Trong thời đại số ngân hàng có thể sụp đổ nhanh hơn
Các vụ sụp đổ liên tiếp của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature đã làm bộc lộ những lỗ hổng lớn trong hoạt động giám sát ngành ngân hàng tại Mỹ. Các quy định giám sát đã cho thấy nhiều bất cập, và không theo kịp với những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế.
Vì sao SVB và Signature lại sụp đổ nhanh chóng đến vậy? Đó là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra, bao gồm chính Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Các cuộc phỏng vấn với các cơ quan quản lý, quan chức giám sát cả trong quá khứ và hiện tại, các giám đốc ngân hàng và cả những nguồn tin thân cận tại các ngân hàng vừa sụp đổ, đã chỉ ra nguyên nhân của các vụ sụp đổ là do sự kết hợp giữa những thay đổi quá nhanh chóng trong nền kinh tế, và sự điều chỉnh chậm chạp của các cơ quan quản lý để thích ứng với những thay đổi đó.
Phát hiện vấn đề quá muộn
Khi bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát, sau nhiều năm duy trì ở mức thấp, giới chức Fed đã không dự đoán đầy đủ được các ngân hàng sẽ rơi vào nguy cơ thua lỗ lớn khi giá trị số trái phiếu mà họ nắm giữ sụt giảm. Phải đến cuối năm 2022, khi lãi suất đã tăng lên đáng kể, các cơ quan quản lý mới bắt đầu cảnh báo SVB rằng, mô hình kinh doanh của họ không còn phù hợp, và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, Fed cũng không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của việc các ngân hàng đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản tiền gửi vượt quá giới hạn bảo hiểm liên bang là 250.000 đô la Mỹ.
Thế nhưng, các báo cáo của Fed đã không coi đây là rủi ro. Các nhà quản lý thừa nhận rằng họ đã không để ý đến mối lo ngại này, bởi các khoản tiền gửi lớn thường là từ các khách hàng cốt lõi của SVB và Signature – những người được cho là sẽ gắn bó lâu dài với ngân hàng.
Thế nhưng, giờ đây, việc khách hàng có thể chuyển đi những khoản tiền lớn chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh đã loại bỏ khoản thời gian ân hạn quý giá đó.
|
Tuy nhiên, trên thực tế, tiền gửi đã biến mất nhanh hơn nhiều so với trước đây – điều mà không một cơ quan quản lý hay chủ ngân hàng nào có thể dự đoán được.
Đây được coi là một đặc điểm mới trong thời đại của phương tiện truyền thông xã hội, khi mà nỗi lo sợ và sự suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư có thể được lan truyền rất nhanh trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, những ứng dụng tiến bộ công nghệ trong giao dịch ngân hàng cũng góp phần khiến cuộc khủng hoảng của các ngân hàng trở nên trầm trọng hơn.
Trong quá khứ, các ngân hàng có thể điều chỉnh dòng tiền rút ra, bằng cách kiểm soát tốc độ đếm tiền mặt của giao dịch viên, hoặc lượng tiền trong máy ATM. Những khách hàng muốn đóng tài khoản hoặc chuyển đi một số tiền lớn cần phải tìm đến chi nhánh ngân hàng. Điều này sẽ cho phép các giám đốc điều hành có đủ thời gian để lên kế hoạch xoa dịu sự lo ngại của khách hàng.
Thế nhưng, giờ đây, việc khách hàng có thể chuyển đi những khoản tiền lớn chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, đã loại bỏ khoản thời gian ân hạn quý giá đó. “Tốc độ mọi thứ xảy ra là rất nhanh, rất khác so với những gì chúng ta từng thấy trước đây”, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận.
Trong khi nền kinh tế ghi nhận những sự thay đổi với tốc độ chóng mặt, tốc độ điều chỉnh của các cơ quan quản lý như Fed để thích ứng với những thay đổi đó, đơn giản là quá chậm chạp và thiếu quyết đoán.
Ngay cả khi đã tiến hành tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, Fed vẫn không đặt rủi ro lãi suất lên ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động quản lý của mình.
Chỉ mãi tới năm nay, trong cuộc kiểm tra áp lực, Fed mới yêu cầu các ngân hàng cho biết, họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ được đưa ra khi lạm phát đã đạt đỉnh, và kết quả kiểm tra sẽ không có bất kỳ tác động thực tế nào đến hoạt động của các ngân hàng.
Những bất cập trong cơ chế giám sát
Theo các chuyên gia, một yếu tố khác góp phần dẫn đến thất bại trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của các ngân hàng, chính là sự thay đổi về bản chất của hoạt động giám sát. Trong nhiều thập kỷ, hoạt động giám sát ngân hàng tại Mỹ đã phát triển theo hướng ưu tiên tính nhất quán, công bằng và minh bạch hơn là tốc độ.
Ông Rosengren, người từng là Chủ tịch của Fed chi nhánh Boston từ năm 2007-2021 và trước đó là giám đốc giám sát ngân hàng, cho biết việc giám sát thậm chí còn trở nên tập trung và quan liêu hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 và việc thông qua luật điều tiết tài chính Dodd-Frank năm 2010.
Mặc dù các thanh tra viên thường xuyên cảnh báo các ngân hàng về những vấn đề cần được chú ý hoặc chú ý ngay lập tức, việc buộc họ phải thay cách thức hoạt động bằng những biện pháp cứng rắn hơn, như lệnh đình chỉ, lại đòi hỏi một quy trình phức tạp và mất thời gian hơn.
Theo một quan chức của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), các vấn đề hiếm khi được xử lý bằng lệnh đình chỉ, trừ khi có một ngân hàng nào đó không tuân thủ các quy định trong thời gian dài.
Chính trị cũng ảnh hưởng đáng kể đến cơ chế giám sát các ngân hàng. Hồi năm 2018, khi cuộc khủng hoảng tài chính đã qua đi, các ngân hàng, bao gồm cả SVB, bắt đầu vận động hành lang để được đối xử nhẹ nhàng hơn, và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ các đảng viên Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ.
Hệ quả là trong năm đó, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua đạo luật quy định các ngân hàng có giá trị tài sản từ 250 tỉ đô la trở lên mới phải chịu sự giám sát chặt chẽ nhất, thay vì 50 tỉ đô la như trước đó. Quy định này khiến số lượng các ngân hàng trong diện bị giám sát chặt chẽ của Fed giảm hơn một nửa.
Ngoài ra, bản thân Fed cũng tiến hành điều chỉnh các quy định của mình theo hướng giảm bớt gánh nặng cho các ngân hàng. Tháng 3-2021, dưới sự chỉ đạo của Phó chủ tịch Giám sát Randal Quarles, Fed đã ban hành những hướng dẫn khiến cho việc giám sát ngày càng trở nên dễ đoán hơn, để lại ít vấn đề hơn cho các giám sát viên.
Theo các chuyên gia, chính những thay đổi này được cho là đã góp phần khiến hệ thống ngân hàng Mỹ dễ bị tổn thương và đối mặt nhiều rủi ro hơn.
Ngân Diệp (Theo New York Times, WSJ, Washington Post)
TBKTSG
|