"Chốt" giá tạm thời cho 15 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp
Trong số 37 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ đàm phán giá đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.200 MW đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong số 15 nhà máy trên có 3 nhà máy điện mặt trời, 7 nhà máy điện gió trên đất liền và 5 nhà máy điện gió trên biển. Bên cạnh đó, 6 nhà máy khác đã được thống nhất mức giá tạm thời, dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tuần tới.
Thống nhất mức giá tạm thời cho điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (ảnh minh hoạ)
|
Theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7-1-2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp đối với điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh; điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh.
Mức giá trần này thấp hơn so với giá FIT ưu đãi 20 năm trước đây. Mức giá tạm tính sẽ nằm trong khung giá này.
Bộ Công Thương cho biết mức giá tạm tính do các bên thống nhất sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để chủ đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp và EVN triển khai các thủ tục đưa các nhà máy vào vận hành phát điện.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương yêu cầu EVN và các chủ đầu tư khẩn trương ký kết hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện chuyển tiếp theo phương án giá điện tạm thời, hoàn thành các thủ tục pháp lý, yêu cầu kỹ thuật để đưa các nhà máy hòa lưới điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp khó khăn.
Để có thể huy động các nhà máy điện nói chung và các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nói riêng vào vận hành phát điện lên lưới quốc gia, dự án phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy…
Luật Điện lực hiện hành quy định các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên đến nay, chỉ có 16/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (18,8%) đã được cấp giấy phép này. Ngoài ra, 12 nhà máy khác đã được chủ đầu tư nộp hồ sơ và đang hoàn thiện hồ sơ, đang được Bộ Công Thương thẩm định.
Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ giải quyết các khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo. Sau đó, EVN đã có buổi làm việc với các nhà đầu tư để nhận diện các khó khăn, đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều chỉ đạo với các bên liên quan để kịp thời giải quyết bất cập này.
Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương sớm sửa các quy định, có hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính, đàm phán giá với điện gió, mặt trời chuyển tiếp.
Minh Chiến
Người lao động
|