Thứ Tư, 31/05/2023 08:20

Kinh tế xã hội năm 2022: Nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội

Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Kinh tế xã hội 2022 đạt được nhiều kết quả ấn tượng

Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023 nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình KTXH 9 tháng đầu năm và ước cả năm 2022. Trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Đồng thời, tập trung kiểm soát dịch COVID-19; tích cực giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thúc đẩy công tác quy hoạch, liên kết vùng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Tình hình KTXH những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022. Những nhận định, đánh giá Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cơ bản phù hợp.

Đặc biệt, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế ( trong đó: tổng thu NSNN năm 2022 ước đạt 1,815.5 ngàn tỷ đồng, tăng 28.6% so với dự toán; xuất siêu 12.4 tỷ USD; xuất khẩu trên 7.1 triệu tấn gạo, trị giá 3.45 tỷ USD, gần 55 tỷ USD hàng nông sản; an ninh năng lượng được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tốt; cơ bản bảo đảm cung cầu lao động);

Đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó có 07 chỉ tiêu vượt là: (1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (đạt 8.02% so với kế hoạch là khoảng 6 - 6.5%); (2) GDP bình quân đầu người (đạt 4,109 USD so với kế hoạch là 3,900 USD); (3) Số bác sĩ trên 10,000 dân (đạt 11.1 bác sĩ so với kế hoạch là 9.4 bác sĩ); (4) Số giường bệnh trên 10,000 dân (đạt 31 giường so với kế hoạch là 29.5 giường); (5) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (đạt 92.03% so với kế hoạch là 92%); (6) Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 73.06% so với kế hoạch là 73%); (7) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn (đạt 96.28% so với kế hoạch là 89%).

Sáu chỉ tiêu đạt là: (1) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (đạt 3.15%); (2) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội (đạt 27.5%); (3) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ (đạt 27%); (4) Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị (đạt 2.79%); (5) Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (đạt 1.17%); (6) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt 91%).

Trong đó nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8.02% (đã báo cáo là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4,109 USD (đã báo cáo là 4,075 USD); CPI bình quân tăng 3.15% (đã báo cáo là khoảng 4%).

Thu NSNN đáp ứng chi đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, an sinh xã hội

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, thu NSNN đạt 1,815.5 ngàn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201.4 ngàn tỷ đồng (tăng 12.5%), đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371.3 tỷ USD (đã báo cáo là 368 tỷ USD); xuất siêu đạt trên 12.4 tỷ USD (đã báo cáo là khoảng 01 tỷ USD).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3,219,8 ngàn tỷ đồng (cao hơn số đã báo cáo 18.3 ngàn tỷ đồng); vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 22.4 tỷ USD, tăng 13.5% (đã báo cáo 6.4 - 11.5%).

Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP; nợ Chính phủ là 34.7% GDP; nợ nước ngoài là 36.8% GDP).

Giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody's, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "ổn định"; S&P nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng "ổn định"; Fitch duy trì ở mức BB với triển vọng "tích cực").

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Những kết quả đạt được của năm 2022 là rất đáng trân trọng

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, rất phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2022 là rất đáng trân trọng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, ngày 3/1/2023: Nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Tuy nhiên, nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn; trong đó có 02 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, gồm: Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24.76% (kế hoạch là 25.5 - 25.8% và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 4.8% (kế hoạch là khoảng 5.5%).

Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch còn chậm.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp; những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý thực sự hiệu quả.

Bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân còn những bất cập.

Việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, ách tắc trong thực thi công vụ cần nỗ lực hơn nữa; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, thiếu quyết liệt, bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao...

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Đại biểu: Cơ chế đặc thù cho TP HCM 'chưa vượt trội' (30/05/2023)

>   Toàn cảnh tình hình kinh tế xã hội Việt Nam tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 (29/05/2023)

>   CPI tháng 5/2023 tăng nhẹ so với tháng trước (29/05/2023)

>   Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Kiểm soát lạm phát để hạn chế ảnh hưởng đến 'nồi cơm, túi tiền' của người dân (29/05/2023)

>   ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư để phục hồi, phát triển kinh tế (27/05/2023)

>   Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 (27/05/2023)

>   Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (27/05/2023)

>   Chính phủ trình Quốc hội về Nghị quyết các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (26/05/2023)

>   ĐBQH Lê Thanh Vân đề xuất 7 nhóm giải pháp để nền kinh tế bứt phá (26/05/2023)

>   ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Chúng ta đã đạt được những kết quả đáng trân trọng! (26/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật