Khối ngoại có tháng bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm
Sau khi mua ròng mạnh hồi tháng trước, khối ngoại bất ngờ đảo chiều bán ròng trên cả hai sàn giao dịch trong tháng 4/2023, đặc biệt đây là tháng có lực bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) đã bán ròng 2,772 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 4 – đây là mức bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm. Chưa kể, 06-14/04 là chuỗi 7 phiên bán ròng liên tục của khối ngoại với giá trị 2,115 tỷ đồng, trong đó phiên bán mạnh ròng mạnh nhất là 11/04 với 570 tỷ đồng.
Dù vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng 2,498 tỷ đồng trên HOSE.
Tương tự, trên HNX khối ngoại bán ròng 13 tỷ đồng, đứt chuỗi 3 tháng mua ròng liên tiếp. Lũy kế, khối ngoại đã mua ròng 997 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm.
Động thái bán ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có nhiều chuyển biến, chủ yếu vận động xoay quanh các câu chuyện của ĐHĐCĐ 2023 và tâm lý thận trọng trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1. Kết thúc tháng 4/2023, VN-Index dừng ở mức 1,049 điểm, không thay đổi đáng kể so với đầu năm nhưng giảm 3% so với đầu tháng.
Theo Chứng khoán VNDirect, việc khối ngoại bán ròng mạnh là do các quỹ ETF ngoại đều bán ròng sau đợt mua ròng mạnh trong tháng trước, trong đó quỹ VNM ETF đã hoàn tất việc nâng tỷ trọng Việt Nam từ 70% lên 100% hồi cuối tháng 3, còn quỹ Fubon ETF không hút được nhiều vốn với như giai đoạn trước.
Song song đó, dòng tiền lại có chiều hướng rút khỏi các quỹ chủ động khi hiệu quả đầu tư của nhiều quỹ kém khả quan trong quý đầu của năm 2023, dòng tiền lúc này quay trở lại Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ hạ nhiệt và quyết định tăng lãi suất của Fed vào tháng 5. Mới đây, sáng ngày 04/05 (giờ Việt Nam), Fed đã có quyết định nâng lãi suất lần thứ 10, thêm 25 điểm cơ bản lên 5%-5.25%.
Dù vậy, chỉ số USD (DXY) vẫn dao động quanh mức 101–102 điểm trước lo ngại suy thoái kinh tế Mỹ. Tăng trưởng GDP quý 1/2023 của nền kinh tế lớn nhất thế giới ở mức 1.1%, thấp hơn so với dự báo từ giới phân tích.
Trong khi đó, dữ liệu lạm phát dù đã giảm nhiều từ mức đỉnh, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu mà NHTW nước này đề ra. Cụ thể, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng 4.2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức mục tiêu 2% của Fed. Chỉ số PCE lõi (đã loại trừ mặt hàng năng lượng và thực phẩm) cũng tăng 4.6% so với cùng kỳ năm trước.
Quay trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, STB là cái tên đứng đầu bảng xếp hạng các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trên HOSE với giá trị bán ròng đạt gần 729 tỷ đồng. Xếp thứ 2 là cổ phiếu của VNM với mức bán ròng 418 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, HPG là cổ phiếu đứng đầu trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong tháng 4 vừa qua với gần 519 tỷ đồng, gấp đôi so với cổ phiếu được mua ròng nhiều thứ 2 là HDB.
Trên HNX, hai cổ phiếu SHS và MBS thuộc nhóm chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với giá trị là 61 tỷ đồng và 30 tỷ đồng, cách biệt khá lớn so với nhóm còn lại trong top 10 với lực bán chưa đến 10 tỷ đồng.
Cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trên HNX là cổ phiếu CEO, IDC và TNG với giá trị lần lượt đạt 45 tỷ đồng, 23 tỷ đồng và 18 tỷ đồng.
Kha Nguyễn
FILI
|