Đàm phán trần nợ bế tắc, Tổng thống Biden định gọi trực tiếp cho Chủ tịch Hạ viện
Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo các cố vấn sắp xếp cuộc gọi với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong ngày 21/05 (giờ Mỹ), sau khi đàm phán lâm vào cảnh bế tắc.
Ông Biden đã nhận thông tin cập nhật về cuộc đàm phán vào đêm ngày 20/05 (giờ Mỹ) khi đang ở Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, theo một quan chức Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ dự định gọi trực tiếp cho Chủ tịch Hạ viện vào sáng ngày 21/05 sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc.
Tổng thống Joe Biden
|
Theo lịch trình dự kiến của Nhà Trắng, Tổng Thống Biden sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại hội nghị thượng đỉnh G7 trong ngày 21/05. Sau đó, Tổng thống Mỹ dự tính bay về Washington vào cuối ngày hôm đó.
Tình thế đang ngày càng gấp rút hơn cho đôi bên khi càng gần đến ngày 01/06/2023. Đây là hạn chót mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho là Mỹ sẽ không còn khả năng trả nợ.
"Tôi không nghĩ đàm phán có thể tiến triển cho tới khi Tổng thống Biden trở về Washington", ông McCarthy nói với các phóng viên ở Điện Capitol. "Từ hôm qua đến nay, chúng tôi đang bước lùi trong cuộc đàm phám. Họ (Nhà Trắng) muốn chi tiêu nhiều hơn trong năm nay".
Vì sao đàm phán lâm vào thế bế tắc?
Đảng Cộng hoà và Nhà Trắng đang tranh cãi về việc cắt giảm chi tiêu. Giảm bớt chi tiêu là cái giá mà Đảng Cộng hoà đặt ra để đổi lấy việc nâng trần nợ. Trong khi đó, Nhà Trắng đang tìm cách giảm bớt những yêu cầu đó, đồng thời lập luận rằng vấn đề trần nợ đang bị vũ khí hóa vì lợi ích chính trị. Hiện đàm phán lâm vào thế bế tắc và cả hai bên chỉ trích lẫn nhau.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 20/5 nói những đề nghị mà đảng Cộng hòa đưa ra cuối ngày 19/05 là "bước lùi lớn", mang tính cực đoan đảng phái và không bao giờ có thể được thông qua ở lưỡng viện Mỹ.
"Giới lãnh đạo Cộng hòa chịu ảnh hưởng của phe MAGA đang đe dọa đẩy quốc gia của chúng ta vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu các yêu cầu cực đoan mang tính đảng phái của họ không được đáp ứng", Jean-Pierre nói, đề cập tới phe cực hữu đảng Cộng hòa theo chủ trương "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa, ngày 20/5 đăng Twitter rằng Nhà Trắng "đi lùi" trong các cuộc đàm phán.
"Thật tiếc khi phe cực tả của đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát, đặc biệt khi Tổng thống Joe Biden đang ở nước ngoài", ông viết, đề cập tới chuyến công du Nhật dự hội nghị thượng đỉnh G7 của Tổng thống Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy
|
"Chúng tôi không đưa ra yêu cầu gì để tránh vỡ nợ. Các bạn là người duy nhất định biến nó thành lá bài mặc cả", người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates đăng Twitter ngày 20/5, chỉ trích đảng Cộng hòa.
Hy vọng về thỏa thuận giữa hai bên đã bị giáng đòn mạnh vào ngày 19/05 khi đảng Cộng hòa tuyên bố "tạm dừng" đàm phán. Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa hai bên đã được nối lại vài giờ sau đó. Tổng thống Biden dự kiến rời Nhật Bản trở về Mỹ vào ngày 21/05, sau khi từ bỏ kế hoạch thăm Papua New Guinea và Australia.
Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo vỡ nợ sẽ tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đến kinh tế cũng như an sinh xã hội Mỹ. Chính phủ Mỹ không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ, thị trường tài chính bị ảnh hưởng, Bộ Tài chính có thể phải hoãn chi trả cho khoảng 66 triệu người thuộc diện nhận trợ cấp hàng tháng.
* Đàm phán về trần nợ tiếp tục sau khi bị tạm ngưng vài tiếng
* Ray Dalio: Trần nợ sẽ được nâng, nhưng nước Mỹ khó thoát cảnh “sụp đổ tài chính”
* Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo về “thảm họa kinh tế” nếu không nâng trần nợ
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|