Nhiều siêu thị giảm giá mạnh để kích cầu
Sắp tới khu vực Đông Nam bộ có cao tốc kết nối tỉnh Bình Thuận, qua đó có thể giúp chi phí vận chuyển giảm.
“Quý I các mặt hàng thiết yếu, cung cầu giá cả không biến động. Tuy nhiên, thương mại, dịch vụ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công... thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều” - thông tin được Sở Công thương TP.HCM cho biết tại buổi họp báo quý I-2023 chiều 3-4.
Siêu thị nỗ lực tung chương trình hỗ trợ giá
Đại diện các nhà bán lẻ cho biết, quý I sức mua tăng 5%-10% và đang chững lại. Để quý II khởi sắc hơn, bên cạnh đồng hành chương trình bình ổn giá, các siêu thị tung ra nhiều khuyến mãi.
Theo đại diện Central Retail, thời gian qua sức mua tại hệ thống tăng hơn 10% so cùng kỳ, đây là tín hiệu vui nhưng cảm giác không an toàn vì thị trường đang chững lại. Đơn vị chưa có đánh giá, dự đoán trong quý II
Tương tự, bà Đỗ Thị Dậu, Trưởng ban bán lẻ Satra cho biết, doanh thu quý I tăng 7,2% so với cùng kỳ, kết quả khả quan nhưng sức mua tăng trong tháng tết, tháng 2, 3 giảm hơn.
Theo bà Dậu, từ tháng 4 đến tháng 6, Satra sẽ triển khai chương trình kích cầu đối với một số mặt hàng tươi sống trong chương trình bình ổn như thịt heo, thịt gà giảm 20%-25%. Một số mặt hàng không tham gia bình ổn giảm hơn 40%.
“Đây là hành động Satra có thể chia sẻ cùng nhà sản xuất, bán hàng không lợi nhuận, làm sao kích cầu bình ổn thị trường đạt hiệu quả” - bà Dậu nói.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thu mua MM Mega Market Việt Nam, nhìn chung sức mua nhóm khách hàng tiêu dùng hàng ngày, nhóm doanh nghiệp tăng trưởng 11,8%.
Hiện tại khách hàng chủ yếu chi tiêu cho hàng thiết yếu, giỏ hàng giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Toàn, để đồng hành cùng Sở Công thương, bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, từ 31-3 MM Mega Market tung chương trình giá sỉ bình ổn cho hơn 40 mặt hàng tươi sống như thịt heo, thịt gà, rau củ, trái cây... với giá tốt như chợ đầu mối.
Đặc biệt, chương trình “Khóa giá” với 500 sản phẩm thiết yếu, siêu thị nhận được sự đồng hành của 37 DN sản xuất cùng cam kết không tăng giá trong thời gian tới, ít nhất trong quý II.
“Đây là hành động thiết thực công ty đồng hành cùng chính quyền địa phương giảm áp lực tăng giá, chia sẻ cùng người dân” - ông Toàn nói.
Người dân mua thịt gà tại chợ truyền thống. ẢNH: TÚ UYÊN
|
Chi phí vận chuyển quá cao
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, biến động kinh tế thế giới tác động khiến sản xuất trong nước khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến bán lẻ.
Do đó, các DN cùng ngành Công thương khai thác tốt nhất chương trình bình ổn thị trường. Tuy nhiên, một số giải pháp có thể tác động giúp sản xuất và bán lẻ có tín hiệu tốt.
Ông Phương cho biết, trong buổi tổng kết hợp tác kinh tế xã hội ĐBSCL vừa diễn ra, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Chi phí một container hàng từ Bến Tre lên cảng Cát Lái giá cao gấp ba lần so với một container từ Thái Lan về cảng Cát Lái".
Theo ông Phương, điều này là tất nhiên vì chi phí đi bằng đường thủy thấp hơn, nhưng điều đó không có là nghĩa chi phí logistics của chúng ta đang "bình thường" mà phải nói là khá cao.
TP.HCM nhận thấy điều này và đã có đề án logistics, Sở Công thương phối hợp cùng các sở ngành tích cực triển khai. Với những giải pháp này sẽ giúp chi phí vận chuyển của DN giảm.
Bên cạnh đó, hàng hóa về TP.HCM qua hai khu vực Tây và Đông Nam Bộ, sắp tới khu vực Đông Nam bộ với cao tốc kết nối tỉnh Bình Thuận là cơ sở giúp chi phí vận chuyển giảm.
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM
|