Thứ Ba, 11/04/2023 08:46

ĐHĐCĐ PVTrans: Lợi nhuận quý 1 đạt 278 tỷ đồng

ĐHĐCĐ thường niên 2023 Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT) được tổ chức vào sáng ngày 11/03 tại TP.HCM.

Ông Phạm Việt Anh (giữa), Chủ tịch HĐQT PVT phát biểu tại Đại hội

Lợi nhuận hợp nhất quỹ 1 đạt 278 tỷ đồng

Đánh giá chỉ tiêu kinh doanh 2023, Chủ tịch PVT cho biết, kế hoạch xây dựng theo phương án thận trọng. Chỉ tiêu kế hoạch lúc nào cũng thấp hơn thực hiện năm trước, nhưng sẽ cao hơn kế hoạch năm trước. PVT đặt kế hoạch nhưng không ỷ lại và chỉ làm như vậy. Từ 2019 đến nay, lợi nhuận của PVT đều trên 1,000 tỷ, 2021 là 1,040 tỷ và năm 2022 thì hơn 1.4 ngàn tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, lợi nhuận hợp nhất đạt 278 tỷ đồng.

Độ nhạy của thị trường vận tải là rất nhanh, phản ứng ngay với các thông tin như chiến tranh, Fed tăng lãi suất. Bởi vậy, chúng ta phải xác định quản trị theo mục tiêu dài hạn, còn để dự báo chính xác thì khó. Chúng tôi hướng tới lợi nhuận trên 1 ngàn tỷ trong năm nay”, Chủ tịch Phạm Việt Anh nói thêm.

Chủ tịch PVT cũng cho biết, vận tải dầu sản phẩm, hoá chất, vận tải LNG là thị trường rất lớn, nhưng hiện đang khó khăn vì chiến tranh Nga-Ukraine đẩy giá rất cao. Với mức giá ấy, không nền kinh tế nào chịu nổi. Đến thời điểm hiện tại, vấn đề của LNG trong ngắn hạn là khó khăn, khi nhu cầu tăng cao. Một tàu LNG mới giờ cực kỳ đắt đỏ, có thể lên đến 200 triệu USD.

“Chúng tôi cũng từng hướng đến các tàu cũ, giá mềm hơn, nhưng giờ cũng đã đẩy lên. Vậy nên, đầu tư LNG ở thời điểm hiện tại chưa quá cấp thiết, có thể hướng đến các tàu khác”.

Về triển vọng vận tải LPG, Chủ tịch PVT cho biết, mảng LPG trước đây chiếm tỷ trọng rất tốt trong giai đoạn khó khăn. Nhưng thực ra, dư địa trong nước chỉ có vậy, khoảng 1 triệu tấn đổ lại.

Vài năm gần đây, thị trường LPG tăng khá mạnh. Nếu quy đổi thô, tàu LPG chạy trong nước chỉ 28%, còn lại là nước ngoài. Nhưng nhìn chung, xu hướng vận tải mảng LPG vẫn đang ổn định dù không có đột biến, khác với các tàu hàng rời.

Trong cơ cấu vận tải chung của Công ty, LPG chỉ chiếm khoảng 13%. Các mảng khác tăng trưởng tốt nên chiếm tỷ trọng lớn hơn, như tàu hàng rời.

Tổng lãi suất lãi vay bình quân thấp hơn 30% so với các đội tàu khác

Nói về chi phí lãi vay VND với USD, đại diện PVT chia sẻ, năm 2022, vấn đề chi phí lãi vay rất quan trọng. Nhìn vào BCTC, nhiều doanh nghiệp trong năm 2022 thậm chí ghi nhận tăng hạng mục này tới 100%. Dựa trên các báo cáo nghiên cứu khả thi, PVT đã thận trọng với chi phí lãi vay.

Thời gian qua, Công ty đã liên tục áp dụng các giải pháp tài chính để hedging và kiểm soát ảnh hưởng của chi phí lãi vay. Như các tàu được vay để mua, sau đó tìm đến các ngân hàng để tái tài trợ (refinancing). “Tổng lãi suất lãi vay bình quân của tổng đội tàu của PVT, tôi tin là thấp hơn 30% so với các đội tàu khác” đại diện PVT nói thêm.

Đối với nhóm chi phí quản lý doanh nghiệp, có khoản mục chi phí khác 213 tỷ là khấu hao về tài sản cố định, các chi phí thuê văn phòng. Mức 213 tỷ cho toàn công ty thực chất là mức thấp, đặc biệt là trong ngành vận tải. Nhiều năm qua, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gần như không có sự gia tăng.

Chủ tịch Phạm Việt Anh bổ sung, trong chi phí quản lý, tiền lương tăng rất ít, phần còn lại là các chi phí quản lý hành chính… Tổng chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 5%, là mức rất nhỏ. Vấn đề khấu hao, năm qua Công ty khấu hao hơn 1.9 ngàn tỷ đồng. Về bản chất là đẩy nhanh các tàu mới đầu tư hoặc đã đầu tư về thời gian khấu hao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Kế hoạch đầu tư tàu năm 2023

Chia sẻ về kế hoạch đầu tư tàu mới năm 2023, Chủ tịch Phạm Việt Anh cho biết, dự kiến công ty mẹ sẽ đầu tư khoảng 164 triệu USD, cho dự án 6 tàu chở. Ngoài ra còn có vốn đầu tư ngoài hơn 190 triệu USD cho 12 tàu.

Việc lập kế hoạch đầu tư là một chuyện, triển khai hay không thì phải đảm bảo hiệu quả. Nếu đầu tư đúng và tốt, lợi ích lâu dài sẽ tốt. Nếu vì áp lực ngắn hạn sẽ nguy hiểm.

PVT trong giai đoạn 2017-2020 đầu tư rất tốt, nên đã tạo hiệu quả tốt cho công ty sau này.

Giai đoạn 2021-2022, do ảnh hưởng Nga-Ukraine, thị trường mua bán tàu biển tăng vọt, có những tàu tăng đến 3 lần. Như tàu Alpha Max, trước đây khoảng 18 triệu USD, nay là hơn 40 triệu USD. Như tàu VLCC trước là 40 triệu, nay lên hơn 70 triệu.

Nhưng giá cước tăng cũng mạnh. Trước đây chỉ đạt mức trung bình 15-25 ngàn USD/ngày, nhưng giờ có thể lên tới 70 ngàn USD. Về cơ bản, các dự án trước đây đang hiệu quả.

Trong quý 1, PVT đã đầu tư vào 2 tàu và dự kiến nhận trong tháng 5-6/2023. Với bối cảnh thị trường mua bán tàu hiện nay, có thể sẽ có thêm tàui chở dầu sẽ được đầu tư. Một số dự án danh mục đầu tư chung có thể là thêm các tàu hoá chất nữa, khoảng 10-11 tàu trên hơn 20 tàu cho cả năm.

Hé lộ việc chỉ bảo dưỡng 1 nhà máy lọc dầu trong năm 2023

Ông Nguyễn Duyên Hiếu, Tổng Giám đốc PVT cho biết, sau khi có rất nhiều nỗ lực, xem xét đánh giá kiểm tra các điều kiện, thì NMLD Dung Quất sẽ dời kế hoạch bảo dưỡng từ năm 2023 sang đầu năm 2024. Do đó sẽ chỉ có 1 nhà máy dừng lại để bảo dưỡng trong 2023 là NMLD Nghi Sơn. 

Chủ tịch Phạm Việt Anh chia sẻ, năm 2022 có rất nhiều biến động về địa chính trị, từ hậu COVID-19 đến cuộc chiến Nga-Ukraine. Bối cảnh đấy mang đến thuận lợi nhưng là ngắn hạn, còn rủi ro lại là dài hạn.

Chủ tịch nói thêm, quy mô tài sản của PVT đã vượt lên 14 ngàn tỷ đồng. Nhưng có điểm ít thể hiện trong báo cáo là chất lượng tài sản, với đội tàu 43 chiếc là những tàu trẻ hơn, phù hợp với xu thế của thị trường. 

Trong giai đoạn 5 năm từ 2021-2025, PVT dự kiến đạt tổng doanh thu từ 39.5-42 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng trung bình 3%/năm; lãi trước và sau thuế lần lượt từ 4.9-6 ngàn tỷ đồng và 3.8-4.5 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm; nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.3-2.7 ngàn tỷ đồng.  

Kế hoạch lãi giảm sâu

ĐHĐCĐ thông qua mức doanh thu hợp nhất 6.8 ngàn tỷ đồng cho năm 2023; lãi trước thuế và sau thuế lần lượt 680 tỷ đồng và 538 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà 296 tỷ đồng.

Nguồn: PVT

Các chỉ tiêu này thấp hơn đáng kể so với những gì PVT đã thực hiện trong năm 2022. Năm qua, PVT đạt kết quả kỷ lục với doanh thu hơn 9 ngàn tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1,156 tỷ đồng. Như vậy nếu so với năm 2022, mục tiêu doanh thu của PVT giảm 25%, trong khi lãi sau thuế chưa bằng phân nửa.

Về các chỉ tiêu đầu tư, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch chi hơn 4.11 ngàn tỷ đồng, trong đó hơn 3.85 ngàn tỷ đồng đề đầu tư tàu, và 260 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị vận tải. Nguồn vốn đầu tư chỉ có 1.4 ngàn tỷ đồng là vốn chủ, còn lại là đi vay và các nguồn khác.

Các chỉ tiêu trên được đặt ra trong bối cảnh PVT cho rằng còn nhiều khó khăn trước mắt:

- Dù kinh tế toàn cầu đã được dự báo sẽ trở nên tích cực hơn. Theo đó dù lạm phát có xu hướng giảm, nhưng sẽ vẫn là mối lo đáng kể khi sự tăng trưởng trở lại ở nhiều nền kinh tế lớn kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ… gia tăng, qua đó gây áp lực lên lạm phát. Cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp diễn cũng có khả năng cản bước tăng trưởng của nền kinh tế.

- Giá dầu được dự báo sẽ tăng mạnh từ giữa năm 2023, do Nga dự kiến cắt giảm mạnh sản lượng xuất khẩu.

- Triển vọng thị trường vận tải dầu thô và dầu sản phẩm nhìn chung vẫn tích cực, nhưng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng nếu tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo và OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu. Giá cước vận tải được dự báo sẽ hạ nhiệt. Tuy vậy, thị trường vận tải hoá chất và khí hoá lỏng (LPG)sẽ tích cực hơn nhờ Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, và các bất ổn vĩ mô hạ nhiệt.

- Công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu sẽ giảm, do đều đã đến kỳ bảo dưỡng tổng thể trong năm 2023. Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến dừng hoạt động 50-55 ngày, và nhà máy Nghi Sơn là 45-50 ngày. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước có thể tiêu cực vì đà giảm hồi phục kinh tế và lạm phát còn ở mức cao. PVT dự báo, vận chuyển dầu thô, xăng dầu và LPG nội địa sẽ thấp hơn năm 2022.

Năm 2022, PVT đạt mức lãi cao nhất kể từ khi niêm yết

Theo bảng phương án phân phối lợi nhuận của PVT, thời điểm ngày 31/12/2022, Doanh nghiệp có 904 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 323 tỷ đồng trong số này được doanh nghiệp dự kiến chia cổ 10% cổ tức bằng cổ phiếu dựa trên nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022 theo vốn điều lệ thời điểm 31/12/2021, qua đó để nâng vốn điều lệ lên 3,560 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện PVT đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Với nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại (578 tỷ đồng), Doanh nghiệp dự chi hơn 97 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%– tương đương cổ đông sở hữu 1 cp nhận được 300 đồng.

Đại hội thông qua việc phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 theo tỷ lệ 10%, qua đó nâng vốn điều lệ từ 3,560 tỷ đồng lên 3,916 tỷ đồng. Việc chi trả này sẽ được thực hiện sau khi PVT hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 3,560 tỷ đồng theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Cũng tại đại hội, PVT đã trình và được thông qua việc miễn nhiệm thành viên BKS Kim Kwang Hyuk theo đơn từ nhiệm ngày 21/03/2023, với lý do chuyển công tác về Hàn Quốc, đồng thời bầu bổ sung 1 ứng viên là bà Ngô Thị Thu Linh.

Về kế hoạch thù lao, lương thưởng cho HĐQT và BKS năm 2023, ĐHĐCĐ đã thông qua mức phụ cấp Thành viên HĐQT độc lập là 20 triệu đồng/người/tháng; Thành viên HĐQT kiêm nhiệm, không tham gia điều hành là 20 triệu đồng/người/tháng; Thành viên HĐQT tham gia điều hành là 5 triệu đồng/người tháng; Thành viên BKS nhận 9 triệu đồng/người/tháng. Lương thưởng của các thành viên HĐQT, BKS chuyên trách sẽ giao cho HĐQT thực hiện theo quy định.

Đại hội kết thúc với toàn bộ tờ trình được thông qua.

Hồng Đức

FILI

Các tin tức khác

>   Từ “con ruồi” 500 triệu đồng đến lời chào 2.5 tỷ đô của Coca-Cola: Những lần Tân Hiệp Phát khiến thị trường rúng động (11/04/2023)

>   Cha con ông Trần Quí Thanh vướng nhiều tố cáo trước khi bị bắt (10/04/2023)

>   BRC: BCTC quý 1 năm 2023 (10/04/2023)

>   G36: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (10/04/2023)

>   HFC: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (10/04/2023)

>   SSG: Báo cáo thường niên 2022 (10/04/2023)

>   SeABank đặt kế hoạch lãi trước thuế 2023 hơn 5,633 tỷ đồng, tăng 11% (11/04/2023)

>   HSP: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (10/04/2023)

>   Sau kiểm toán, lợi nhuận ròng IDC “bay màu” hơn 540 tỷ đồng (10/04/2023)

>   PCC: Báo cáo tài chính năm 2022 (Công ty mẹ) (10/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật