Hoạt động kinh doanh ở Mỹ tăng cao nhất trong vòng 13 tháng qua
PMI tổng hợp của Mỹ - chỉ số theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã tăng lên mức 54,5 trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 4/2022 và lớn hơn so với mức 53,4 của tháng 4/2023.
Khách hàng lựa chọn hàng hóa trong siêu thị ở San Mateo, bang California (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn kết quả khảo sát được tổ chức S&P Global công bố ngày 23/5 cho thấy hoạt động kinh doanh ở Mỹ trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 tháng qua, nhờ sức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ - dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lấy lại động lực vào đầu quý 2/2023, bất chấp nguy cơ suy thoái gia tăng.
PMI (chỉ số quản lý thu mua) tổng hợp của Mỹ - chỉ số theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã tăng lên mức 54,5 trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 4/2022 và lớn hơn so với mức 53,4 của tháng 4/2023.
Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số PMI của nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì ở mức trên mức 50, cho thấy chiều hướng tăng trưởng trong khu vực tư nhân.
Dữ liệu khảo sát được S&P Global thu thập từ ngày 12-22/5 cũng cho thấy doanh số bán lẻ không bao gồm xe có động cơ, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống phục hồi mạnh mẽ, trong khi hoạt động sản xuất tại các nhà máy và công trình xây dựng gia đình gia tăng.
Trong khi đó, chỉ số đơn đặt hàng mới của các doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên mức 54,3 trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 5/2022 và tăng so với mức 51,9 của tháng 4/2023.
PMI ngành dịch vụ cũng tăng lên mức 55,1, cao nhất trong vòng 13 tháng, từ mức 53,6 của tháng 4. Mặc dù chỉ số PMI sản xuất giảm xuống mức 48,5 từ mức 50,2 của tháng 4, song áp lực giá tại các nhà máy được giảm bớt. Chỉ số giá đầu vào của các doanh nghiệp đã giảm xuống mức 58,5 từ mức 61,2 của tháng 4.
Theo ông Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, trong khi giá sản xuất tăng cao hơn thời kỳ đại dịch COVID-19 do nhu cầu mạnh và nguồn cung suy giảm, thì giờ đây đến lượt ngành dịch vụ tăng giá trong bối cảnh nhu cầu gia tăng trở lại và khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng hiện ở mức thấp.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đang dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 do chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất kể từ những năm 1980 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát.
Tình trạng thắt chặt các điều kiện tín dụng và bế tắc trong tiến trình đàm phán nâng trần nợ công của Chính phủ Mỹ cũng đang làm tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế số một thế giới./.
Hồng Nguyên
Vietnamplus
|