Còn nhiều thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp
Khó khăn về tài chính tiếp tục là thách thức lớn cho doanh nghiệp sau khi các lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ với hơn một nửa (52,3%) số doanh nghiệp được khảo sát trong năm 2022.
Các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
|
Vẫn còn những thách thức cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới. Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Báo cáo cho thấy trong 9 nhóm thách thức được liệt kê bởi 355 doanh nghiệp tham gia khảo sát, ba thách thức lớn nhất trong năm 2022-2023 là: Lạm phát, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao (ảnh hưởng đến 70,1% doanh nghiệp); rủi ro về khủng hoảng và sự gia tăng chi phí trực tiếp từ nhà cung cấp (ảnh hưởng đến 62,3% doanh nghiệp) và chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu do tay nghề thấp, thiếu kỹ năng (ảnh hưởng đến 33,2% doanh nghiệp).
Bên cạnh đó còn có những thách thức như các hoạt động dịch vụ hậu cần (logistics) khó khăn và/hoặc không đảm bảo; thiếu hụt lao động; sự thay đổi và thiếu minh bạch về các quy định liên quan đến quản trị, môi trường, xã hội; rủi ro liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số và an ninh mạng; rủi ro về đạo đức, pháp lý, uy tín của nhà phân phối, bên trung gian và đại lý; khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.
So sánh đối chứng kết quả này với các nghiên cứu khác cho thấy có những kết quả tương đồng, như khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào quý 2/2022 nhận định rằng các chi phí logistics, chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vốn là những gánh nặng bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp hay theo báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào tháng 9/2022 thì có đến 1/3 số doanh nghiệp thành viên của EuroCham gặp cản trở lớn trong các vấn đề liên quan đến nguồn cung lao động tổng số doanh nghiệp.
Khó khăn về tài chính tiếp tục là một khó khăn lớn cho doanh nghiệp sau khi các lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ với hơn một nửa (52,3%) số doanh nghiệp được khảo sát trong năm 2022.
Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính vẫn ở mức cao so với thời điểm năm 2019, thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Những nguyên nhân dẫn đến khó khăn về tài chính của doanh nghiệp vẫn là những nguyên nhân truyền thống tồn tại cả trước và trong thời gian dịch COVID-19, gồm tồn đọng các khoản phải thu, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, lãi vay tăng cao và suy giảm khả năng thanh toán các khoản vay, nợ đến hạn.
Nhưng trong bối cảnh biến động lớn về chính trị do xung đột Nga-Ukraine và kinh tế thế giới hậu dịch COVID, các hiệp hội doanh nghiệp được khảo sát đều thống nhất rằng những khó khăn này đang trầm trọng thêm và có thêm các khó khăn mới (như giá vận chuyển, nhu cầu mua sắm thay đổi...), ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp ở nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo báo cáo của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), giá cước vận tải đường biển tăng cao hơn gấp 5 lần so với trước đây khiến nhiều khách hàng nước ngoài của doanh nghiệp liên tục dời ngày xuất hàng, trì hoãn nhận hàng dẫn đến ảnh hưởng dòng tiền của doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết đến thời điểm này, thông thường doanh nghiệp đã có đơn hàng năm 2023, nhưng năm nay nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội hiện vẫn chưa có đơn hàng./.
Chu Thanh Vân
Vietnamplus
|