Thứ Năm, 04/05/2023 11:00

Tại sao “mua mua bán bán mãi mà chưa giàu”?

Tại đại hội SSI chiều 26/04 vừa qua, một cổ đông nói trong buổi thảo luận rằng ông đã tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) từ 2007 đến nay, “mua mua bán bán mãi mà không giàu” và xin bí quyết kiếm tiền từ lãnh đạo công ty chứng khoán. Hẳn đó cũng là câu hỏi chung của không ít người tham gia vào cuộc chơi này.

Khi nhắc đến TTCK, ta vẫn thường nghe về những cơ hội có thể nhân hai, nhân ba lần tài sản chỉ trong thời gian ngắn. Ít nơi nào tạo ra những cơ hội như vậy. Tuy nhiên, việc phát hiện ra những cơ hội đó chỉ dễ dàng khi bạn nhìn ngược trở về quá khứ. Còn khi dòng chảy sự kiện vẫn đang hiện hữu, việc đánh giá những kịch bản chưa xảy ra hay những bất định ở thì tương lai, để từ đó đưa chúng vào phương trình quyết định đầu tư không hề là công việc nhẹ nhàng.

Bạn không thể bước vào thị trường chỉ với ước muốn kiếm tiền, rồi chạy theo các mức giá lên xuống để mong đổi đời. Bạn cần tích lũy đủ sự hiểu biết và kinh nghiệm, phải tự đánh giá xem liệu mình thực sự có năng lực vượt hơn so với số đông để chiến thắng hay không. Chẳng ai có thể làm thay bạn điều đó. Hoặc bạn sẽ nhận ra trong quá trình mình tham gia thị trường hoặc sẽ rời bỏ khi thua lỗ cứ kéo đến.

Trong những năm 2020 - 2021, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người, rất dễ dàng kiếm được tiền trên sàn chứng khoán. Những khoảng thời gian thoải mái như vậy càng làm huyền thoại về việc trở nên giàu sụ nhờ mua bán cổ phiếu được nhiều người khắc vào tâm trí. Thế là chúng ta có số lượng tài khoản mở mới kỷ lục, thanh khoản giao dịch kỷ lục, điểm số kỷ lục… Nhưng rồi 2022 đã cho thấy đó cuối cùng chỉ là ảo vọng với số đông.

* Chứng khoán thời F0: Tiền nhiều lắm, cứ đến mà lấy

Tuy TTCK Việt Nam đã phát triển trên 20 năm, thực tế vẫn còn ở giai đoạn tương đối sơ khởi, biểu hiện qua việc nó chịu chi phối rất lớn bởi những người tham gia là cá nhân nhỏ lẻ. Đối tượng này đóng góp đến 80 - 90% giá trị giao dịch hàng ngày của thị trường.

Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ có 30% người Việt trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp hơn bình quân của ASEAN, chỉ cao hơn Lào và Campuchia.

Họ đa phần là những nhà đầu tư tay ngang, theo nghĩa là những cá nhân có công việc chính trong các ngành nghề khác và tham gia vào TTCK như một việc tay trái. Điều này đồng nghĩa là đa số họ thiếu nhiều thứ để cạnh tranh tại một nơi tinh vi như thị trường tài chính; chẳng hạn như thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu thời gian cần thiết để tìm hiểu, nghiên cứu…

Ngoài sự hạn chế về năng lực nói trên, đáng lý họ cũng nên xem TTCK là kênh cho phép đầu tư tiền nhàn rỗi vào những doanh nghiệp tốt và qua thời gian đồng tiền sẽ được sinh sôi từ sự phát triển của doanh nghiệp thì trong thực tế, họ lại bị cuốn vào những giao dịch ngắn hạn mà mình không hiểu rõ. Hoạt động này thường được biết đến với tên gọi là cuộc chơi có tổng bằng không (“zero-sum game”), tức là lợi nhuận của người này chính là thua lỗ của người khác.

Thậm chí, cuộc chơi của những người tham gia cá nhân trên TTCK còn chưa hẳn là “zero-sum game” mà đúng hơn nên gọi là “loser‘s game” (cuộc chơi của những kẻ thua cuộc). Tên như vậy là vì khi giao dịch ngắn hạn với tần suất cao, bạn phải chịu khá nhiều khoản phí cho các bên trung gian trên thị trường và cả thuế nữa. Tại Việt Nam, thuế được tính trên giá trị của từng giao dịch bán cổ phiếu chứ không hề tính trên lợi nhuận từ giao dịch của người tham gia thị trường. Việc “mua mua bán bán” sẽ khiến bạn tốn rất nhiều phí, thuế và cũng đồng nghĩa là bạn phải vất vả để hòa vốn trước cả khi muốn có lời.

Những cá nhân tham gia thị trường Việt Nam cũng thường xuyên bị cuốn theo những cơn sốt cổ phiếu đầu cơ của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản nghèo nàn. Trong các trường hợp đó, nếu chỉ cần suy xét tương đối giản đơn thì một nhà đầu tư đúng nghĩa cũng sẽ tránh xa những mục tiêu sai lầm như vậy. Tuy nhiên, rất nhiều người tham gia chỉ chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua tất cả suy xét khác. Với họ, cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá, chỉ cần có vậy, cho đến khi nó… giảm giá.

* “Sòng chứng khoán” của những tay chơi không có ký ức

Chu kỳ mới?

Trở lại với tình thế hiện nay của thị trường, sau khi cổ phiếu đổ sụp trong năm 2022 và có phần bình ổn hơn vào đầu 2023, chúng ta lại bắt đầu nghe thấy những tiếng nói lạc quan rằng một chu kỳ mới đang đến, như lời nhắc nhở người tham gia chớ nên bỏ qua, chớ nên sợ hãi mà lỡ mất cơ hội đầu tư ngàn vàng.

Quả thế! Quả là các mức định giá cổ phiếu đã thấp hơn, quả là ta cũng biết về một công thức chiến thắng truyền miệng là mua khi tất cả bi quan, mua khi những yếu tố cơ bản doanh nghiệp đang xấu xí…

Nhưng, đó cũng chỉ là một nửa sự thật.

Nửa sự thật còn lại là một chu kỳ mới cũng sẽ bao gồm hai chiều đi lên và đổ sụp, như nó đã diễn ra quá nhiều lần trên thị trường. Vậy thì, liệu nó có phải là một chu kỳ mới nhưng rồi kết quả đối với phần đông người tham gia vẫn sẽ lại như cũ hay không?

Sự bùng nổ và đổ vỡ của thị trường trong giai đoạn 2020 - 2022 chẳng phải là lần đầu tiên mà nó cư xử lỗ mãng như vậy. Và như ta thấy, với phần đông người tham gia thì cuối cùng vẫn là một kết quả quen thuộc, vốn đã thường thấy trong tất cả những chu kỳ trước đây.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   HTE: Thông báo thay đổi giấy phép hoạt động (04/05/2023)

>   04/05: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán? (04/05/2023)

>   MCM: Công bố thông tin về đơn từ nhiệm vị trí Hội đồng quản trị của ông Trịnh Quốc Dũng (24/03/2023)

>   DTG: Công bố thông tin đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Hồ Nam - thành viên Hội đồng quản trị (16/03/2023)

>   NDN: NDN Giải trình và đưa ra phương án khắc phục tình trạng cổ phiếu NDN bị đưa vào diện cảnh báo (11/04/2023)

>   DNP: Đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần DNP Holding (11/04/2023)

>   ART: Công bố thông tin về việc nhận được đơn xin từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của bà Phạm Thị Thanh Mai (12/04/2023)

>   KKC: Công bố thông tin theo yêu cầu, căn cứ Quyết định về việc đưa vào diện bị cảnh báo (10/04/2023)

>   HEV: Công bố thông tin đơn xin từ nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị (07/04/2023)

>   CTG121030: Công bố thông tin Hội đồng quản trị thông qua Hợp đồng thế chấp tài sản giữa VietinBank với VBI (05/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật