Cuộc chiến ô tô điện mini ở thị trường Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng ô tô điện mini trong nước mang nhiều lợi thế hơn khi đã có thị trường trước, người tiêu dùng đã sử dụng; có hệ thống bảo dưỡng, bảo hành phủ nhiều tỉnh, thành.
Nhiều hãng xe điện của Trung Quốc (TQ) đã lên kế hoạch sản xuất, lắp ráp tại thị trường Việt Nam (VN) những mẫu ô tô điện có kích thước siêu nhỏ 2-4 chỗ. Trong khi đó, hãng xe điện trong nước cũng lên kế hoạch ra mắt sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển trong đô thị của người tiêu dùng.
Ô tô điện TQ sắp đổ bộ vào VN
Theo các thông tin từ báo chí, mạng xã hội, những chiếc ô tô điện có kích thước siêu nhỏ đến từ TQ sẽ ra mắt thị trường VN trong thời gian tới. Hiện đã có những mẫu xe điện Wuling HongGuang MiniEV chạy trong khuôn viên một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại tỉnh Hưng Yên.
Theo quy định pháp luật hiện hành của VN hay các nước trên thế giới thì người lái xe điện dù xe máy hay ô tô đều phải có bằng lái xe. Tuy nhiên, nếu trong tương lai có nhiều xe điện lưu thông, như có nhiều mẫu ô tô điện mini 2-3 hay bốn chỗ trên đường thì cơ quan quản lý có thể xem xét có quy định, kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe dành riêng cho ô tô điện. Theo tôi, với kích thước nhỏ, thấp, hẹp thì ô tô điện mini không nên cho lưu thông trên cao tốc.
TS BÙI THANH LUÂN, chuyên gia tự động hóa
|
Ngay đầu năm 2023, Tập đoàn TMT Motors đã có thông báo công ty vừa ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) - (SAIC - WULING) để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện tại VN.
Liên doanh này dự kiến cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại VN. Dự kiến sản phẩm đầu tiên được triển khai và ra mắt thị trường VN là mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới của Wuling.
Một hãng ô tô điện cỡ nhỏ khác của TQ là Zhidou cũng vừa trưng bày các mẫu xe tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 18 về công nghiệp ô tô, xe máy, xe điện và công nghiệp hỗ trợ - Autotech & Accesories 2023 tại TP.HCM.
Đáng chú ý, tại triển lãm có loại xe chưa gắn thương hiệu, chỉ ghi mẫu A01. Zhidou đang có ý định mang mẫu xe A01 mở bán tại thị trường VN trong thời gian tới với giá dự kiến trên 100 triệu đồng. Thương hiệu này sẽ liên doanh với một đối tác tại VN để lắp ráp; logo và tên thương hiệu sẽ được thay đổi riêng cho thị trường Việt.
Một mẫu xe điện Trung Quốc ra mắt tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: QH
|
Trong khi đó, hãng xe điện trong nước VinFast sau khi đạt được những kết quả tích cực vì được thị trường bắt đầu đón nhận thì mới đây, lãnh đạo của VinFast cũng tiết lộ sẽ có xe đô thị hoặc xe điện cỡ nhỏ.
Mẫu xe đô thị cỡ nhỏ được nhắc tới sẽ có kích thước nhỏ hơn Kia Morning hay Hyundai Grand i10, phù hợp cho nhu cầu thay thế xe máy để đi lại trong đô thị. Đây cũng là một phân khúc mới chưa có đại diện nào chính thức phân phối tại thị trường VN.
Ô tô điện TQ khó đứng ở thị trường Việt?
TS Bùi Thanh Luân, chuyên gia tự động hóa, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, nhận định ô tô điện mini phổ biến tại một số nước phát triển ở châu Âu. Ô tô điện cỡ nhỏ, kích thước nhỏ chỉ 2-4 chỗ cho các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội là phù hợp, vì hiện các TP này có xe cộ đông đúc, chật hẹp, thiếu chỗ để ô tô. Một vị trí đỗ xe dành cho một ô tô cỡ lớn có thể đậu được hai ô tô điện mini. Đồng thời, nhu cầu cần một ô tô vừa túi tiền, che nắng che mưa, di chuyển trong đô thị là rất lớn.
Đánh giá về “cuộc chiến” dòng ô tô điện mini, TS Luân cho rằng các hãng xe điện TQ cũng đã nghiên cứu và thấy có triển vọng nên họ lên kế hoạch đưa vào thị trường VN. “Lợi thế của ngành sản xuất ô tô điện là giá thành thấp, chắc chắn ô tô điện mini TQ có giá chỉ hơn 100 triệu đồng sẽ rất cạnh tranh với những mẫu ô tô điện mini trong nước” - TS Luân chia sẻ.
Tuy nhiên, TS Luân cho rằng mẫu ô tô điện trong nước sẽ chiếm ưu thế hơn khi đã có thị trường sớm, người tiêu dùng trong nước đã sử dụng. Như hãng xe VinFast đã có hướng đi đúng khi phát triển taxi điện, tạo được thân thiện với người tiêu dùng, tăng tiếp cận xe điện tới nhiều khách hàng.
Cũng theo TS Luân, các hãng xe điện trong nước nên phát triển ô tô điện hai chỗ tại TP thì sẽ có thị trường tiêu thụ tốt hơn. Bởi dòng này có thể phục vụ nhu cầu của người dân thành thị là đi làm, đưa đón con… với giá cả hợp lý. Còn xe bốn chỗ nên có kích thước nhỏ hơn mẫu xe Daewoo Matiz trước đây thì sẽ “dễ nhìn” hơn, còn nhỏ quá thì người tiêu dùng cũng sẽ khó chấp nhận.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc hệ thống đại lý kinh doanh ô tô, cho biết ô tô điện TQ vẫn khó có chỗ đứng ở thị trường VN dù giá rẻ. Lý do là người tiêu dùng trong nước sẽ e ngại về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn và quan trọng nhất là hệ thống bảo hành, bảo dưỡng chưa biết ra sao. Trong khi đó, hãng xe trong nước đã có ưu thế về mạng lưới bảo hành, bảo dưỡng phủ rộng khắp các tỉnh, thành.
“Rào cản đối với ô tô điện cỡ lớn hay nhỏ chính là nếu lái xe điện này cũng phải học bằng lái ô tô. Người ở TP khi sở hữu xe điện cũng phải tính toán chuyện gửi xe, rồi khó tìm chỗ đậu xe trong nội thành giống như ô tô bình thường” - bà Hiền nói.
Thiết kế của các mẫu xe điện TQ ra mắt ở VN
Mẫu xe điện TQ Wuling dự kiến sản xuất và kinh doanh tại VN có thiết kế nhỏ gọn, bốn chỗ với giá khoảng 100-200 triệu đồng.
Xe có khối lượng 665 kg, nội thất thiết kế đơn giản, hầu hết vật liệu sử dụng là nhựa. Với kích cỡ nhỏ, phạm vi hoạt động thấp và lượng trang bị tiện nghi, an toàn đơn giản, Wuling được cho là phù hợp sử dụng trong đô thị với tốc độ thấp và được xem như phương tiện thay thế xe máy tại TQ.
Còn mẫu A01 được triển lãm ở TP.HCM có kích thước nhỏ gọn, dài 2,5 m, rộng hơn 1,2 m và cao hơn 1,6 m. Xe chỉ có hai chỗ, động cơ điện đặt dưới ghế sau với tốc độ tối đa khá khiêm tốn 45-50 km/giờ.
|
QUANG HUY
Pháp luật TPHCM
|