Bài cập nhật
ĐHĐCĐ BMI: Mục tiêu tăng vốn lên 1,500 tỷ đồng vào năm 2025
Sáng ngày 17/04/2023, Tổng CTCP Bảo Minh (HOSE: BMI) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 theo hình thức trực tuyến nhằm trình các nội dung về kết quả kinh doanh 2022 cũng như kế hoạch kinh doanh và tăng vốn cho năm 2023.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của BMI được tổ chức sáng ngày 17/04/2023 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Khang Di
|
Thảo luận:
Ban điều hành đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển doanh thu 2023 trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng tín dụng chậm và thu nhập người dân bị hạn chế?
Ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc BMI: Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đối với Bảo Minh, việc thực hiện kế hoạch 2023 vẫn bám sát chiến lược 5 năm được ĐHĐCĐ 2022 thông qua để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, cổ tức đã cam kết với cổ đông.
Ban điều hành đánh giá những mảng sản phẩm nào tiếp tục là động lực phát triển chính của Bảo Minh trong 3-5 năm tới?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Lấy số đông bù số ít là nguyên tắc hàng đầu của bảo hiểm, Ban điều hành luôn cân đối trong hoạt động kinh doanh để đảm bảo sao cho đạt được mục tiêu về các chỉ số tỷ lệ kết hợp, doanh thu lợi nhuận, luôn bám sát mục tiêu 5 năm đã thông qua.
Bảo hiểm sức khỏe vẫn còn dư địa phát triển nhiều, Bảo Minh vẫn đang hợp tác với các bệnh viện công nên Công ty vẫn kỳ vọng doanh thu bảo hiểm vẫn đẩy mạnh để bù đắp các nghiệp vụ thiếu hụt trong thời gian tới. Ngoài ra Công ty cũng nâng cao chất lượng các sản phẩm bảo hiểm, giải quyết bồi thường đặc biệt là kiểm soát trục lợi bảo hiểm.
Tỷ trọng doanh thu giữa kênh phân phối truyền thống và kênh bancasurrance là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Năm 2022 doanh thu bảo hiểm qua kênh bancasurrance (các nghiệp vụ bảo hiểm qua tổ chức tài chính và ngân hàng) chiếm khoảng 30% tổng doanh thu bảo hiểm gốc.
Kế hoạch phát triển kênh phân phối như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Bảo Minh có mạng lưới kinh doanh rộng khắp cả nước, do đó hệ thống đại lý và kênh phân phối rất rộng rãi và hệ thống ứng dụng công nghệ cũng đang phát triển mạnh.
Tuy kênh phân phối qua bancassurance có bán kèm khoản vay và không bán kèm có suy giảm, nhưng BMI vẫn tiếp tục triển khai, và liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ các sản phẩm truyền thống nên luôn đa đạng sản phẩm, do vậy sẽ giảm thiểu được việc sụt giảm từ kênh baccassurance.
Bảo Minh có hoạt động gì trong kênh phân phối online và phát triển số?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Năm 2017, Bảo Minh đã có kênh bán hàng trực tuyến qua web, qua app để khách hàng có thể mua được sản phẩm thuận tiện. Hiện nay Công ty vẫn tiếp tục nâng cấp kênh phân phối này.
Năm 2019, có ban chuyên trách kênh bán hàng trực tuyến. Năm 2021 đã thành lập ủy ban ứng dụng công nghệ, nhằm mục đích cung cấp sản phẩm bảo hiểm mang tính chuyên biệt, tích hợp hệ thống cơ sở, kết nối đối tác cấp đơn trực tuyến.
Trong kênh phân phối bancassurnance cho năm 2022 với hơn 1,700 tỷ đồng, BMI có hơn 90% đơn bảo hiểm cung cấp online, tăng cấp hợp đồng bảo hiểm trực tuyến cho khách hàng nhanh và chính xác
Năm 2023, Công ty bắt đầu giám định trực tuyến cho bảo hiểm xe cơ giới. Cuối năm 2023, triển khai công tác bảo lãnh viện phí, bồi thường sức khỏe.
Mục tiêu tăng vốn lên 1,500 tỷ đồng vào năm 2025
Công ty có kế hoạch tăng vốn thêm không?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Công ty mong nhận được sự ủng hộ của cổ đông nhằm tăng cường chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để lợi nhuận được đẩy vào phần vốn.
Ông Đinh Việt Tùng – Chủ tịch HĐQT BMI: Hiện nay theo chiến lược 5 năm, mục tiêu 2025 sẽ tăng vốn lên 1,500 tỷ đồng. Năm nay việc chia cổ tức là 10% để thực hiện lộ trình tăng vốn. Tùy vào tình hình thực tế hàng năm, Công ty sẽ trình cổ đông phê duyệt hình thức tăng vốn.
Kế hoạch thoái vốn của SCIC tại Bảo Minh?
Ông Đinh Việt Tùng: Bảo Minh là 1 số ít doanh nghiệp, việc thoái vốn hay nắm giữ là do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo đề án, SCIC sẽ nắm giữ giữ vốn tại BMI trong thời gian 2021-2025. Do đó trước mắt SCIC vẫn tiếp tục song hành cùng với Bảo Minh trong năm 2023 cho đến khi có quyết định cuối cùng của Thủ tướng.
Cơ cấu phân bổ danh mục đầu tư 2023 của Công ty như thế nào?
Theo kế hoạch của BMI, tổng danh mục đầu tư 2023 của Bảo Minh là 3,508 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng là 3,100 tỷ đồng, chiếm 88.36%, trái phiếu là 102 tỷ đồng chiếm 2.9%, góp vốn là 203 tỷ đồng 5.84%, cổ phiếu là 103 tỷ đồng, chiếm 2.9%.
Tình hình kinh doanh bảo hiểm trong quý 2 sẽ còn nhiều thách thức
Ước kết quả kinh doanh quý 1/2023, đánh giá thị trường bảo hiểm trong quý 2 như thế nào?
Hiện Công ty chưa hoàn tất báo cáo tài chính quý 1/2023, nhưng theo ước tính, về doanh thu Công ty, vượt hơn 8% so với cùng kỳ, và thiếu 50 tỷ đồng so với kế hoạch đang trình cổ đông thông qua. Lợi nhuận cũng sẽ đạt tiến độ 375 tỷ đồng đang trình cổ đông.
Tình hình kinh doanh bảo hiểm quý 2/2023 sẽ còn nhiều thách thức về tình hình kinh tế vĩ mô. Ngoài ra việc báo đài phản ánh vô tình ảnh hưởng chung đến ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng, dù vậy Bảo Minh vẫn sẽ bám sát mục tiêu theo chiến lược 5 năm đã đề ra và cố gắn vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho năm 2023.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 375 tỷ đồng
BMI xây dựng kế hoạch năm 2023 trên cơ sở bám sát định hướng của Chính phủ về mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, và dự báo của các tổ chức quốc tế với các tiêu chí như sau: Đẩy mạnh khai thác nghiệp vụ truyền thống tại các đơn vị thành viên và giảm thiểu phụ thuộc vào các khách hàng lớn; tăng trưởng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm so với thực hiện năm 2022; quản lý các khoản chi phí (tiết giảm tỷ lệ bồi thường so với năm 2022, đặc biệt là nghiệp vụ tài sản kỹ thuật, xe cơ giới và chăm sóc sức khỏe; kiểm soát tỷ lệ kết hợp bao gồm tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ chi phí ở mức không quá 97% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại được hưởng của toàn Công ty); Phấn đấu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tối thiểu 9% so với năm 2022.
Từ định hướng kinh doanh trên, BMI đề ra các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 tăng trưởng dưới 10%.
Cụ thể, tổng doanh thu kế hoạch năm 2023 tăng trưởng tối thiểu bằng mức tăng GDP 2023 với số tuyệt đối là 6,750 tỷ đồng (tăng 6.93%). Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc gần 5,770 tỷ đồng, doanh thu nhận tái bảo hiểm hơn 630 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính và kinh doanh bất động sản đầu tư là 350 tỷ đồng.
Qua đó, BMI dự kiến lợi nhuận trước thuế 2023 tăng trưởng tối thiểu 9% so với năm 2022 với số tuyệt đối là 375 tỷ đồng (tăng 9.41%). ROE tối thiểu 10% và tỷ lệ chia cổ tức cũng tối thiểu 10%.
Năm 2022, BMI đạt 6,312 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 18% và lợi nhuận trước thuế đạt gần 343 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021. So với mục tiêu kinh doanh 2022, Công ty đều đã hoàn thành.
Từ kết quả kinh doanh trên, BMI dự kiến trả cổ tức năm 2022 là 15% (1,500 đồng/cp), trong đó 5% bằng tiền mặt gần 55 tỷ đồng) và 10% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện chi trả cổ tức 2022 bằng tiền mặt trong quý 2/2023.
Tăng vốn lên hơn 1,200 tỷ đồng
Trước đó, nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022 của BMI đã thông qua chiến lược kinh doanh 05 năm (2021-2025), trong đó xây dựng lộ trình tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu lên 1,500 tỷ đồng vào năm 2025.
Theo BMI, xét nhu cầu và quy mô kinh doanh thực tế của Công ty hiện nay, việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, điều kiện để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao năng lực đấu thầu, đảm bảo tuân thủ quy định về biên khả năng thanh toán.
Việc tăng vốn điều lệ của BMI làm tăng khối lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường, tăng tính thanh khoản, nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu.
Theo đó, HĐQT BMI trình cổ đông phương án phát hành hơn 10.96 triệu cp để trả cổ tức 2022, tỷ lệ thực hiện là 10% (cổ đông sở hữu 10 cp được nhận thêm 01 cp mới). Thời gian dự kiến phát hành vào quý 2-4/2023.
Nguồn: VietstockFinance
|
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của BMI sẽ tăng thêm 110 tỷ đồng, từ 1,096 tỷ đồng lên mức 1,206 tỷ đồng.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Khang Di
FILI
|