Thứ Hai, 22/05/2023 08:22

Doanh nghiệp gặp trở ngại đầu tư cho chuyển đổi số

Theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, để đẩy mạnh chất lượng chuyển đổi số quốc gia, Nhà nước và doanh nghiệp cần đầu tư mạnh hơn nữa về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ trên toàn thế giới, đang đòi hỏi các quốc gia như Việt Nam cần có những chính sách tăng trưởng theo chiều sâu để tạo bước đột phá giúp các doanh nghiệp thoát khỏi những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam cũng đã có những hành động và bước đi quyết liệt trong việc thực hiện phát triển kinh tế số, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong doanh nghiệp. Chính phủ coi đây là hướng đi có thể tạo những sự đột phá, giúp sớm đạt những mục tiêu về kinh tế-xã hội.

Theo Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, năm 2022 là năm "tổng tấn công về chuyển đổi số" và là năm tập trung phục vụ người dân. Cuộc "tổng tấn công" này được diễn ra một cách quyết liệt và đồng bộ, ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc và toàn diện.

Năm 2022 cũng đánh dấu năm đầu thực hiện các chiến lược mới, cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia, bao gồm: Chiến lược hạ tầng số, Chiến lược dữ liệu, Chiến lược bưu chính, Chiến lược an toàn thông tin mạng, Chiến lược công nghiệp công nghệ số, Chiến lược doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chiến lược Chính phủ số, Chiến lược kinh tế số và xã hội số, Chiến lược chuyển đổi số báo chí...

Đặc biệt, tháng 7 năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-BTTTT phê duyệt Đề án "Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (CĐS) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia," đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nghiệm thu và đánh giá chất lượng chuyển đổi số.

Có thể nói, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đang tiến rất gần đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu, với các chỉ số ấn tượng.

Tuy nhiên, Báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá về tình hình chuyển đổi số trong năm 2022 đã cho thấy, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao mặc dù có tăng theo từng năm.

Theo thống kê, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký trong nửa đầu năm 2022. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân. Những con số trên thực sự khiêm tốn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế số của Chính phủ đặt ra.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC và Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, một số dịch vụ công trực tuyến còn mang tính hình thức, chưa đem lại hiệu quả mong muốn, chưa đồng nhất, dẫn đến việc người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề an toàn thông tin mạng còn nhiều bất cập.

"Chúng ta vốn đã thiếu nguồn lực cho chuyển đổi số, lại càng thiếu nguồn lực cho an toàn, an ninh mạng. Một số vụ tấn công mạng gây rò rỉ dữ liệu người dân và tài liệu quan trọng trong những năm vừa qua là hậu quả rõ nét nhất cho tồn tại này. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là điều kiện sống còn để bảo chủ quyền của Việt Nam trên môi trường số," ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.

Thêm vào đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Việc đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng; nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn lực triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số còn hạn chế.

Trước thực tế này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp và ghi nhận rằng, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang gặp trở ngại về đầu tư tài chính dành cho chuyển đổi số; cũng như chưa có được nhận thức đầy đủ, đúng về chuyển đổi số sao cho hiệu quả. Nếu thiếu những điều này thì chuyển đổi số sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí có thể gây ra hậu quả và tạo ra tâm lý e ngại chuyển đổi số đối với doanh nghiệp.

Tiến sỹ Lê Quốc Cường, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Việc chuyển đổi số phải xuất phát từ nhận thức. Ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là xuất phát từ giới chủ, quyết định bằng ý chí của giới chủ. Nhưng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 thì "quyền lực" lại nằm trong tay người dùng cuối là toàn dân. Chính vì vậy, toàn dân chứ không phải là một đối tượng đơn lẻ nào sẽ quyết định thành công của cuộc Cách mạng 4.0.

Hạ tầng số là một yếu tố rất quan trọng của chuyển đổi số; trong đó, lưu trữ dữ liệu là một bài toán cơ bản. Tuy nhiên, những công nghệ lưu trữ truyền thống đang lộ dần những bất cập trong thời đại mới, như sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp làm việc theo mô hình lai: một số nhân viên làm việc tại văn phòng, một số làm việc từ xa. Vì thế dữ liệu sẽ bị phân tán và rất khó quản lý.

Để đẩy mạnh chất lượng chuyển đổi số quốc gia, theo ông Nguyễn Trung Chính, Nhà nước và doanh nghiệp cần đầu tư mạnh hơn nữa về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số. Theo đó, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, chú trọng tới các chính sách để tiếp cận với dịch vụ thanh toán an toàn và bảo đảm mang lại cơ hội thực hiện thanh toán điện tử cho cả khách hàng, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số quốc gia với việc phát triển hạ tầng cứng, bao gồm: 5G, kết nối, lưu trữ dữ liệu; cũng như hạ tầng mềm gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu mở.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, như tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tội phạm mạng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng.

Mặt khác, kịp thời cung cấp thông tin, số liệu về pháp lý, kỹ thuật, nhằm phục vụ việc đánh giá, xếp hạng chỉ số Chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu (Global Cybersecurity Index – GCI) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union - ITU).

Cuối cùng, ông Chính lưu ý, Chính phủ nên mở cửa hơn nữa cho doanh nghiệp công nghệ để thu hút nhân tài, nguồn lực; giao cho tư nhân đảm nhận các dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế số của đất nước, xây dựng trung tâm dữ liệu, hạ tầng viễn thông, thành phố thông minh (Smart City) tại nhiều vùng trên cả nước.

Về lâu dài, Chính phủ xem xét tạo điều kiện xây dựng Việt Nam thành "Digital Hub" của APAC - nơi trung chuyển, kết nối dữ liệu và hạ tầng viễn thông của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương./.

Ngọc Quỳnh

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Điện mặt trời, điện gió giúp giảm nguy cơ cắt điện, tiết kiệm chục nghìn tỷ (22/05/2023)

>   "Chốt" giá tạm thời cho 15 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (21/05/2023)

>   HSBC: Việt Nam là thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới năm 2030 (21/05/2023)

>   Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi (21/05/2023)

>   Khởi tố 2 cán bộ sai phạm ở dự án 3.000 tỉ (21/05/2023)

>   Sai phạm của Công ty cấp thoát nước Kiên Giang có dấu hiệu tội phạm (21/05/2023)

>   Tổng Giám đốc IMF: Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp đôi so với mức tăng trưởng của toàn cầu (20/05/2023)

>   Thủ tướng tiếp lãnh đạo Mitsui: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho dự án khí 10 tỷ USD (20/05/2023)

>   Việt Nam là nước AEON đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1.18 tỷ USD (20/05/2023)

>   Chính phủ: Chưa thể bỏ trần giá vé máy bay (20/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật