Thứ Ba, 11/04/2023 08:30

Từ “con ruồi” 500 triệu đồng đến lời chào 2.5 tỷ đô của Coca-Cola: Những lần Tân Hiệp Phát khiến thị trường rúng động

Thông tin ông chủ hãng nước giải khát lớn nhất nhì Việt Nam bị bắt hẳn là một thông tin rúng động. Và trên thực tế trong quá khứ, cái tên Tân Hiệp Phát cũng không ít lần làm ồn ào thị trường cũng như giới truyền thông, cả tích cực lẫn tiêu cực. 

Ngày 10/04, ông Trần Quí Thanh, nhà sáng lập kiêm CEO Tập đoàn Tân Hiệp Phát bị khởi tố và bắt tạm giam, cùng hai con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.

Theo Bộ Công an, một số công dân trên địa bàn TPHCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TPHCM từ tháng 11/2020.

Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định: Hành vi của ông Thanh, bà Phương, bà Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Thông tin ông chủ hãng nước giải khát lớn nhất nhì Việt Nam bị bắt hẳn là một thông tin rúng động. Và trên thực tế thì trong quá khứ, cái tên Tân Hiệp Phát cũng không ít lần khiến thị trường cũng như truyền thông chao đảo, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Ồn ào vụ “con ruồi” 500 triệu đồng

Với những ai dõi theo Tân Hiệp Phát, có lẽ chưa thể quên vụ ồn ào “con ruồi” từng khiến doanh nghiệp này điêu đứng một thời gian.

Chuyện xảy ra vào năm 2015, tại một quán cơm ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Ngày 03/01/2015, chủ quán cơm là Võ Văn Minh trong lúc mở nắp chai nước uống Number 1 cho khách hàng đã phát hiện dị vật giống xác ruồi bên trong. Người này sau đó đã gọi cho doanh nghiệp, đề nghị cử người thương lượng, đưa tiền để đổi lấy sự im lặng.

Chai nước tăng lực nghi có ruồi - Nguồn: Thanh niên

Theo bản cáo trạng của Viện KSND tỉnh Tiền Giang, ông Võ Văn Minh đã ra giá 1 tỷ đồng cho câu chuyện này, nếu không sẽ tố cáo với cơ quan chức năng, lan truyền thông tin để làm mất uy tín Công ty. Sau nhiều lần thương lượng, mức giá cuối cùng được chốt là 500 triệu đồng. Tuy nhiên ngày 27/01/2015, khi đang nhận tiền từ doanh nghiệp, Minh bị công an bắt quả tang, sau đó bị khởi tố vì hành vi tống tiền và cưỡng đoạt tài sản.

Câu chuyện khi ấy trở nên nóng sốt hơn với dư luận, đẩy Tân Hiệp Phát vào một cuộc khủng hoảng truyền thông đáng sợ. Dù được cho là “bị hại”, nhưng đa số dư luận cho rằng Tân Hiệp Phát đã lợi dụng uy thế của doanh nghiệp lớn để… bắt nạt, “bẫy” người tiêu dùng vào vòng lao lý.

Võ Văn Minh sau này bị kết án 7 năm tù. Còn Tân Hiệp Phát, trong một thông cáo phát đi vào giữa tháng 12/2015, Doanh nghiệp đã thiệt hại khoảng 2,000 tỷ đồng trước làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng.

Tiết lộ từng được Coca-Cola hỏi mua với giá tỷ đô

Năm 2018, bà Trần Uyên Phương, con gái ông Thanh ra mắt cuốn sách "Competing with Giants" (tạm dịch là Vượt lên người khổng lồ), được viết chung với nhà báo Jackie Horne (người Anh) và chuyên gia kinh tế John Kador (người Mỹ), được ForbesBook xuất bản.

Trong cuốn sách, bà Phương tiết lộ thông tin bất ngờ: Năm 2012, sau nhiều tháng đàm phán, Coca-Cola đã đưa ra lời đề nghị vô cùng hấp dẫn để mua lại Tân Hiệp Phát với giá 2.5 tỷ USD. Tính theo tỷ giá lúc bấy giờ, mức giá ấy tương đương khoảng 50 ngàn tỷ đồng tiền Việt.

Bà Uyên Phương tiết lộ Tân Hiệp Phát từng được Coca-Cola hỏi mua với giá 2.5 tỷ USD

Bà Phương cho biết vào thời điểm ấy, Việt Nam chưa có tỷ phú đô la. Nếu như đồng ý, cha của bà là ông Thanh có thể trở thành tỷ phú với lời đề nghị 2.5 tỷ USD ấy, Dr. Thanh sẽ trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam thay vì Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (ông Vượng là tỷ phú đô la từ năm 2013).

Nhưng rốt cục, Tân Hiệp Phát đã từ chối. Bà Phương tiết lộ, dù đó là một lời đề nghị hấp dẫn nhưng do Coca-Cola yêu cầu Tân Hiệp Phát không được ra mắt thêm sản phẩm mới và chỉ được kinh doanh ở Việt Nam, Lào và Campuchia, doanh nghiệp đã quyết định từ chối.

Tham vọng trở thành “Red Bull” Đông Nam Á?

7 năm sau lời từ chối với Coca-Cola, cái tên Tân Hiệp Phát và CEO Trần Quí Thanh lại một lần nữa gây xôn xao, qua một bài viết trên Bloomberg. Theo bài viết, Tân Hiệp Phát tìm kiếm một đối tác chiến lược và mạnh về vốn, có thể đầu tư 3 tỷ USD để biến doanh nghiệp trở thành một Red Bull (thương hiệu nước giải khát nổi tiếng toàn cầu đến từ Áo) tiếp theo của Đông Nam Á.

Ông Trần Quí Thanh từng thể hiện tham vọng muốn biến Tân Hiệp Phát thành Red Bull của Đông Nam Á

“Quan trọng là tìm đúng đối tác với chung một tầm nhìn” – ông Thanh trả lời với Bloomberg.

“Chúng tôi không cần tiền, mà cần một chuyên gia trong ngành để phát triển cùng nhau”, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát tuyên bố. Khi đó, ông Thanh kỳ vọng sẽ tăng doanh thu gấp đôi lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm và giá trị của doanh nghiệp có thể đạt 5 tỷ USD.

Kế hoạch ấn tượng của Tân Hiệp Phát diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đã rót 500 triệu USD cho ba nhà máy tại Hà Nam, Quảng Nam và Bình Dương, và dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD nữa cho giai đoạn tiếp theo. Đầu năm 2019, Tân Hiệp Phát đầu tư dự án nhà máy nước giải khát lớn nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích 40 ha, quy mô đầu tư 3 giai đoạn lên tới 4,000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản liên quan Tân Hiệp Phát mọc lên như nấm giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng

Trong giai đoạn thị trường bất động sản tăng trưởng nóng, công ty gia đình Tân Hiệp Phát gây xôn xao thị trường khi cho ra đời hàng chục doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng mỗi đơn vị, rồi nhanh chóng cho ngưng hoạt động ngay sau đó.

Cụ thể, từ năm 2017 – 2021, Tân Hiệp Phát cho thành lập gần 40 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Các công ty này phần lớn do bà Trần Uyên Phương đứng tên đại diện pháp luật, làm cổ đông sáng lập; một số công ty do ông Trần Quí Thanh, hoặc vợ là bà Phạm Thị Nụ, con gái Trần Ngọc Bích làm đại diện pháp luật hoặc có tên trong danh sách cổ đông sáng lập.

Giai đoạn 2017 - 2019, Tân Hiệp Phát thành lập hơn 20 công ty bất động sản với vốn điều lệ đăng ký trên ngàn tỷ mỗi pháp nhân, cao nhất là CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Lộc Điền với 8,830 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn những công ty vốn khủng ra đời trong năm 2019 hiện đã phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể. Sau khi cho ngưng loạt doanh nghiệp thành lập năm 2019 thì sang năm 2021 - 2022, Tân Hiệp Phát lại lập ra khoảng chục công ty bất động sản mới với vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng mỗi đơn vị.

Nhiều thông tin cho rằng, với việc kinh doanh nước giải khát, Tập đoàn này thu về "tiền tươi thóc thật" với con số vô cùng lớn. Theo đó, gia đình ông Thanh đã mua nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu.

Tiểu sử ông Trần Quí Thanh, số tiền ngàn tỷ được gửi ở loạt ngân hàng

Có mặt trong buổi đấu giá đất vàng Thủ Thiêm

Vào cuối năm 2021, ông Trần Quí Thanh xuất hiện trong phiên đấu giá 4 lô đất vàng tại Thủ Thiêm (tổng giá khởi điểm 5,300 tỷ đồng, giá trúng 37,346 tỷ đồng), bên cạnh các đại gia khác như CTCP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, Công ty TNHH Đầu tư Bắc Thủ Thiêm, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Gia Định, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Ngọc Lâm, CTCP Đầu tư Bất động sản Đồng Tiến, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty TNHH Capital Land Vista, CTCP Capital One Financial…

Ông Trần Quí Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát (phải) có mặt ở 4 phiên đấu giá đất Thủ Thiêm ngày 10/12/2021. Nguồn: VnExpress

Khoản tiền gửi gần 6,000 tỷ đồng trong đại án VNCB

Tại đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB Bank), nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Phan Thành Mai khẳng định từng vay từ ông Trần Quí Thanh 300 tỷ đồng để tái cơ cấu ngân hàng. Cũng tại đại án này, tiết lộ khoản tiền gửi trị giá gần 6,000 tỷ đồng mà các cá nhân liên quan đến ông Thanh, bà Bích gửi tại VNCB, cụ thể là 124 số tiết kiệm với tổng số tiền gửi trị giá 5,881 tỷ đồng.

Các khoản tiền gửi tiết kiệm trong vụ án đều là của cá nhân nhưng các giấy tờ gửi đi xuất phát từ Tập đoàn Tân Hiệp Phát của gia đình ông Thanh.

Trả lời với báo chí vào năm 2016, ông Thanh cho biết đây là số tiền ông và gia đình đã tích lũy từ việc kinh doanh trong nhiều năm qua để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Số tiền này dự kiến đầu tư vào ba nhà máy tại Hà Nam, Chu Lai và Hậu Giang.

Dính nhiều tố cáo đến vướng vòng lao lý

Bên cạnh những ồn ào kinh doanh, ông Thanh cùng hai con gái đã từng vướng phải nhiều lùm xùm khác liên quan đến tố tụng pháp lý.

Tháng 10/2020, CQCSĐT Bộ Công an nhận đơn của ông Lê Văn Lâm (người đại diện pháp luật của CTCP Ðầu tư và Phát triển Kim Oanh Ðồng Nai) tố cáo ông Thanh cùng một số cá nhân khác, cho rằng ông Thanh đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, khiến ông Lâm thiệt hại trên 1,000 tỷ đồng.

Sau đó đến tháng 11/2020, ông Nguyễn Văn Chung (Tổng giám đốc Công ty TNHH Đo đạc, Tư vấn, Thiết kế, Xây dựng DCB) gửi đơn tố cáo con gái ông Thanh là bà Uyên Phương cùng một số người đã cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt hai khu đất của ông Chung tại TPHCM. Tuy nhiên khi đang thu thập xác minh bằng chứng, ông Chung đã bị CQCSĐT Công an TPHCM khởi tố, bắt giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do liên quan một vụ án khác.

Mới đây nhất, bà Phương được xác định từng tham gia góp vốn thành lập 11 doanh nghiệp, với đăng ký hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản. Ngày 06/03, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vào cuộc xác minh, điều tra bà này về hành vi trốn thuế và giúp sức cho người khác trốn thuế. Việc này diễn ra sau khi Chi cục Thuế TP Thủ Đức gửi công văn cho CQĐT.

Châu An - Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Cha con ông Trần Quí Thanh vướng nhiều tố cáo trước khi bị bắt (10/04/2023)

>   BRC: BCTC quý 1 năm 2023 (10/04/2023)

>   G36: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (10/04/2023)

>   HFC: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (10/04/2023)

>   SSG: Báo cáo thường niên 2022 (10/04/2023)

>   SeABank đặt kế hoạch lãi trước thuế 2023 hơn 5,633 tỷ đồng, tăng 11% (11/04/2023)

>   HSP: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (10/04/2023)

>   Sau kiểm toán, lợi nhuận ròng IDC “bay màu” hơn 540 tỷ đồng (10/04/2023)

>   PCC: Báo cáo tài chính năm 2022 (Công ty mẹ) (10/04/2023)

>   HSP: Nghị quyết Hội đồng quản trị (10/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật