Khách bay quốc tế tăng gần 300%
So với cùng kỳ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm 2022, lượng chuyến bay và hành khách nội địa qua sân bay Nội Bài đạt mức tương đương trong khi sản lượng chuyến bay quốc tế tăng 86% và hành khách quốc tế tăng 299%.
Thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết ngày 3-5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, sản lượng vận chuyển hàng không qua sân bay Nội Bài tăng cao, đạt khoảng 561 lượt chuyến bay (trong đó có 369 lượt chuyến bay quốc nội và 192 lượt chuyến bay quốc tế) với hơn 92 ngàn lượt khách (trong đó có 64,2 ngàn lượt khách quốc nội và hơn 28 ngàn lượt khách quốc tế).
Căn cứ vào từng khung giờ cao điểm, sân bay Nội Bài mở tối đa hệ thống máy soi chiếu an ninh
|
Theo lịch bay trong ngày, có 9 khung giờ cao điểm (2 khung giờ cao điểm nội địa đi và 7 khung giờ cao điểm nội địa đến) với hơn 2 ngàn khách/khung giờ.
Đối với chặng nội địa đi, trong ngày 3-5 có 2 khung giờ cao điểm, từ 13 - 14 giờ và từ 16 - 17 giờ.
Đối với chặng nội địa đến, trong ngày 3-5 có 7 khung giờ cao điểm trải đều từ sáng (từ 11 - 13 giờ), chiều (14 - 18 giờ) và tối (từ 20 - 21 giờ).
Theo thống kê sơ bộ, trong 5 ngày nghỉ lễ, Cảng Nội Bài đã phục vụ an toàn tuyệt đối gần 2.700 lượt chuyến bay và hơn 422.000 lượt hành khách. So sánh với cùng kỳ 2022 thì lượng chuyến bay và hành khách nội địa đạt mức tương đương trong khi sản lượng chuyến bay quốc tế tăng 86% và hành khách quốc tế tăng 299%.
Còn sân bay Tân Sơn Nhất theo kế hoạch phục vụ 755.910 hành khách (trong đó 255.715 khách quốc tế, 500,195 khách quốc nội) và 4.466 chuyến bay (trong đó 1.380 chuyến bay quốc tế, 3.086 chuyến bay quốc nội. Sản lượng hành khách tăng hơn 32% và chuyến bay tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong những ngày cao điểm, các sân bay đã áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 từ ngày 29-4 đến hết ngày 3-5, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay thương mại đi/đến Cảng dịp lễ.
Sân bay Nội Bài cho biết trong các khung giờ cao điểm, đã tích cực ứng dụng nhiều giải pháp: Cụ thể như ứng dụng công nghệ thông tin để tính toán dự báo số liệu sản lượng vận chuyển và các khung giờ cao điểm để chủ động nhân lực và trang thiết bị phục vụ, đồng thời tăng cường phối hợp với các hãng hàng không, các công ty phục vụ mặt đất, các lực lượng công an đóng trên địa bàn để giải quyết nhanh mọi tình huống phát sinh,… do vậy không có hiện tượng ùn ứ cục bộ tại nhà ga, mọi hành khách và chuyến bay được phục vụ an toàn tuyệt đối.
Dương Ngọc. Ảnh: Phan Công
Người lao động
|