Chi phí đầu tư thấp hơn chưa chắc đã rẻ hơn Để đầu tư công vào các công trình cơ sở hạ tầng bớt tốn kém và phát huy được hiệu quả như mong muốn, cần thoát khỏi “cám dỗ giá rẻ” trước mắt để nhìn xa hơn vào hiệu quả vận hành và tổng chi phí cho cả vòng đời của công trình.
Ngay từ trước khi chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 chính thức được thông qua, nỗi lo thiếu đất, cát đắp nền đã được đề cập và tích cực thảo luận. Tiếc là, sau hơn ba năm, những phương án cũ lại được đặt lên bàn.
Về vật liệu thay thế, chúng ta chưa tìm được cách thức tối ưu xử lý triệt để các hóa chất lẫn trong tro xỉ nhiệt điện cũng như tẩy mặn cát biển, vì thế, vẫn phải trông chờ vào vật liệu truyền thống. Vậy nhưng, không thể đòi hỏi đẩy nhanh việc cấp phép khai thác khoáng sản mà bỏ qua các quy định hiện hành.
Chưa kể, trong rất nhiều lời gợi ý được đưa ra, tính ngắn hạn vẫn còn nặng nề khi người làm đường thì chăm chăm muốn mở nhanh mỏ đất, cát mà không tính đến khả năng bảo tồn tài nguyên cũng như hệ quả có thể có mà việc khai thác sẽ để lại trong tương lai.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. |
Dù muốn hay không đều phải thừa nhận, có một sự lệch pha giữa sự quyết tâm về tiến độ với công tác chuẩn bị cho đại dự án này, điều có lẽ cũng không xa lạ trong việc triển khai các dự án đầu tư công tại Việt Nam hiện nay. Hãy quay trở lại với vấn nạn thiếu vật liệu đắp nền cho các dự án cao tốc.
Mới đây, một lời giải khác, ít nhất là cho việc đầu tư cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được các nhà khoa học đề cập. Theo đó, thay vì loay hoay tìm đất cát đắp nền, nên cân nhắc lựa chọn xây dựng đường cao tốc trên cao, một phần hay toàn tuyến. Mũi tên sẽ trúng rất nhiều đích, không chỉ giảm áp lực khai thác cát mà giải pháp này còn giúp đường cao tốc sẽ xây dựng thích ứng tốt nhất với nguy cơ ĐBSCL sẽ bị ngập nặng hơn do biến đổi khí hậu.
Quan trọng hơn, vòng luẩn quẩn khai thác cát gây biến đổi dòng chảy và xói lở các cơ sở hạ tầng, trong đó có thể cả những đoạn đường sẽ xây dựng sẽ được giảm thiểu tối đa. Vậy nên, vấn đề còn lại chỉ là kinh phí, theo ước tính có thể cao gấp 2-3 lần mức đầu tư thông thường.
Dù vậy, chọn đắt hay chọn rẻ có thể không phải là một câu hỏi quá khó trả lời. Ngoài chi phí xây dựng, các yếu tố khác như tuổi thọ công trình, chi phí bảo hành bảo trì, khả năng chịu đựng trước các rủi ro của thiên tai, biến đổi khí hậu theo các chu kỳ 10 năm, 20 năm… cần được lượng hóa. Công khai, minh bạch thông tin, thể hiện sự cầu thị với ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực để đưa ra được các bộ hồ sơ cuối cùng theo từng phương án: phương án thường, phương án xây cao tốc trên cao toàn tuyến, phương án xây cao tốc trên cao từng phần, sẽ giúp các nhà quản lý có quyết sách xác đáng và thuyết phục hơn.
Vả lại, việc xây cầu cạn để giải quyết vấn đề nền đất yếu tại một số khu vực ĐBSCL từng có tiền lệ. Trong hơn 40 ki lô mét cao tốc đầu tiên của Việt Nam thuộc tuyến TPHCM – Trung Lương, có đến hơn 14 ki lô mét cầu cạn. Hiệu quả công trình này sau hơn 13 năm khai thác là một minh chứng cho quan điểm, đối với những dự án cao tốc đi qua khu vực có địa chất phức tạp, suất đầu tư đắt hay rẻ phải được tính toán trong dài hạn.
Lời cảnh tỉnh không chỉ nhắm tới một số dự án thành phần của đại dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực ĐBSCL mà còn với các dự án đầu tư công nói chung. Chúng ta đã chứng kiến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đội vốn 100% so với tổng mức đầu tư ban đầu với 12 lần trễ hẹn khai thác. Chúng ta đã có một Đạm Ninh Bình thua lỗ cả ngàn tỉ đồng vì công nghệ giá rẻ. Một nền kinh tế phát triển hơn đòi hỏi trình độ quản lý cao hơn và lúc này, giá rẻ không thể tiếp tục là “một cám dỗ”. Hãy nhớ rằng, một khi mũi lao đã phóng, sẽ không thể đi con đường khác.
Chọn mức giá hợp lý, đương nhiên, không phải nhiệm vụ dễ dàng. Từ phía các doanh nghiệp, không bị trói buộc bởi vòng kim cô giá rẻ mới dễ trúng thầu, mảnh đất để họ trình bày các phương án, ứng dụng những công nghệ tiên tiến sẽ thoáng rộng hơn. Đối với nhà quản lý, hiểu rõ đề bài của dự án, tham khảo kinh nghiệm thế giới, ứng dụng linh hoạt và phù hợp với điều kiện của Việt Nam là cơ sở để lựa chọn.
Hoàng Hạnh TBKTSG
|