Vẫn chưa có hướng xử lý số lãi vay phát sinh hơn 500 tỉ đồng của BOT Cai Lậy Dù dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn từ km 1987+560 đến km 2014+000 (BOT Cai Lậy) đã thu phí trở lại gần nửa năm nhưng số lãi phát sinh hơn 500 tỉ đồng do dự án dừng thu phí trước đó vẫn chưa có hướng xử lý.
Hơn 500 tỉ đồng lãi phát sinh tại dự án BOT Cai Lậy vẫn chưa có hướng xử lý. Trong ảnh là trạm thu phí nằm trên quốc lộ 1. Ảnh: Trung Chánh |
Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, doanh nghiệp dự án, xác nhận thông tin trên và cho biết đơn vị này đang tập trung thu phí ổn định còn các nội dung khác, gồm phần lãi phát sinh hơn 500 tỉ đồng sẽ được báo cáo các cơ quan liên quan hướng xử lý sau.
Tại buổi họp báo vào tháng 10 năm ngoái, ông Duy cho biết, sau gần 5 năm dự án tạm dừng thu phí (từ ngày 4-12-2017), công ty vẫn phải trả lãi vay hàng tháng cho ngân hàng với tổng số tiền phát sinh hơn 500 tỉ đồng, tức hơn 1/3 tổng vốn đầu tư của dự án.
Theo ông, số lãi phát sinh sẽ được doanh nghiệp dự án làm việc với các cơ quan, ban ngành để đưa vào tổng mức đầu tư của dự án.
Vào thời điểm đó, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cũng cho rằng, về nguyên tắc doanh nghiệp sẽ được cộng thêm phần lãi suất phát sinh hơn 500 tỉ đồng như nêu trên vào tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để có quyết định chính thức.
Trao đổi với KTSG Online, ông Duy cho biết, sau gần nửa năm dự án tái hoạt động (từ ngày 7-10-2022 đến hết ngày 30-3-2023), tổng doanh thu thu phí đạt 115,462 tỉ đồng, tương đương 670 triệu đồng/ngày đêm.
Trong tháng 3-2023, lưu lượng xe cộ qua dự án trung bình đạt trên 25.000 lượt/ngày đêm. Trong đó, trạm trên quốc lộ 1 là 16.590 lượt/ngày đêm và trạm trên tuyến tránh là 8.708 lượt/ngày đêm.
Dự án BOT Cai Lậy đã chính thức thu phí trở lại từ 7 giờ ngày 7-10-2022 sau gần 5 năm phải tạm dừng. Dự án được xây dựng hai trạm thu phí để thực hiện thu phí hoàn vốn. Trong đó, trạm thu phí trên tuyến tránh có mức giá thấp nhất là 24.000 đồng/xe và cao nhất là 137.000 đồng/xe; trạm thu phí trên quốc lộ 1 có mức giá thấp nhất là 14.000 đồng/xe và cao nhất là 118.000 đồng/xe.
Dự án có thời gian thu phí hoàn vốn theo hợp đồng ban đầu là 6 năm 4 tháng 29 ngày. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho xe ở khu vực xung quanh trạm, điều chỉnh giảm giá vé và phân chia lưu lượng với dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, thời gian thu phí hoàn vốn mới chưa được xác định.
Dự án BOT Cai Lậy có tổng chiều dài 38,46 km. Trong đó, tuyến tránh dài 12,02 km và cải tạo tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài 26,44 km.
Trung Chánh TBKTSG
|