Thứ Năm, 04/05/2023 10:05

Làm được theo luật đã là tốt lắm rồi!

Sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng năm 2022 TPHCM đã có 584 văn bản hỏi và bộ phải trả lời bằng 604 văn bản, và đáng nói là hầu hết các vấn đề thuộc thẩm quyền của TPHCM, đã có những ý kiến cho rằng TPHCM đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu nghĩ chậm một chút sẽ thấy vấn đề không đơn giản như vậy, mà ẩn sau đó là một vấn nạn lớn trong môi trường pháp lý của Việt Nam. Đây cũng có thể là nguyên nhân chính khiến cho tình trạng cán bộ “không dám nghĩ” và cũng “không dám làm” đang lan rộng như hiện nay.

Theo lẽ thông thường, cái gì không rõ thì phải hỏi, nhất là khi cái không rõ ở đây lại là pháp luật và cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, là tiền của cả người dân, doanh nghiệp lẫn Nhà nước. Chắc hẳn rằng, trước khi phải đi đến quyết định gửi văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan có trách nhiệm dự thảo các luật, nghị định và thông tư liên quan đến đầu tư, TPHCM đã có những cuộc họp nhưng không thể thống nhất được cách hiểu cũng như cách áp dụng một hoặc nhiều quy định của luật lệ hay cơ chế chính sách đầu tư nào đó.

Tình trạng hệ thống các văn bản pháp luật chồng chéo, quy định rắc rối và không tường minh, dẫn đến có nhiều cách hiểu và cách vận dụng khác nhau là một thực tế đã tồn tại từ nhiều năm nay. Vấn đề này cũng đã được gián tiếp thừa nhận trong dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhằm luật hóa Kết luận số 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cụ thể là quy định khuyến khích và bảo vệ những cán bộ có ý tưởng, cách làm mới tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp…

Cùng một vấn đề nhưng có nhiều cách vận dụng và áp dụng luật khác nhau để giải quyết đã là một thực tế và cũng chính là những điểm nghẽn. Nhưng vấn đề là ở chỗ, khi phải đứng trước tòa án thì chỉ có một cách hiểu, một cách áp dụng được cho là đúng, còn tất cả các hướng vận dụng khác đều có thể bị quy kết thành tội cố ý làm trái… Với thực tế đó, thử hỏi có mấy ai dám đánh đổi rủi ro cho bản thân và gia đình mình để đưa ra các quyết định chỉ vì lợi ích chung!

Việc Chính phủ đang soạn thảo Nghị định để luật hóa Kết luận số 14 của Trung ương Đảng là để những cán bộ năng động yên tâm khi có ý tưởng sáng tạo để đột phá qua những trì trệ, khơi thông tiềm lực phát triển cho nước nhà, giống như tấm gương của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc hồi 60 năm trước. Sáng tạo và đột phá về pháp luật để mở đường cho phát triển là rất quan trọng. Nhưng với thực tế của Việt Nam hiện nay thì chỉ cần thực hiện được thông suốt những quy định hiện có đã là tốt lắm rồi.

Dự thảo nghị định nêu trên đã đưa vào một quy định mang tính đột phá bằng cụm từ “phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng”, hàm ý là cán bộ có thể chủ động hiểu và áp dụng pháp luật vì lợi ích chung, miễn là không trái Hiến pháp và Điều lệ Đảng.

Tuy nhiên, chừng đó có thể không đủ để cán bộ công chức yên tâm khi dám nghĩ, dám làm và dám đột phá. Sự không chắc chắn nằm ở việc hiểu thế nào về nội hàm câu “vì lợi ích chung” và ai là người có thẩm quyền kết luận hành động của một cán bộ là vì lợi ích chung hay không? Vì vậy, giải pháp căn cơ vẫn là rà soát, điều chỉnh để các quy định trong hệ thống văn bản pháp lý không còn chồng chéo và cũng không mập mờ, để cán bộ không cần nghĩ cũng có thể làm được.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Không thể trì hoãn tăng giá điện (04/05/2023)

>   TP.HCM trên đà trở thành trung tâm tài chính quốc tế (04/05/2023)

>   TP HCM: Siêu thị khuyến mãi đậm nhưng sức mua không như kỳ vọng (03/05/2023)

>   Khách bay quốc tế tăng gần 300% (03/05/2023)

>   Du lịch TP.HCM thu hơn 3.000 tỉ đồng dịp lễ 30-4 và 1-5 (03/05/2023)

>   Ngành dệt may làm gì để tránh rào cản truy xuất nguồn gốc? (03/05/2023)

>   Liên tiếp mở nhiều đường bay quốc tế (03/05/2023)

>   Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2023 (02/05/2023)

>   Các nhà cung cấp của Apple dẫn đầu làn sóng xoay trục khỏi Trung Quốc (01/05/2023)

>   Góp đất để hạn chế cưỡng chế (01/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật