thứ hai liên tiếp, một dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng đang diễn ra trong hệ thống. Trước đó, Fed chi nhánh New York đã báo cáo rằng các điều kiện tài chính trong khu vực của họ đã xấu đi một cách nghiêm trọng.
Tất cả tín hiệu này một lần nữa dấy lên mối lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng tín dụng đang diễn ra, và nó khiến kế hoạch cho cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới càng trở nên phức tạp. Các quan chức sẽ phải tìm ra cách cân bằng các rủi ro của việc thắt chặt chính sách với lạm phát cao.
Dưới đây là 6 biểu đồ giúp giải thích lý do hoạt động đi vay ngày càng khó khăn ở Mỹ.
Hoạt động cho vay suy giảm
Amanda Lynam, Giám đốc nghiên cứu tín dụng vĩ mô tại BlackRock Financial Management, gần đây cho biết: “Hoạt động cho vay của các ngân hàng Mỹ dự kiến giảm trong vài quý tới”. Những trở ngại đối với khả năng sinh lời, bao gồm chi phí tiền gửi cao hơn, đã khiến chênh lệch tín dụng của các ngân hàng thấp hơn các tổ chức phi tài chính.
Lợi suất trái phiếu của ngân hàng thấp hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư
Cung tiền
Nguồn cung tín dụng sẵn có gặp vấn đề do cung tiền bị thu hẹp, một dấu hiệu cho thấy việc Fed tăng lãi suất đột biến đang khiến dòng tiền thoát khỏi hệ thống ngân hàng và làm giảm khả năng cho vay. Điều đó có thể khiến nền kinh tế chậm lại. Các nhà kinh tế tiền tệ cho rằng nó có thể là điềm báo về một sự sụp đổ và giảm phát.
Fed chi nhánh Dallas và Fed chi nhánh San Francisco từng báo cáo về áp lực huy động vốn ở các khu vực của họ, trong đó, các dự án bị hủy bỏ và các khoản nợ xấu dự kiến tăng lên.
Cung tiền đang giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1960
Yếu tố bất lợi trong tiêu dùng
Các ngân hàng Mỹ đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 cho biết họ đã tăng dự phòng đối với các khoản cho vay tiêu dùng khó đòi lên mức chưa từng thấy kể từ những ngày đầu của đại dịch. Đơn cử, Capital One Financial Corp. đã tăng dự phòng rủi ro thẻ tín dụng hơn 300% so với một năm trước đó lên 2.26 tỷ USD. Các ngân hàng thường nói rằng việc tăng trích lập dự phòng này chỉ là do người tiêu dùng quay trở lại trạng thái như trước đại dịch.
Các ngân hàng Mỹ đang tăng mạnh trích lập dự phòng (Đvt: tỷ USD)
Vấn đề về bất động sản văn phòng
Capital One cũng dành nhiều tiền hơn để trích lập dự phòng cho các khoản vay liên quan tới bất động sản văn phòng trong bối cảnh số lượng vị trí tuyển dụng tăng lên và nhiều công nhân chọn làm việc tại nhà. Morgan Stanley từng ước tính rằng định giá bất động sản văn phòng có thể giảm tới 40% từ đỉnh xuống đáy, làm tăng nguy cơ vỡ nợ.
Một áp lực khác mới xuất hiện trên thị trường tín dụng là các khoản vay có đòn bẩy. Nguyên nhân là những doanh nghiệp có khoản nợ lãi suất thả nổi đang phải vật lộn để theo kịp với chi phí đi vay cao hơn.
Ngân hàng là tổ chức cung cấp tín dụng lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ và văn phòng
Vỡ nợ nhiều hơn
Số lượng khoản vay đang được giao dịch ở mức giá dưới 80% mệnh giá đã tăng 26% lên khoảng 127 tỷ USD kể từ cuối tháng 02/2023, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Với trái phiếu, con số này là 10% lên khoảng 488 tỷ USD.
Armen Panossian và Danielle Poli, Giám đốc của Oaktree Capital Management LP, cho biết: “Chúng tôi tin rằng thị trường cho vay (trước đây có tỷ lệ vỡ nợ thấp hơn so với thị trường trái phiếu lãi suất cao) sẽ ghi nhận tỷ lệ vỡ nợ cao hơn trong chu kỳ này”.
Tỷ lệ vỡ nợ được dự báo tăng đặc biệt nhanh trên thị trường cho vay có đòn bẩy
Tần suất ban lãnh đạo bàn về tín dụng
Giám đốc điều hành của các doanh nghiệp trên toàn thế giới đều đang nói về tín dụng với tần suất cao nhất kể từ khi đại dịch xảy ra, theo dữ liệu do Bloomberg News tổng hợp. Một số cái tên như ông John Weinberg, giám đốc điều hành của Evercore Inc., đã lưu ý đến việc số lượng doanh nghiệp tái cấu trúc và quản lý nợ doanh nghiệp gia tăng. Phó chủ tịch phụ trách quan hệ nhà đầu tư của Peabody Energy Corp., Karla Kimrey, nói rằng công ty đã định vị để tránh kịch bản thị trường tín dụng rơi vào tình trạng không chắc chắn.
Số lần các lãnh đạo doanh nghiệp nói về “tín dụng” trong các cuộc họp
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|