Thứ Năm, 06/04/2023 13:23

Giám đốc ADB: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài

Theo ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia của ADB, Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, sức mua tăng và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Thương

Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài

Theo ông Andrew Jeffries, Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, sức mua tăng và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Mặc dù Việt Nam ghi nhận chút suy giảm trong việc thu hút FDI trong quý 1 vừa qua, tuy nhiên, ông Andrew Jeffries cho rằng điều này không đáng ngại vì mức suy giảm không diễn ra liên tục.

Vừa qua, đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay đã tới Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và muốn tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, nhất là quan tâm đến phát triển năng lượng sạch, phù hợp với cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Việt Nam nên tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đề ra các chính sách đầu tư minh bạch và tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các yếu tố như cơ sở hạ tầng vận tải đa phương thức hiện đại, số hóa các dịch vụ hải quan cũng như khả năng tiếp cận năng lượng xanh và sạch. Đây là các yếu tố quan trọng để Việt Nam cần cân nhắc bên cạnh cam kết phát thải bằng 0.

Thời gian tới, Việt Nam cần nguồn đầu tư rất lớn vào lĩnh vực năng lượng vì Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhu cầu về năng lượng và điện cũng tăng rất nhanh. Nhưng để phát triển kinh tế xanh, năng lượng sạch, Việt Nam cần xem xét áp dụng các công nghệ mới và giải quyết một loạt các thách thức kỹ thuật khác nhau.

Trong suốt 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã xây dựng thành công cơ sở hạ tầng và đáp ứng nhu cầu điện khí hóa đất nước với gần 100% người dân Việt Nam được tiếp cận đầy đủ nguồn điện năng.

Vì vậy ông Andrew Jeffries khuyến nghị trong thời gian tới, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho nguồn năng lượng sạch với giá cả phải chăng. Thêm vào đó, Việt Nam cần nâng cấp hệ thống truyền tải điện để thúc đẩy sự phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Ông Andrew Jeffries cho rằng lĩnh vực xuất khẩu hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức do kinh tế toàn cầu suy giảm.

 Vì vậy, ngoài việc thúc đẩy thương mại với 2 đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam cần tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước ASEAN (hiện ASEAN đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam).

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam đa dạng thị trường xuất khẩu của mình, trong đó có các nước khác như Canada, Australia và New Zealand.

Về lâu dài, Việt Nam cần tăng năng suất lao động, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất và định hướng xuất khẩu, ông Andrew Jeffries khuyến nghị.

Giám đốc Quốc gia của ADB bày tỏ ấn tượng với mức tăng trưởng kinh tế 8.2% của Việt Nam trong năm 2022, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Tuy vậy, Việt Nam đã và đang đối mặt với một số thách thức từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu từ quý 4/2022 và các thách thức này đang gia tăng trong năm 2023.

Bên cạnh đó, các yếu tố từ bên ngoài như căng thẳng địa chính trị, các vấn đề về chuỗi cung ứng và áp lực của thị trường vẫn đang diễn ra cùng với những thách thức trong nước liên quan đến thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể là lực cản đối với tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, trong quý 3 và quý 4/2023, kinh tế Việt Nam sẽ có những cải thiện đáng kể nhờ việc nới lỏng chính sách tiền tệ, trong đó phải kể đến động thái tích cực gần đây của Ngân hàng Nhà nước. Điều này cho thấy Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng và ổn định thị trường tài chính.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đề ra mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công rất cao trong năm 2023, điều này rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp do lĩnh vực xây dựng đã có chút thu hẹp vào quý I. Lĩnh vực dịch vụ cũng là đòn bẩy cho kinh tế Việt Nam trong năm nay với đà phát triển mạnh và đóng góp đến 3.5 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.

Đặc biệt, tăng trưởng du lịch mạnh mẽ cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ mang lại lợi ích cho ngành du lịch bên cạnh những lợi ích về thương mại.

Chính vì vậy, ông Andrew Jeffries cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trường kinh tế 6.5% trong năm nay, nhất là khi Chính phủ đang tích cực thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh trong quý 1 (06/04/2023)

>   Vốn đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành giảm hơn 1.200 tỷ (06/04/2023)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu đến ngày 15/5 PVN phải trình Đề án xử lý DQS (05/04/2023)

>   Cổ phần hoá ‘thổi bay’ của nhà nước 54 tỉ đồng (05/04/2023)

>   Nhiều siêu thị giảm giá mạnh để kích cầu (05/04/2023)

>   Gỡ dần nút thắt bất động sản (04/04/2023)

>   Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu ở TPHCM do đơn hàng giảm (04/04/2023)

>   Ngành hàng 11 tỷ USD tăng trưởng âm, doanh nghiệp vẫn 'ngóng' đơn hàng (04/04/2023)

>   Bình Dương tạm dừng hướng dẫn về giấy phép xây điện Mặt Trời mái nhà (04/04/2023)

>   Bộ Công Thương yêu cầu EVN sớm thống nhất giá điện gió, điện mặt trời (03/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật