Transimex giảm gần 60% mục tiêu lợi nhuận năm 2023 Công ty cổ phần Transimex (TMS) đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế năm nay giảm lần lượt gần 31% và 59% so với thực hiện của năm 2022.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ tiến hành thực hiện các công việc để thoái vốn khoản đầu tư khỏi liên doanh Nippon Express (Việt Nam), mua tàu container đóng tại Nhật Bản…
Những kế hoạch và mục tiêu trên được ĐHĐCĐ thường niên của Công ty cổ phần Transimex thông qua tại sự kiện diễn ra vào ngày 27-4 tại TPHCM.
Đại hội đồng cổ đông 2023 của Transimex vào sáng ngày 27-4 tại TPHCM. Ảnh: L.Hoàng |
Cụ thể tại đại hội, Transimex trình cổ đông với mục tiêu doanh thu năm nay là hơn 2,521 tỉ đồng, lãi trước thuế hơn 317 tỉ đồng, giảm lần lượt gần 31% và 59% so với thực hiện năm 2022.
Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận giảm sâu này khiến cổ đông đặt ra câu hỏi và được ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Transimex cho rằng do kết quả kinh doanh năm ngoái tăng cao là mang tính khách quan và chủ quan. Khách quan là đại dịch Covid-19 vẫn còn năm 2022, Transimex và ngành logistics có được sự may mắn và ứng xử hợp lý trong đại dịch, cố gắng “tiêu hóa” được sản lượng tốt.
Theo ông Ngọc, tình hình kinh tế năm nay cho thấy rất khó khăn, ngay cả đầu tàu kinh tế cả nước là TPHCM quí vừa rồi cũng chỉ tăng trưởng 0,7%. “Do vậy chúng tôi không đặt mức tham vọng hơn”, ông Ngọc trả lời câu hỏi thắc mắc của cổ đông tại hội nghị.
Cũng theo đại diện Transimex, thông thường kết thúc quí 1, doanh thu phải đạt 25% kế hoạch của cả năm, nhưng dù đã nỗ lực hết sức nhưng trong quí 1 vừa qua công ty chỉ mới đạt được 16% kế hoạch doanh thu, ước đạt 400 tỉ đồng.
HĐQT Transimex cũng đặt ra một số hoạt động trọng tâm năm 2023. Trong đó có thể kể đến việc tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển logistics bền vững thông qua phát triển logistics xanh và hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, mở rộng địa bàn trên phạm vi cả nước,…
Công ty cũng triển khai thực hiện đầu tư giai đoạn 2 của Trung tâm Logistics Thăng Long và cùng với các đối tác đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Trung tâm Logistics Vĩnh Lộc, Kho lạnh tại Bến Lức (Long An)…
Ngoài ra, sẽ tiến hành đàm phán và thực hiện các công việc để thoái vốn khoản đầu tư khỏi Công ty liên doanh TNHH Nippon Express (Việt Nam).
Theo ông Lê Duy Hiệp, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TMS, công ty sắp hoàn tất quá trình mua 1 tàu container đóng tại Nhật Bản, công suất 1.100 TEU (20 feet). Trước mắt, tàu này khai thác vận tải nội địa.
Đại hội cũng thông qua việc hủy phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 15% đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua. Nguyên nhân do UBCKNN có ý kiến phản hồi TMS chưa có nguồn lợi nhuận phân phối nhận được từ các công ty con để đáp ứng điều kiện về nguồn vốn phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Thay vào đó, TMS sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 30%. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 36,5 triệu cổ phiếu, dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ TMS tăng lên mức 1.583 tỉ đồng. Năm 2023, TMS trình cổ đông phương án trả cổ tức từ 15 – 20% bằng tiền và/hoặc cổ phiếu.
Song song đó, TMS cũng trình ĐHĐCĐ cổ tức năm 2023 từ 15%-20% (bằng tiền và/hoặc cổ phiếu).
TMS cũng trình ĐHĐCĐ phương án phát hành 7 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 700 tỉ đồng. Dự kiến phát hành giai đoạn 2024-2025, chia làm 2 đợt (đợt 1 năm 2024, đợt 2 năm 2025), mỗi đợt 3,5 triệu trái phiếu. Vốn huy động từ trái phiếu chuyển đổi sẽ được sử dụng để đầu tư các dự án phát triển năng lực cung cấp dịch vụ logistics, đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty.
Các trái phiếu có kỳ hạn 2 năm kể từ ngày phát hành (của từng đợt), không có tài sản đảm bảo, lãi suất 7%/năm. Lãi trái phiếu được thanh toán một năm một lần.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng của TMS đạt lần lượt là 3.648 tỉ đồng và 774 tỉ đồng, lần lượt tăng 6% và 55% so với kế hoạch đề ra.
Lê Hoàng TBKTSG
|